Học Cách Thuận Phục Khi Đức Chúa Trời Khước Từ

4679

Ann Swindell 

Có một hiện thực đầy đau đớn chiếm hữu trong tâm trí khi tôi còn trên ghế đại học. Đó là không phải lúc nào Đức Chúa Trời cũng ban sự chữa lành và sự trọn vẹn trong cuộc sống. Tôi đã phải tranh đấu với một niềm tin quả quyết rằng Chúa sẽ chữa lành bệnh cho tôi ngay tức thì – vì đó là một chuyện không khó đối với Ngài – và, thực tế thì Ngài đã không làm điều này cho tôi.

Khi bước chân vào đại học, tôi vẫn phải khổ sở với hội chứng nghiện giật tóc (trichotillomania) của mình, kéo dài đã hàng chục năm nay. Tôi bức lông mi và lông mày của mình hàng ngày cho dù tôi thật sự rất ghét và muốn từ bỏ nó. Một cách lý trí, bộ não luôn điều khiển tôi phải làm điều này và nó có nghĩa rằng tôi không thể tự chữa cho mình. Bởi vì việc “không được lành bệnh” trong khi vẫn thiết tha cầu xin sự chữa lành, tôi có cảm giác Đức Chúa Trời dường như đang im lặng và quá xa cách.

Có một lần, khi đang trong tâm trạng thất vọng cùng cực đối với Đức Chúa Trời, tôi bước đến phòng cầu nguyện trong khu học xá. Tôi đã tuôn những lời giận dữ đầy khiếm nhã của mình lên những trang nhật kí được viết bằng nét mực đen. Tôi bảo rằng Chúa quá ích kỷ, lạnh lùng, xa cách và dường như là bất toàn khi giải quyết mọi nan đề. Tôi đã ngồi thừ ra đó với những sợi lông mi rụng vương vãi khắp trang giấy – cùng với một cảm giác ê chề rằng chúng sẽ không còn được mọc lại.

Những giọt nước mắt tuôn ra thật sự không có gì là mới mẻ, nhưng lần này có một cảm giác khác lạ. Tôi khóc và không ngừng kêu cầu với Chúa rằng: “Chúa ơi, tại sao? Tại sao Ngài không chữa lành cho con? Con đã bỏ ra hằng giờ cầu nguyện và kêu cầu cùng Ngài, thậm chí đã kiêng ăn ngày này qua tháng nọ. Còn điều gì nữa mà con chưa làm, thưa Chúa?” Và tôi cũng đã tự trả lời cho mình rằng: “Không. Tôi không làm gì sai cả! Nhưng tình trạng của tôi lại cứ tệ hơn bao giờ hết!”

Tôi đã toan đẩy Ngài ra khỏi cuộc đời của mình – chính là Đấng mà tôi tin đang hiện diện ở khắp mọi nơi – và muốn chạy trốn khỏi Ngài. Tôi dần thấm thía với những nỗi cay đắng mà con người phải chịu, và đó chính là mầm mống đẩy họ đến sự hoài nghi và mất lòng tin. Thật ra, tôi cũng chẳng hãnh diện gì với sự cay đắng và thái độ mà tôi đối với Chúa lúc đó. Nhưng có một điều không thể chối cãi: tôi cảm thấy oán giận. Và tôi thật sự bị tổn thương.

Lựa chọn sự chống cự

Khi chúng ta van nài khẩn cầu Chúa, nhưng Ngài vẫn không giúp chúng ta thay đổi hoàn cảnh. Lúc đó, chúng ta chỉ còn có hai cách: hoặc là chống cự hoặc là thuận phục. Sự chống cự đẩy chúng ta ngồi lên chiếc ghế của sự đoán xét. Chúng ta công bố những điều Ngài phải thực hiện cho chúng ta. Chúng ta tỏ ra bực bội khi Ngài không đáp ứng những gì như chúng ta mong đợi và còn lạnh lùng chỉ thẳng vào Ngài với lời tuyên bố rằng Ngài đã sai.

Thật ra, sự thành thật với Chúa là điều cần thiết. Tuy nhiên, có một sự khác biệt rõ rệt giữa một sự thành thật thuận phục với một sự thành thật đầy hằn học và oán giận. Một sự thành thật thuận phục đến với Chúa bằng đầu gối, dốc đổ nước mắt với một sự hạ mình và tin cậy. Ngược lại, sự thành thật đầy hằn học và oán giận đến với Chúa bằng những cái chỉ tay đầy trách móc. Khi sự thành thật của chúng ta biến thành hằn học và oán giận, chúng ta sẽ trở nên cay đắng. Chúng ta chỉ trích và quay lưng với Ngài. Khi ấy, vô hình trung chúng ta đã khước từ chính nguồn của sự an ủi mà chúng ta đang cần đến.

Lựa chọn sự vâng phục

Sự lựa chọn thứ hai là vâng phục. Điều này có nghĩa là chúng sẽ chấp nhận, ngay cả khi chúng ta chưa hiểu rõ về Ngài một cách tường tận. Sự lựa chọn này thật không dễ dàng một chút nào. Nhưng đây là một sự lựa chọn hợp lý duy nhất nếu chúng ta muốn tiếp tục bước đi với Đấng Christ.

