TRẺ EM CẦN ĐƯỢC QUAN TÂM
Nhiều trẻ em ngày nay đang bị bóc lột sức lao động, người lớn lợi dụng trẻ em để đem tiền về nhà. Trên các đường phố, góc chợ hay tại các quán ăn chúng ta có thể bắt gặp nhiều trẻ em ăn mặc nhếch nhác, dơ bẩn, trên lưng cõng em nhỏ cầm cái ca đi xin tiền, bán vé số hay bán kẹo cao su. Với ánh mắt thơ ngây của trẻ mong nhận được lòng trắc ẩn của người lớn. Câu hỏi đặt ra: “Bố mẹ của những đứa trẻ này ở đâu mà nó phải làm việc này? trong khi tuổi của các em là tuổi ăn học và vui chơi, người lớn có quan tâm đến trẻ thơ hay không? Tương lai của các em này sẽ ra sao? Trẻ em rất thơ ngây, hồn nhiên trong trắng, điều chi viết vào cuộc đời các em, nó sẽ hình thành trong em như vậy. Đó là những trẻ ở bên ngoài xã hội, còn đối với Hội Thánh Chúa, những trẻ em trong các gia đình Cơ Đốc có được sự quan tâm của bố mẹ không hay chúng nó cũng bị bỏ quên? Tuy trẻ em không thể nói được hết suy nghĩ, mong muốn của mình với bố mẹ nhưng thật sự chúng rất cần được quan tâm? Vậy chúng cần được quan tâm điều gì?
I. Tình yêu thương.
Trẻ em đang phát triển về mặt thể chất, cũng như mặt tinh thần, tình cảm, nếu được quan tâm đúng và đủ của bố mẹ dành cho trẻ thì trẻ sẽ phát triển về tình cảm tốt. Bởi lẽ gia đình là trường học đầu tiên cho trẻ học tập để hình thành nhân cách. Tình yêu thương của bố mẹ dành cho trẻ là điều trẻ cần nhất, nhiều ông bố, bà mẹ không có thì giờ dành cho con, cứ bận rộn công việc suốt ngày. Điều này dễ lắm làm cho trẻ trở nên trầm cảm vì thiếu tình yêu thương.
Một gia đình kia, bố mẹ cứ bận suốt ngày từ thứ hai đến Chúa nhật miệt mài đi làm đem tiền về cho con ăn học, và nghĩ là như thế con mình sẽ đầy đủ như bao bạn bè khác. Một ngày nọ khi ba mẹ chuẩn bị đi làm như thường lệ thì đứa con nói: “Hôm nay bố mẹ đưa con đi chơi đi, con muốn cả nhà mình đi chơi”. Người bố quát mắng nó: “Bố đi làm kiếm tiền cho con ăn học thời gian đâu mà đưa con đi chơi, bố bận lắm.” Nó không nói gì quay sang mẹ với hy vọng mẹ là người thương nó nhất, nhưng mẹ nó cũng từ chối vì bận đi làm. Mẹ cũng quát nó: “đi cái gì mà đi, chơi gì mà chơi, mẹ kiếm tiền về là mệt hết sức rồi thì giờ đâu mà chơi nữa, ở nhà tự chơi một mình đi, có điện thoại muốn gì thì cứ lên mạng mà xem” Bị bố mẹ la một trận, nó khóc và nói: “con không cần tiền, mấy đứa bạn con tuần nào bố mẹ nó cũng đưa nó đi chơi vui ơi là vui, còn con ở nhà một mình, không ai nói chuyện với con, con muốn gia đình mình đi chơi như mấy bạn con”. Nói rồi, nó chạy vào phòng đóng cửa lại và khóc.
Trẻ cần tình yêu thương sự quan tâm chăm sóc của bố mẹ hơn là tiền, với một đứa trẻ bố mẹ là số một, nên hãy dành thì giờ cho con trẻ để nó có được tình yêu thương sự quan tâm, được vui đùa trò chuyện với bố mẹ. Chúa Giê-xu cũng rất bận rộn với chức vụ giảng dạy của Ngài, nhưng Ngài vẫn dành thì giờ cho trẻ em, khi các người mẹ đem trẻ đến để Ngài rờ chúng, bị các môn đồ ngăn cản, nhưng Chúa quở trách các môn đồ mà phán rằng: “Hãy để con trẻ đến cùng ta, đừng cấm chúng nó, vì nước Đức Chúa Trời thuộc về những kẻ giống như con trẻ ấy” Mác 10:14.
