Trầm cảm. Hầu như ai cũng vướng phải.
Trong quyển Người Chạy với Đôi Chân Bằng Đất Sét, nữ diễn viên Jeannette Cliff kể về cuộc đối thoại giữa cô và một người bạn thân
Ngày nọ, khi gọi điện thoại đến một trong những Cơ đốc nhân thành công nhất mà tôi biết, hỏi rằng: “Chị khỏe không?” và tự nghĩ đây là câu hỏi thừa vì chị ấy luôn luôn khỏe và có hàng tá câu Kinh Thánh để minh chứng nữa! Tuy nhiên, lần này, tôi chẳng nghe câu trả lời thường xuyên. Thay vào đó là sự yên lặng một hồi lâu, rồi, tuôn đổ một hơi:
“Ôi Jeannette, chị thật khốn khổ! Chị bị trầm uất mà không biết phải làm gì. Chị phải ngưng dạy các lớp học Kinh Thánh. Ngưng hết mọi việc. Không ra ngoài, chẳng gặp ai. Chị chỉ làm mỗi một việc là thức dậy mỗi buổi sáng nhưng thậm chí có ngày chị không muốn dậy nữa. Thật xấu hổ về chính mình, chị không chịu nổi nữa!”
Jeannette giải thích:
“Đây không phải là một người mới tin Chúa với đời sống thuộc linh thất thường mà là một chiến sĩ Cơ đốc mạnh mẽ! Tôi từng quan sát khi chị làm việc và phải ngợi khen Chúa về sự chính xác của chị khi dạy dỗ hoặc khuyên nhủ. Lòng tôi đau đớn về chị. Người bạn yêu dấu này không chỉ tuột xuống vực thẳm mà còn xấu hổ về việc mình ở dưới đó … Bất kỳ Cơ đốc nhân nào thật sự bị khủng hoảng về cơn trầm uất của một Cơ đốc nhân khác, hẳn chưa trung thực xử lý với khả năng bị trầm cảm của chính mình.”
Trong năm qua, tôi để ra nhiều tiếng đồng hồ với riêng từng người trong số hai người bạn thân nhất bị mắc kẹt trong bẫy trầm cảm làm cho tê liệt. Một phụ nữ là bạn học của tôi thời đại học, người mà đức tin và sự kết ước với Đấng Christ đã đưa tôi đến mối tương giao cá nhân với Chúa. Hai vợ chồng chị đã phục vụ cách hữu hiệu cho Chúa tại Đông Phi hơn ba mươi năm. Tuy nhiên, trong thời nghỉ phép, chị đã rơi vào sự trầm cảm nghiêm trọng.
Người bạn thứ hai của tôi là một bạn đồng công tại Pháp. Được ơn sáng trí, chị luôn luôn tìm thấy nhiều cánh cửa mở rộng để sử dụng ân tứ của mình. Tập trung sức lực vào gia đình, hai vợ chồng chị đã nuôi dạy thành công hai người con trai mẫu mực. Giờ đây, khi hai con đã khôn lớn, chị chẳng tìm được đối tượng để ban tặng hết thảy những gì cần ban tặng. Đã nhiều năm nay chị sống trong vùng độc khí của sự trầm cảm.
Cynthia Swindoll, giám đốc chương trình Phát Thanh Tin Lành Insight for Living, ôn lại quãng thời gian mười lăm năm sống trong sự tăm tối trầm cảm. Trong lời tựa cho quyển Trầm Cảm của Don Baker, bà mô tả kinh nghiệm của mình:
…tăm tối như hàng ngàn đêm trong đầm lầy
… nỗi cô đơn không mô tả được
… bức xúc, bực mình với Chúa
… bực bội với cuộc đời và hoàn cảnh
… có cảm tưởng bị bỏ rơi và vô giá trị
… thấy mình không được yêu mến
Nỗi đau đớn thật khủng khiếp.
Trầm cảm. Bạn nhận thấy điều Cynthia Swindoll kinh nghiệm không? Bà cảm thấy cô đơn, bối rối, bực dọc, vô giá trị, không được yêu mến. Còn nỗi đau thì thật khủng khiếp.