Trong ơn thương xót, Đức Chúa Trời đã kéo tôi trở về từ vực thẳm hiểm nguy của sự chống cự đầy ngạo mạn. Qua từng bước nhỏ tập tành học cách thuận phục, Chúa đã nhắc nhở tôi về chân lý và sự tốt lành của Ngài. Chúa đã làm lòng tôi trở nên mềm mại qua hai cách. Đầu tiên là qua một người phụ nữ tên Nita, vợ của một vị giáo sư. Mỗi tháng hai lần, cô gặp tôi để tâm vấn trò chuyện về bước đường theo Chúa của tôi, để thảo luận lời Chúa, và để cùng nhau cầu nguyện. Có một buổi chiều nọ, trong lúc đang nói chuyện với cô, tôi đã không kiềm chế được lòng mình. Sự giận dữ, thất vọng và lòng tổn thương trong tôi dâng trào, và tôi bắt đầu khóc ngay tại bàn ăn đó. Những gì tôi nhớ nhất không phải là những gì cô Nita nói, mà là điều cô đã làm cho tôi. Cô đã choàng tay qua tôi, và cùng khóc với tôi. Cô đã không trừng phạt hoặc khiển trách tôi ngay lúc đó. Đôi bàn tay cùng với sự im lặng của cô đã đem lại cho tôi một cảm giác rằng những cảm xúc của tôi được cảm thông và chia sẻ. Cô không buộc tôi phải lẫn trốn hoàn cảnh mà tôi đang đối diện mà thay vào đó hãy là chính mình trong mọi hoàn cảnh. Khi trò chuyện, giọng nói của cô tựa như giai điệu của chiếc đàn violin, trầm bổng với những cảm xúc nhưng đầy sức thuyết phục. “Ann, chúng ta không phải lúc nào cũng hiểu tường tận những điều Đức Chúa Trời chấp nhận và khước từ. Nhưng có một điều – hãy luôn hiểu một cách thấu đáo – Ngài yêu chúng ta vô cùng.”

Tôi tiếp lời: “Điều này chỉ làm cho sự khước từ của Ngài trở nên khó hiểu hơn mà thôi. Thật sự con không thể nào cảm nhận được tình yêu của Chúa khi Ngài từ chối lời cầu xin của con.”

“Cô hiểu mà, Ann. Cô cũng đã từng trong hoàn cảnh của con.”

Rồi cô kể cho tôi nghe về những mất mát mà cô đã chịu đựng, sự đau khổ mà cô đã phải vượt qua, và tôi đã hiểu rằng tại sao cô đã đồng cảm cho hoàn cảnh của tôi. Ánh mắt của cô trở nên rực sáng, cô dừng lại một lát để lấy hơi rồi tiếp tục. “Nhưng ai có thể phân rẽ chúng ta khỏi sự yêu thương của Đấng Christ?” (Rô-ma 8:35).

Tôi gật gù: “Không có điều gì cô ạ!”

Giọng nói của tôi trở nên thì thầm hơn: “Thật vậy, không có điều nào và không ai có thể.” Thậm chí ngay cả khi Ngài khước từ lời cầu xin của chúng ta. Sự tử tế và lời nói chân thật của cô Nita đã đem lại phước hạnh thật sự cho tôi. Cô đã chỉ dạy lời Chúa và đem đến cho tôi một sự đồng cảm sâu sắc. Ngay chính ngày hôm đó, qua cô Nita, Đức Chúa Trời đã bắt đầu chữa lành những tổn thương và sự thất vọng trong tôi.

Kế tiếp, tấm lòng bất an của tôi được chữa lành và xoa dịu khi tôi bắt đầu thuận phục suy gẫm lời Chúa và dành thời gian để tương giao với Ngài. Tôi được gặp gỡ Đấng Christ một cách riêng tư, và lòng tôi trở nên mềm mại hơn. Qua việc học biết những câu chuyện trong Kinh Thánh về những tấm gương của sự tin cậy và vâng lời, tôi đã thật sự tin cậy vào sự tể trị toàn năng của Đức Chúa Trời trên đời sống của mình, ngay cả những lúc chưa hiểu tường tận về những điều Ngài làm. Và, khi dốc đổ lòng mình với Chúa một cách thành thật và hạ mình trong lời cầu nguyện, tôi đã nếm trãi được sự an ủi và tình yêu của Ngài dành cho tôi.

Hơn cả sự chữa lành

Với những bước mới mẻ trong sự thuận phục, tôi đã được Chúa cất ra khỏi những sự cay đắng và oán trách đang chiếm ngự trong lòng. Ngài đã chỉ cho tôi thấy rằng vượt trên tất cả mọi điều mà tôi thật sự cần đến, đó chính là Cứu Chúa Giê-xu. Thật ra, việc đắm chìm vào những cay đắng và oán giận còn đem đến sự tổn hại nhiều hơn so với việc đối phó với bệnh tật hoặc những hoàn cảnh không mong muốn.

Có thể tôi sẽ không được chữa lành, nhưng tôi đã có Chúa Giê-xu. Và thật sự, có Ngài là một điều cần yếu hơn hết cho chính cuộc đời của tôi.

 

Thanh Trang dịch

Nguồn: https://www.thegospelcoalition.org/article/fighting-to-say-yes-when-god-says-no/

Bài trướcChẳng Lẽ Mình Là Người…
Bài tiếp theoĐồng Lòng Hay Đồng Lõa – 21/2/2018