Tác giả: Trầm Hương
Phát thanh viên: Thiên Hương – Minh Công
Chị Bảy Lùn, thật ra chị tên khác nhưng vì dáng người thấp và mập mạp nên hàng xóm kêu là Bảy Lùn theo lối thân thương.. Chị Bảy Lùn ngồi bệt dưới đất, tay quơ quơ tìm phương hướng. Trong nhà không có ai, chị ngồi bệt dưới đất, quần chị ướt không ai thay, mùi khai bốc lên nhưng chị quen rồi. Mới ngày nào đây thôi, chị vẫn còn mạnh giỏi, đi đứng đàng hoàng. Gần đây chị còn chống gậy đi được, bây giờ thì hết rồi, muốn đi đâu chị phải lết lết dưới đất giống như một người khuyết tật. Chị Bảy Lùn ngồi đó, chị ốm hơn trước nhiều lắm. Năm nay chị tám mươi tuổi, chân đã yếu, mắt đã làng. Chị cũng chuẩn bị ngày về với Chúa rồi. Cách nay ba năm, chị kêu người cháu làm thợ hồ xây kim tỉnh cho chị. Chị vẫn vui cười chứ không lo lắng. Nếu là người chưa tin Chúa thì chị sẽ lo lắng lắm, không biết sau khi chết rồi ai sẽ cúng kiếng cho mình đây vì chị chưa lập gia đình, không chồng không con.
Chị Bảy Lùn có người em gái út cách chị bảy tuổi. Ngày xưa khi còn nhỏ, chị một mình giữ em cho má và chăn trâu cho ba. Khi lớn lên, người em gái út to cao hơn chị nhiều lắm, lại xinh đẹp nhất trong vùng. Chị Bảy Lùn có làm quen với một thanh niên cao to vạm vỡ. Chị đưa anh ta về làm quen với gia đình thì người em gái thấy chàng trai ấy to lớn xứng hiệp với mình nên đã phỏng tay trên của chị mình. Ồ! Tình chị duyên em, người ta vẫn thường nói vậy, nên chị Bảy Lùn âm thầm nhường chàng trai đó cho em. Thế là em gái làm đám cưới, rồi sinh con gái đầu lòng. Chị Bảy Lùn lại một tay nuôi cháu để cho hai vợ chồng em đi làm ruộng, giăng câu, bắt cá.
Cuộc đời không bình thản trôi qua mà chiến tranh ập đến, bỗng chốc chị đã già quá lứa. Tình thương dành cho em gái đã chuyển hết cho đàn con của em. Trong chiến tranh, một tay chị tắm giặt cho năm đứa cháu, bồng ẵm dắt dìu các cháu chạy trốn giữa hai làn đạn. Chị Bảy Lùn quên bẵng cuộc sống riêng tư như chiến tranh qua đi nhanh chóng. Chàng thanh niên ngày nào bây giờ đã là ông em rể và không còn ai nhắc lại mối tình đầu của chị. Một lần nữa, lại chiến tranh nổ ra, ba chị chết trước ngày hòa bình lập lại. Chị Bảy Lùn được chia một phần đất bằng với phần của em gái. Đến lúc này, chị phải cất nhà ở riêng và một mình làm ruộng. Thế nhưng chị vẫn dành phần nuôi nấng các con của em gái. Cây muốn lặng mà gió chẳng dừng, ra riêng chẳng bao lâu thì nước lụt làm cho đồng ruộng mất trắng. Chị Bảy Lùn giao đất cho em rễ rồi ra thị xã phụ việc nhà cho một gia đình người Tin Lành khá giả. Ở chỗ mới, chị Bảy Lùn được dạy cho biết đọc biết viết. Rồi ngày trọng đại đến với chị Bảy Lùn, chị đã tin nhận Chúa Giê-xu và theo đạo Tin Lành. Thỉnh thoảng chị có về quê thăm lại gia đình em gái và cho tiền để phụ giúp em gái nuôi nấng các cháu. Những ngày đám giỗ của gia đình, chị Bảy Lùn đều có trở về nhưng không ăn đồ cúng. Cứ như thế mà bảy năm trôi qua. Chị Bảy Lùn bấy giờ không còn là cô gái quê mùa nữa. Chị học biết nhiều về Chúa Giê-xu và đức yêu thương của Ngài, thế nhưng người em rể lại đố kỵ với chị về đức tin của chị và gọi chị là người bỏ ông bà không chịu thờ cúng tổ tiên. Ở xa em gái và em rể là tốt hơn nhưng định mệnh buộc chị trở về nhà vì gia đình Tin Lành kia xuất cảnh đi Mỹ.