Trầm cảm đến trong nhiều dạng với nhiều triệu chứng. Có thể ngay giờ đây bạn đang kinh nghiệm vài triệu chứng. Bác sĩ Timothy Foster liệt kê bảy triệu chứng chính của chứng trầm cảm trong quyển sách của ông Cách Xử Lý Chứng Trầm Cảm.
1. Chúng ta mất cảm xúc và gọi đó là sự trống rỗng. Ấy là tâm trạng mà chúng ta thường nói khi: “Tôi không cảm thấy buồn mà cũng chẳng vui. Tôi chẳng cảm thấy gì cả.” (Foster nhắc chúng ta rằng mỗi một cơn trầm cảm do cảm xúc gây nên thường bắt đầu bằng sự trống rỗng kéo dài và dần dần trở nên tệ hại hơn.)
2. Chúng ta trở nên quá biết rõ về mình. Hầu hết những việc chúng ta làm là do quán tính – lái xe, gác chân chữ ngũ, gãi mũi hoặc ăn cơm tối … mà không có ý thức về hành động của mình. Tuy nhiên, thình lình, chúng ta phải suy nghĩ về những quyết định này. Chúng ta trở nên tự nhận biết mình.
3. Thói quen ngủ nghỉ của chúng ta thay đổi. Nếu thường thường chúng ta ngủ thẳng giấc, giờ đây chúng ta có thể kinh nghiệm sự mất ngủ. Nếu thường thường chúng ta có thể hoạt động hữu hiệu sau 7 hoặc 8 tiếng đồng hồ ngủ nghỉ thi giờ đây chúng ta cứ muốn ngủ suốt ngày.
4. Thói quen ăn uống của chúng ta thay đổi. Nếu thường xuyên chúng ta kiểm soát trọng lượng cơ thể qua kỷ luật ăn uống, giờ đây có thể chúng ta thấy mình cứ với tay lấy thức ăn. Hoặc có thể chúng ta mất sự thèm ăn bình thường và không muốn ăn nữa.
5. Thói quen khóc cũng thay đổi. Điều này có thể có hai dạng. Nếu chúng ta khóc thường xuyên, giờ đây có thể chúng ta thấy điều gì đó kềm giữ lại nước mắt của mình. Chúng ta khóc không nổi. Điều gì đó ngăn cản dòng cảm xúc của chúng ta. Hoặc, có thể chúng ta liên tục cảm thấy cần khóc. Nước mắt luôn chực chờ sẵn để tuôn ra.
6. Chúng ta mất tự tin vào khả năng hoạt động của mình. Từ đó, chúng ta có thể kinh nghiệm sự mất mát năng lực hoặc thiếu sáng kiến.
7. Trạng thái tinh thần của chúng ta đi xuống. Chúng ta cảm thấy buồn. Chứng trầm cảm bắt đầu từ cảm xúc “trống rỗng” nhưng cuối cùng tinh thần đi xuống, rồi sự buồn rầu và bỏ lơi kết hợp với nhau. Foster nói rằng chúng ta không nên hoảng sợ khi thấy sự hiện diện của chỉ một hoặc hai trong những triệu chứng này. Tuy nhiên, nếu chúng ta kinh nghiệm ba triệu chứng hoặc con số nhiều hơn, có thể chúng ta mang chứng trầm uất.
Chứng trầm uất do đâu mà ra? Trong hầu hết các trường hợp, chúng ta có thể truy ngược lại cách suy nghĩ về chính mình.
Một số trường hợp trầm cảm – chừng 5% – là do sự mất cân bằng hoọc-môn và cần phải được chữa chạy bằng thuốc men suốt cả đời. Người ta ước định 95% kia có nguồn gốc từ các yếu tố cảm xúc.
Trầm uất là một cách xử lý tâm trạng căng thẳng. Có người xử lý sự căng thẳng bằng cách trở nên đau bệnh về phần thân thể, thể xác. Người khác xử lý sự căng thẳng bằng cách cố gắng đạt đến mục tiêu cao hơn bình thưòng. Những người khác xử lý sự căng thẳng bằng tinh thần sa sút, rút lui khỏi mọi sự tham gia vào cuộc đời.