Nhiều bố mẹ không quan tâm đến trẻ, nghĩ bổn phận của mình đem tiền về nhà cho con ăn học là đủ, không cần biết con mình mong muốn điều gì, không có thì giờ nghe con trẻ nói chuyện. Trẻ em ngày nay vì không có tình yêu thương sự quan tâm của cha mẹ, nên đi theo các bạn xấu để tìm thú vui, tìm người chúng có thể tâm sự, cho nên dễ lắm bị nhiễm các bạn xấu làm những việc xấu. Kinh Thánh chép “bạn bè xấu làm hư thói nết tốt” I Cô-rinh-tô 15:33.
Nhìn nhận trên thực tế có quá nhiều điều xảy ra với nạn bạo hành học đường, vì trẻ thiếu tình yêu thương thật sự của gia đình, nên tâm tính ngang ngược, muốn chứng tỏ mình để nhận được sự chú ý của người lớn. Tội lỗi của xã hội ngày nay đang lan tràn và giới trẻ bị hút vào, con em của chúng ta cũng đang đối diện với nguy hiểm đó mỗi ngày. Nếu không có tình yêu thương của cha mẹ đủ thì dễ lắm trẻ sẽ trở nên hư hỏng, bất trị và dễ lắm sa vào tội lỗi của thế gian.
II. Nuôi dạy
Con cái là cơ nghiệp mà Đức Chúa Trời ban cho, việc nuôi dạy con là bổn phận của cha mẹ, nhưng phải nuôi dạy con cho Đức Chúa Trời. Vậy nuôi dạy con như thế nào?
Nuôi trẻ: Cơ thể của trẻ đang phát triển nên rất cần cung cấp đầy đủ nhiều thực phẩm dinh dưỡng để trẻ lớn lên, bên cạnh đó, trẻ cần phải được vận động thường xuyên để thân thể khỏe mạnh. Trẻ thích chơi đùa nên bố mẹ cứ để cho trẻ thoải mái tự do chơi nhảy, có như thế thân thể trẻ mới khỏe mạnh, khi trẻ chơi xong thì vệ sinh sạch sẽ cho trẻ cẩn thận. Tùy vào mỗi hoàn cảnh gia đình việc nuôi trẻ sẽ khác nhau nhưng đừng bỏ bê trẻ mà hãy quan tâm, chăm sóc thật chu đáo.
Dạy trẻ: Dường như các bậc phụ huynh ít quan tâm đến vì nghĩ rằng trẻ còn nhỏ thì dạy làm sao được, chỉ cần nuôi cho con mình lớn lên khỏe mạnh là đủ, không nghĩ đến việc phải dạy trẻ. Điều này không đúng, việc dạy trẻ được các nhà giáo dục học nghiên cứu và chia ra các độ tuổi của trẻ thích hợp với các cách dạy khác nhau, vì não bộ của trẻ phát triển từng giai đoạn khác nhau. Vậy dạy trẻ là dạy điều gì?
Dạy về thế giới xung quanh. Mô hình gia đình là thế giới xung quanh thu nhỏ mà trẻ tiếp xúc hàng ngày. Trẻ cần phải học từ các mối quan hệ của từng thành viên trong gia đình, qua việc chăm sóc và bày tỏ yêu thương nhau của người lớn. Trẻ nhìn thấy và bắt chước nhanh chóng, từ đó hình thành trong đứa trẻ một người biết quan tâm, không ích kỷ mà biết lo nghĩ đến người khác.
Dạy về lễ giáo. Ông cha ta ngày xưa đã dạy “Uốn cây từ thuở còn non, dạy con từ thuở con còn thơ ngây”, hay câu “Tiên học lễ hậu học văn”, như vậy việc lễ giáo được quan tâm hàng đầu. Giới trẻ ngày nay bị than phiền là không lễ phép với người lớn, gặp người lớn thì không chào hỏi, cứ làm ngơ. Đối với các nước phương Tây thì việc chào hỏi của trẻ với người lớn hay không đó là việc của nó và không quan trọng, không bị coi là vô lễ, vì nó thích thì nó chào hỏi, còn không thích thì chẳng sao. Nhưng văn hóa giáo dục của người Việt Nam thì khác coi trọng lễ giáo hơn các việc khác. Việc dạy trẻ biết chào hỏi người lớn sẽ hình thành nhân cách trở nên người lịch sự, đàng hoàng, lễ phép và được mọi người yêu thích, có ích cho xã hội, cho Hội Thánh Chúa.