Thế là chị Bảy Lùn trở về quê cất nhà và làm ruộng. Vợ chồng em gái trả ruộng cho chị và cất cho chị một cái nhà trên đất cha mẹ chia cho. Đồ đạc trong nhà thì chị Bảy tự mua sắm, trong đó có cái tủ thờ và bàn ghế gỗ kiểu thành phố. Chị Bảy Lùn sống cuộc đời vừa mới vừa cũ. Theo thời gian, các cháu của chị Bảy Lùn đã lớn, đứa cưới vợ ra riêng, đứa theo chồng đi xa. Đứa nào chưa lập gia đình thì thích ở với chị Bảy Lùn hơn. Chị Bảy Lùn làm ruộng nuôi các cháu, còn người em gái thì bận bịu với đứa con trai út đau yếu liên miên. Nhìn thảm cảnh của em gái bồng đứa con trên tay tất tả chạy tìm thầy thuốc, chị thương em quá. Người em rể bán bớt ruộng của em gái vì không đủ sức canh tác lại sinh tật nghiện rượu, anh ta thường chưởi mắng chị Bảy Lùn khi say rượu. Anh ta đổ lỗi cho chị Bảy Lùn bỏ ông bỏ bà nên ông bà không độ cho khá giả, ông bà bắt tội khiến đứa con trai đau yếu liên miên, nhà hết tiền hết gạo vì thế. Chị Bảy Lùn buồn bã trong lòng, chị chỉ biết cầu nguyện với Chúa cho vơi nỗi lòng. Nhìn cảnh gia đình em gái lâm vào túng quẩn, chị Bảy Lùn quyết định bán hai lô đất ruộng để chạy thuốc cho đứa con út của em gái và để cho em rể có vốn làm ruộng. Cuộc sống không có gì sáng sủa hơn nhưng chị Bảy Lùn vẫn giữ đức tin trong Chúa Giê-xu. Chị mạnh dạn dọn dẹp cái tủ thờ thành ra cái tủ thường và không thờ cúng ông bà nữa. Tình thương của Chúa là đủ cho chị rồi. Tình thương của Chúa biến đổi cuộc đời chị thoát khỏi cuộc sống tối tăm, buồn bã, cô đơn… Trước sự bình an của chị Bảy Lùn, người em rể lại mắng mỏ chị Bảy Lùn bỏ ông bỏ bà… Năm 2000 lại vỡ đê bao. Gia đình em gái lại sa sút lần nữa. Chị Bảy Lùn quyết định bán thêm hai lô đất vườn để em gái cất lại ngôi nhà. Vì thế người em rể thôi trách móc trời làm nước lụt, trách người hộ đê vô trách nhiệm, trách chị Bảy Lùn theo Chúa bỏ ông bỏ bà. Chị Bảy Lùn thương em mình thì thương cho trót. Chị đã dành cho em gái mình tất cả tình thương và ân huệ dù em rể không xứng đáng với tình thương đó.
Bây giờ trong ngôi nhà trống vắng, chị Bảy Lùn lết dần ra cửa sau, nền gạch tàu được lau rửa nhẵn bóng, chị Bảy Lùn ngồi bệt bên ngạch cửa mắt nhìn xa xăm. Từ lâu chị không còn thấy vườn cây ao cá vì mắt chị đã làn nhưng con mắt trong ký ức chị vẫn thấy rõ mồn một. Ngày nào đó chị sẽ trở về với Chúa, chị làm cho mình một ngôi mộ sát bên cạnh ba má chị. Chị đã để lại tất cả cho em gái chị: Tuổi xuân, sức lực, tiền bạc, đất đai, nhà cửa… Chị ước ao giúp cho em gái mình tin Chúa Giê-xu. Giá mà đừng có người em rể thì… thôi không suy nghĩ nữa, phiền phức lắm, chị vẫn thường nói vậy.
Người em gái bước vào căn nhà vắng vẻ bằng cửa sau. Chị Bảy Lùn đang ngồi sẵn đó để chờ em gái đến tắm rửa cho mình. Hai mái đầu bạc chăm sóc cho nhau như mối tình của chị dành cho em, còn bây giờ là mối tình của em dành cho chị
Mong sao em gái sẽ trở lại với Chúa Giê-xu để hiểu hết tình thương bao la của chị Bảy Lùn, trong đó có lòng thương xót, ân điển và hy sinh như Chúa Giê-xu yêu dấu của chúng ta.