Nhiều chứng trầm uất bắt nguồn từ biến cố nào đó gây chấn thương cảm xúc lâu dài trong cuộc đời chúng ta. Chúng ta có thể chỉ ra những biến cố đó và giải thích tại sao chúng ta bị trầm cảm. Có thể chúng ta cảm thấy bị người nào đó mà chúng ta yêu quý từ bỏ. Hoặc chúng ta vừa trải qua một cuộc ly dị choáng váng. Hoặc người thân của chúng ta vừa qua đời. Có thể đó là sự kiện mất việc làm dẫn đến mối đe dọa mất nhà ở. Trầm uất do bị mất mát là loại dễ hiểu nhất.
Các sự trầm uất khác không thể “đổ thừa” cho bất kỳ điều gì đặc biệt xảy ra với chúng ta. Chúng ta cảm thấy xuống tinh thần “chẳng vì cớ gì cả”.
Chứng trầm cảm sẽ chạy theo chúng ta khi chúng ta hướng về chính mình cách tiêu cực. Nó sẽ đến khi chúng ta cảm thấy bó tay, không thay đổi được hoàn cảnh của mình. Chúng ta không nhìn thấy sự chọn lựa nào khác. Quay đi đâu, chúng ta cũng chỉ nhìn thấy những cánh cửa bị đóng hoặc rào cản chúng ta khỏi niềm vui và hạnh phúc. Sự ngăn trở nhỏ nhoi đối với người phụ nữ này trở nên một vật cản không vượt qua nổi đối với một phụ nữ khác.
Đối với nhiều phụ nữ trung niên, chứng trầm uất sẽ đến khi họ nhận ra rằng mình sẽ chẳng bao giờ trở nên điều mà họ từng mơ ước. Các tâm lý gia gọi đây là bệnh u sầu phức tạp. Sự tuyệt vọng dần dần trở nên cả nguyên nhân lẫn hệ quả của chứng trầm uất.
Hết thảy những ai bị trầm cảm đều kinh nghiệm sự suy giảm lòng tự tin. Nếu tôi tự đánh giá mình thấp, tôi càng dễ có khuynh hướng bị trầm cảm. Chuyện gì đó xảy ra khẳng định ý nghĩ của tôi rằng tôi thật vô dụng. Tình huống có thể xảy ra như vầy:
Tôi làm việc tại Trường Dòng Denver, nơi mà tôi làm công việc hiệu đính tập san của trường. Giả sử sếp của tôi ghé ngang văn phòng tôi và hỏi xem tôi đã viết xong bài để đăng trong tập san kế chưa. Chưa. Như vậy, tôi cảm thấy ông ta bực mình về tôi. Tôi bắt đầu diễn dịch điều đó thành đủ loại suy nghĩ mà ông ta, trong thực tế, chẳng hề có. Nếu tôi tự đánh giá mình thấp, tôi có thể kết luận rằng ông ta kinh tởm tôi vì tôi không hoàn tất công việc mình. Đến nỗi, tôi cho rằng, ông ta kinh tởm tôi tới mức sẽ sa thải tôi. Tôi tin rằng tôi đáng nhận bất cứ điều gì mà ông ta đổ lên đầu tôi vì tôi kém khả năng. Tôi thật là một sự thất bại. Bởi vì tôi vô giá trị và chỉ là một người kém khả năng trong văn phòng nên điều tốt nhất tôi có thể làm cho Trường Dòng này là xin nghỉ việc để sếp của tôi có thể mướn ai đó có khả năng thực hiện công việc cách hữu hiệu.
Có bao giờ bạn diễn tình huống đó trong đầu mình không? Tôi đã từng làm rồi. Điều xảy ra là tôi cất giữ tình huống này trong bộ nhớ của mình nơi mà nhiều tình huống “bị từ bỏ” được tồn kho. Mức độ tự tin của tôi giảm dần dưới gánh nặng của tủ hồ sơ nặng nề chứa đầy sự thất bại của tôi.
Khi lòng tự tin của tôi bị sói mòn, tôi thu mình lại khỏi những người xung quanh mình, khỏi cuộc sống bình thường, và thường thường là khỏi Đức Chúa Trời. Có thể tôi chẳng ý thức được về nguyên nhân sự co cụm của mình. Tuy nhiên, càng co cụm, tôi càng tự trách mình. Điều này chỉ làm vấn đề tệ hơn. Mỗi lần như vậy, lòng tự tin của tôi lại thấp hơn trước. Vòng lẩn quẩn lại bắt đầu quay, đưa tôi vào chỗ thu mình lại hơn và lại càng có nhiều mặc cảm tội lỗi và sự vô giá trị hơn.