Dạy Lời Chúa: Dạy con mọi điều trong cuộc sống nhưng đừng quên mỗi ngày dạy Kinh Thánh là Lời Chúa cho con trẻ bởi “… từ khi con còn thơ ấu đã biết Kinh Thánh vốn có thể khiến con khôn ngoan để được cứu bởi đức tin trong Đức Chúa Jêsus Christ” Ti-mô-thê 3:15. Dạy Lời Chúa cho con cũng là mạng lịnh của Chúa. Lời Chúa phán với Áp-ra-ham: “Ngươi phải nhóm hiệp dân sự, nào người nam, người nữ, nào con trẻ và khách lạ ở trong các thành của ngươi, để chúng nghe, tập kính sợ Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi, và cẩn thận làm theo các lời của luật pháp nầy.” Phục truyền 31:1.
Điều mà bố mẹ nghĩ đó là cần có nhiều tiền bạc, của cải cho con trong tương lai, nhưng của cải không cứu linh hồn của con em được, tài sản lớn nhất cần cho con cái chính là đức tin và Lời Chúa. Nhìn thấy con mình tin nhận Chúa, trưởng thành và phục vụ Ngài, đây mới là tài sản quý mà bố mẹ dành cho con cái
.
Ngày nay thế hệ trẻ vì không được dạy Kinh Thánh kỹ lưỡng khi còn nhỏ, nên khi đến tuổi thiếu niên, thanh niên đã từ bỏ đức tin, từ bỏ Hội Thánh đi ra ngoài xã hội và gặp biết bao nhiêu điều xấu đang rình rập. Hội Thánh không còn giới trẻ nhóm lại, nhiều Hội Thánh phải bán nhà thờ. Nhiều cha mẹ chỉ có nuôi con nhưng không dạy cứ chiều theo ý của con vì coi con là cục cưng của mình, nên khi con sai quấy không dám la rày, cũng không dám đánh nó một roi. Kinh Thánh nói gì về việc dạy dỗ con cái “Chớ tha sửa phạt trẻ thơ; Dầu đánh nó bằng roi vọt, nó chẳng chết đâu” Châm ngôn 23:13. Cũng có nhiều người dạy con mà cứ đánh bổ từ trên đầu xuống, cứ cầm vật gì trong tay là đánh con, trút hết tức giận của mình lên con và hậu quả là nó bị thương tích có khi suýt mất mạng. Cách dạy này không đúng với Thánh Kinh: “Hãy sửa phạt con ngươi trong lúc còn sự trông cậy; Nhưng chớ toan lòng giết nó”. Châm ngôn 19:18.
Trẻ em học rất nhanh và dễ bắt chước, nên nếu dạy những gì thì những điều đó sẽ theo trẻ suốt cuộc đời. Việc quan trọng cũng không kém là chính bố mẹ phải làm gương cho trẻ trong nếp sống tin kính Chúa. Nếu cứ dạy con mà không làm gương, thì trẻ sẽ không làm đúng mà làm sai theo việc làm của bố mẹ. Kinh Thánh cho chúng ta biết: “Hãy dạy cho trẻ thơ con đường nó phải theo, dầu khi nó trở về già, cũng không hề lìa khỏi đó” Châm ngôn 22:6. khi trẻ học Kinh Thánh thì chính Lời Chúa có năng quyền thay đổi cuộc đời của nó.
III. Vui chơi:
Ngày nay nhiều phụ huynh áp đặt trẻ học quá nhiều, học từ sáng đến chiều, rồi tối về phải đi học thêm, thời gian của trẻ để giải trí vui chơi không còn, cho nên nhiều đứa trẻ cảm thấy sợ hãi khi đi học. Các bố mẹ còn cho con mình đi học thêm ngày Chúa nhật, đưa con đến nhà thờ rồi ngồi chờ cô giáo dạy trường Chúa nhật thật nhanh rồi chở con đi học thêm. Tuổi của các em là tuổi vui chơi học hành, nhưng không phải học quá sức như thế, phải có thời gian cho trẻ còn chơi với bạn bè, vui với tuổi thơ của trẻ. Một nhóm trẻ học sinh cùng chơi với các bạn và thốt lên một câu: “Đi học là đi tu, trường học là nhà tù, kẻ thù là sách vở” nghe trẻ nói câu này người lớn chúng ta nghĩ gì? Tại sao trẻ thốt lên câu nói như thế? Nhưng cũng không phải “nhỏ không học, lớn cũng làm đại úy” càng sai trầm trọng nữa. Cho nên cần cân bằng việc vui chơi học hành cho trẻ để trẻ phát triển cân đối khỏe mạnh toàn diện.