Bị quấn trong vòng lẩn quẩn, tôi thấy hoàn toàn vô vọng. Tôi không làm được điều gì có giá trị cả. Tôi nằm dưới sự điều khiển của mãnh lực dìm ngập tôi trong sự kém khả năng của mình. Tôi cảm thấy mình bị lôi kéo xuống một cái hồ dạng xoắn ốc của sự trầm uất.
Ý tưởng tiêu cực về chính mình nhanh chóng trở nên tự động. Chúng ta không cần phải cố gắng trong việc suy nghĩ cách tiêu cực. Chúng trở nên thói quen ăn sâu vào máu thịt chúng ta sau nhiều năm thực tập. Chúng ta không lý luận để đạt đến các ý tưởng tiêu cực. Chúng ta đạt đến hầu hết các ý tưởng này mà chẳng cần bằng chứng khách quan chi cả. Tuy nhiên, việc không bằng chứng khách quan chẳng hề ngăn trở chúng ta suy nghĩ cách tiêu cực.
Sự trầm uất tạo nên một cái khung trong tâm trí khiến mọi điều chúng ta kinh nghiệm đều nhắc nhở chúng ta đến tình trạng khốn khổ, vô vọng của mình. Đấy là một nguyên nhân khiến sự trầm cảm là điều thật đau đớn. Chúng ta buộc mình chịu trách nhiệm về mọi điều xấu xảy ra quanh chúng ta. Chúng ta nhấn mạnh về sự thất bại và bỏ lơ sự thành công hoặc dẹp chúng sang một bên như thể là chuyện tình cờ. Nếu chúng ta thật sự tin rằng chính mình đáng trách về bất cứ điều gì chúng ta suy nghĩ, ấy là sai.
Phần lớn, những người trầm uất cột neo cảm nhận về chính mình vào một ý nghĩ rất nhỏ hẹp về sự thành công. Những sự mong đợi không thực tế và các mục tiêu cao quá sức dẫn chúng ta tới một cảm nhận chìm ngập trong thất bại và vô giá trị. Chúng ta tự gài mình vào bẫy thất bại. Tâm trí có thói quen thổi phồng người khác lên và đạp dẹp mình xuống là nét đặc trưng của trầm cảm. Rốt cuộc chúng ta có cái nhìn sai trật về người khác và chính mình bị tự tin mặc cảm cách vô vọng. Chúng ta thấy mình ngu ngốc, vô duyên, bất tài, hoặc không thuộc linh.
Mô tả lâm sàng về chứng trầm uất có thể giúp chúng ta thấy các triệu chứng và hội chứng. Tuy nhiên, đây không phải là một bài viết về y khoa và trầm uất không phải là một loại vi khuẩn. Luôn luôn ấy là một vấn đề cá nhân. Nó xảy đến cho những con người thật. Chúng ta có thể hiểu về nó rõ hơn nếu chúng ta xem xét một trường hợp bị trầm uất.
Chúng ta cùng học hỏi về người phụ nữ tên An-ne. Câu chuyện của bà giúp chúng ta cùng bước đi với bà và rồi cùng ra khỏi sự trầm uất của bà. Chúng ta gặp bà trong 1 Samuên 1. Quen biết bà, chúng ta khám phá ra bà còn có nhiều nguồn cơn căng thẳng khác.
Trước hết, bà sống trong một thời kỳ căng thẳng của lịch sử Isơraên. Quốc gia chỉ là sự tập hợp các chi phái / bộ tộc quanh việc thờ phượng Đức Giê-hô-va tại đền thờ ở Si-lô. Quân xâm lấn gây khó khăn cho hết chi phái này tới chi phái khác. Qua một giai đoạn nhiều trăm năm, hết người lãnh đạo này đến người lãnh đạo khác được kêu gọi làm quan xét để giải cứu dân sự của Chúa khỏi luật lệ ngoại quốc; rồi lại một chi phái khác của Isơraên bị một nhóm người ngoại quốc khác đàn áp. Cũng như khi cầm lên tờ Thời Báo hoặc Tuần Báo, chúng ta có thể hiểu được thể nào các mối căng thẳng trên thế giới và trong thành phố chúng ta sống có thể ảnh hưởng cách chúng ta cảm nhận.
Không chỉ quốc gia của An-ne bị các nước lân bang đàn áp mà đời sống tôn giáo cũng bị các thầy tế lễ xấu làm hư hỏng. Hai con trai của thầy tế lễ chế giễu các của lễ dâng; còn tệ hơn thế nữa, họ ngủ với những người phụ nữ phục vụ tại cửa vào đền thờ. Ấy không phải là một thời đại dức dấy đức tin và lòng tận tụy với Đức Chúa Trời.
Tuy nhiên, ở giữa sự đạo đức giả về tôn giáo, chúng ta tìm thấy một gia đình sùng đạo sống ở Ra-ma-tha-im, trên sườn núi dành cho chi phái Ép-ra-im. Ên-ca-na, người chồng trong câu chuyện của chúng ta, là một người Lê-vi, hoặc một thầy tế lễ. Hàng năm, ông và gia đình đi bộ mười dặm đến đền thờ ở Si-lô để thờ phượng.
An-ne sống trong một thời đại căng thẳng cả về mặt chính trị lẫn tôn giáo. Tuy nhiên, bà còn phải sống trong mối căng thẳng của gia đình nữa. Trong 1 Sam 1:2, chúng ta thấy Ên-ca-na có hai vợ – An-ne là người được yêu mến nhưng lại không con và Phê-ni-na không được thương yêu bằng nhưng lại rất mắn con. Một phần trầm uất của An-ne đến từ sự kiện sống trong một cuộc hôn nhân đa thê.
Thời cổ xưa ở Isơraên, đa thê là chuyện bình thường. Nhiều vợ là cách để có nhiều con. Trường hợp của An-ne, rất có thể bà là người vợ đầu tiên của Ên-ca-na. Tuy nhiên, vì bà son sẻ, ông lấy thêm người vợ thứ hai để có con hầu bảo đảm danh họ của gia đình không bị mất đi.
Trong thời An-ne, một người phụ nữ không có con được coi là mắc xích vô dụng trong chuỗi xích dẫn đến Đấng Mê-si như đã hứa. Tình trạng của An-ne thật đáng chán. Hết năm nọ đến năm kia, Phê-ni-na sanh con liên tục. Hết năm này qua năm khác, An-ne chịu đựng áp lực tình cảm vì cớ vô sinh của mình. Niềm hy vọng có thai của bà lụi tàn với mỗi kỳ kinh nguyệt. Sự căng thẳng của An-ne trong gia đình không chỉ đến từ cuộc hôn nhân đa thê mà còn vì cớ bà bị vô sinh trong lúc sống bên cạnh người vợ kia có thai và sanh con thật dễ dàng.
Tuy nhiên, sự căng thẳng của An-ne càng tăng thêm bởi sự kiện Phê-ni-na không ngừng châm chọc cớ vô sinh của bà. Trong câu 6 chúng ta đọc thấy kẻ kình địch của bà, Phê-ni-na, “khôn xiết trêu ghẹo nàng để giục nàng lằm bằm”. Ở câu 7, chúng ta biết điều này diễn ra một thời gian dài – “từ năm này đến năm kia”.
Thời điểm khó khăn nhất cho An-ne là dịp đi hành hương hàng năm đến Si-lô. Hãy tưởng tượng việc phải đi bộ dòng dã mười dặm đường với người không ngừng trêu chọc, chế giễu sự yếu kém của mình trong khi mấy đứa con của bà ta cứ va chạm vào mình, chùi quẹt nước mũi vào váy áo mình hoặc đòi mình ẵm. Hèn nào An-ne chẳng đến đền thờ Si-lô dưới một đám mây đen trầm uất.
Làm thế nào chúng ta biết bà bị trầm uất? Vài triệu chứng gì chúng ta thấy? Điều Ên-ca-na hỏi vợ mình ở câu 8 cho chúng ta vài manh mối:
Tại sao nàng khóc?
Cớ sao không ăn?
Và lòng buồn bực dường ấy?