IV. Bảo vệ.
Thực tế trên thông tin đại chúng, mỗi ngày đều đề cập việc trẻ em gái bị xâm hại tình dục, điều này cho thấy trẻ em ngày càng không còn được an toàn, không còn được bảo vệ, tuổi thơ của các em bị đánh cướp, sự vô tư trong trắng hồn nhiên của các em bị vấy bẩn bởi kẻ ác. Trong gia đình, Hội Thánh Chúa cũng không ngoại trừ, điều này gióng lên tiếng chuông cảnh báo với các bậc phụ huynh cần phải quan tâm, gìn giữ, bảo vệ con của mình. Nhiều người bỏ bê trẻ không quan tâm, không biết con mình như thế nào, hay cũng phần ỷ lại tin cậy vào người khác nên để cho kẻ ác lợi dụng cơ hội làm hại các em. Tại trường học, trẻ học cùng các bạn là những người không tin Chúa, người lạ có thể dụ dỗ các em làm điều xấu, bố mẹ các em đâu có thì giờ và có thể ở cùng các con của mình mọi lúc mọi nơi để bảo vệ chúng được. Vậy trẻ em cần được bảo vệ thế nào?
Mỗi ngày trước khi con mình đến lớp, hãy ôm con vào lòng cầu nguyện xin Chúa gìn giữ và bảo vệ con khỏi những kẻ xấu, xin huyết Chúa bao phủ con. Khi con đi học về cũng hãy làm động tác ôm con vào lòng, cầu nguyện cảm tạ Chúa vì con đã về nhà bình an. Đây là điều mà ít có phụ huynh nào làm cho con của mình, cứ mong con hôm nay học giỏi, được cô giáo khen, mà không hề quan tâm đến ngày hôm nay con của mình có bình an chăng. Khi chúng ta nhờ bày tay năng quyền của Chúa gìn giữ con của mình thì chúng ta mới có thể am tâm “Vì Đức Giê-hô-va vạn quân phán rằng: Sau sự vinh hiển, rồi Ngài sai ta đến cùng các nước cướp bóc các ngươi; vì ai đụng đến các ngươi tức là đụng đến con ngươi mắt Ngài” Xa-cha-ri 2:8.
Luôn ở bên con ân cần hỏi trẻ những việc ở lớp xảy ra, có nhiều trẻ ở trường hay tại ngay công viên gần nhà bị kẻ xấu lợi dụng sự ngây thơ của trẻ mà xâm hại tình dục, dụ dỗ trẻ và cho rằng đây là bí mật của trẻ với kẻ xấu đó buộc trẻ không được nói cho ai nghe. Trẻ sợ hãi khi cho người khác biết bí mật này, nên giấu kín đến khi phát hiện thì chuyện đã rồi. Bố mẹ hãy làm bạn của trẻ để trẻ có cơ hội tâm sự, hãy để thời gian trò chuyện với con cái của mình, để trẻ thấy có thể tin cậy và dễ dàng bày tỏ tâm sự và thấy được an toàn khi có bố mẹ luôn lắng nghe trẻ và ở bên cạnh. Nhiều bố mẹ vì bận rộn với cuộc sống không có thì giờ cho con, thậm chí rày la to tiếng với trẻ làm cho trẻ sợ hãi và không dám nói cho bố mẹ điều gì, như vậy trẻ sẽ không thấy bình an ngay từ chính người thân của mình, trẻ sẽ cảm thấy bơ vơ lạc lõng không ai hiểu mình nên đi tìm sự bình an từ người khác và là cơ hội cho mọi điều xấu đến với trẻ.
Trẻ em là Hội Thánh tương lai, là những lãnh đạo kế thừa tiếp nối chức vụ của các bậc tiền nhân, nên cần lắm sự quan tâm, chăm sóc, dạy dỗ của các phụ huynh, giúp các em nhận biết Chúa tin cậy Chúa là Chúa của cuộc đời mình, để khi chúng lớn lên sẽ là những người làm những việc lớn và khó cho vương quốc của Đức Chúa Trời. Hãy quan tâm đến trẻ em, đây là điều mà trẻ thật sự cần thiết.
Bảo Tuyết