Hãy suy nghĩ lại bảy triệu chứng chính của trầm uất mà Foster đề cập. Ông nói rằng hễ có bất kỳ ba trong bảy triệu chứng, ấy là trầm uất. An-ne bị trầm uất. Thiện ý và nỗ lực của Ên-ca-na nhằm an ủi bà đã chẳng thành công. Dường như chẳng điều gì có thể thay đổi được tình huống. Nỗi tuyệt vọng của bà quá lớn. Bà thu mình khỏi sự an ủi của chồng. Bà co cụm mình khỏi sinh hoạt gia đình.
Nếu từng ở trong hố tăm tối của sự trầm uất hẳn bạn sẽ có thể thông càm với An-ne. Quá nhiều điều trong đời sống bà khiến bà bị trầm uất. Tuy nhiên, ở giữa mọi sự ấy, An-ne vẫn chưa buông bỏ Đức Chúa Trời. Hãy xem chuyện gì xảy ra kế đó. Câu 9 và 10 chúng ta thấy:
Sau khi người ta đã ăn uống tại Si-lô rồi, An-ne bèn đứng dậy; lúc ấy Hê-li, thầy tế lễ, đương ngồi trên một cái ghế gần bên cửa của đền Đức Giê-hô-va. An-ne lấy làm sầu khổ trong lòng, vừa cầu khẩn Đức Giê-hô-va, vừa tuôn tràn giọt lệ.
Hãy để ý thấy rằng trong khi chúng ta biết khá nhiều về An-ne trong câu chuyện Kinh Thánh tới thời điểm này nhưng chỉ đến nay chúng ta mới nghe bà nói. Không gì cho chúng ta thấy bà có đối đáp với sự chế giễu của Phê-ni-na hoặc bà có giúp Ên-ca-na hiểu sự khốn khổ của bà khi ông cố gắng an ủi bà chăng. Trước khi lên tiếng ở câu 11, bà là một nhân vật chịu đựng âm thầm, tương tự như rất nhiều phụ nữ đang ở trong sự trầm uất ngày nay. Sự trầm uất có cách để cướp khỏi chúng ta khả năng giao tiếp với người quan trọng quanh chúng ta. Chúng ta có thể cảm thấy rằng chẳng ai hiểu được cả.
Bà khóc lóc trong niềm cay đắng. Nhưng bà còn làm một chuyện khác nữa. Bà cầu nguyện với Chúa. Lần đầu tiên chúng ta nghe bà nói, chúng ta nghe bà thưa với Chúa:
Nàng hứa nguyện rằng: Ôi Đức Giê-hô-va của vạn quân, nếu Ngài đoái xem nỗi sầu khổ của con đòi Ngài, nhớ lại nó chẳng quên, và ban cho con đòi Ngài một đứa trai, thì tôi sẽ phú dâng nó trọn đời cho Đức Giê-hô-va, và dao cạo sẽ chẳng đưa ngang qua đầu nó.
Lời hứa của An-ne được gọi là lời hứa Na-xi-rê. Sam-sôn, một quan xét trước đây của Isơraên, cũng là một người Na-xi-rê, được biệt riêng cho Đức Chúa Trời “từ trong lòng mẹ”, một người “sẽ giải cứu Isơraên khỏi tay dân Phi-li-tin” (Các Quan xét 13:5). Người Do thái tin rằng bất cứ điều gì chưa đụng đến, chưa cày xới hoặc chưa cắt thì thuộc về Chúa. Một cánh đồng thuộc về Chúa cho đến khi nó được cày xới lên. Một khi người nông gia cày xới lên, ruộng ấy thuộc về ông ta và không còn thuộc về Chúa nữa. Một người được dâng cho Chúa từ khi mới sanh thì không được cắt tóc. Một khi tóc bị cắt, ông không còn có cùng một mối tương giao với Chúa như trước nữa. Điều này giải thích việc xảy ra cho Samsôn khi Đa-li-la đã vòi vĩnh được sự bí mật về sức mạnh của Samsôn và tóc ông bị cạo mất bằng dao.
Hãy lắng nghe An-ne khi bà mặc cả để có một con trai. Hãy cảm nhận nỗi tuyệt vọng và khẩn trương trong lời cầu xin của bà. “Hãy nhìn xem sự khốn khổ của tôi! Hãy nhớ đến tôi! Đừng bỏ quên tôi! Hãy cho tôi một đứa con trai!” Chúng ta nghe sự nặng nề trong những lời bà cầu nguyện. Hãy đọc câu từ câu 12 đến câu 16:
“Vì nàng cầu nguyện lâu dài trước mặt Đức Giê-hô-va, Hê-li chăm xem miệng nàng; vả, An-ne nói trong lòng, chỉ nhóp nhép miệng mà thôi, không có ai nghe tiếng nàng; nên Hê-li tưởng nàng say, bèn hỏi rằng: Chừng nào nàng mới hết say? Hãy đi giã rượu đi. An-ne thưa rằng: Chẳng phải vậy, chúa; tôi vốn một đờn bà có lòng buồn bực, chẳng uống rượu hay là vật gì uống say; nhưng tôi giãi bày lòng tôi ra trước mặt Đức Giê-hô-va. Chớ tưởng con đòi của ông là một người đờn bà gian ác; vì nỗi đau đớn và ưu phiền quá độ của tôi bắt tôi phải nói đến bây giờ.”
Ngoài miệng lưỡi hiểm độc của Phê-ni-na và sự cố gắng an ủi vô hiệu của Ên-ca-na, giờ đây lời quở trách nặng nề từ thầy tế lễ lại đến. Giữa nỗi khốn khổ của An-ne, bà lại còn phải đối diện với sự chỉ trích bất công do hiểu lầm bà.
Trong lời cầu nguyện ở câu 11, An-ne hứa nguyện rằng nếu Chúa ban cho bà điều lòng bà ao ước, bà nguyện sẽ dâng phó đứa con trai đó lại cho Chúa để nó phụng sự Ngài. Tuy nhiên, lời cầu xin và hứa nguyện ấy không nằm trong thời gian An-ne đứng cầu nguyện. Câu 10, chúng ta đọc thấy rằng “An-ne lấy làm sầu khổ trong lòng, vừa cầu khẩn Đức Giê-hô-va, vừa tuôn tràn giọt lệ” và câu 12 “nàng cầu nguyện lâu dài”.
Thương cảm với lời của An-ne, thầy tế lễ Hê-li nói với bà trong câu 17 “Hãy đi bình yên, nguyện Đức Chúa Trời của Isơraên nhậm lời nàng đã cầu xin cùng Ngài!” Hãy để ý thấy rằng Hê-li chẳng hề biết điều An-ne cầu xin cùng Chúa. Ông chỉ thêm lời cầu xin vào những lời của An-ne lên Đức Chúa Trời của Isơraên. Dầu vậy, có điều gì đó xảy ra đối với An-ne trong khi bà đứng đó cầu nguyện. Dù ấy là chuyện gì, chúng ta thấy được kết quả của việc ấy trong câu 18: “Đoạn, người nữ lui ra, ăn, và nét mặt nàng chẳng còn ra ưu sầu nữa.”
Sáng hôm sau, bà dậy sớm tham gia buổi thờ phượng Chúa, trở về Ra-ma cùng Ên-ca-na, và voilà ! Chẳng bao lâu sau, bà có thai và sanh ra Samuên, tên này có nghĩa là “Đức Chúa Trời nhậm”. Bà cầu xin. Đức Chúa Trời nghe và nhậm lời bà. Hèn nào sự trầm uất của bà chẳng còn nữa! Bà có được đứa con hằng cầu xin.
Có phải đó là điều thực sự đã xảy ra chăng? Nếu câu chuyện của chúng ta kết thúc ở cuối đoạn 1 của sách Samuên thứ nhất, có thể chúng ta sẽ nghĩ rằng cách duy nhất nhằm thoát ra khỏi sự trầm uất là để Chúa can thiệp vào bằng một cách lạ lùng nào đó hầu khỏa lấp những trống vắng trong cuộc sống chúng ta. Tuy nhiên, câu chuyện không kết thúc ở cuối đoạn 1. Chìa khóa để hiểu được sự thay đổi đầy ấn tượng của An-ne trong câu 18 nằm ở bài ca của bà mà chúng ta tìm thấy trong 1 Samuên 2:10.
Nỗi trầm uất của An-ne được cất đi khỏi khi bà dời sự quan tâm khỏi chính mình và hoàn cảnh của mình mà hướng trọng tâm vào Đức Chúa Trời. Giữa cơn khốn khổ, bà đã có thể tập trung vào ba sự kiện quan trọng về Chúa. Bà nhấn mạnh ba sự kiện quan trọng này trong bài ca của mình.
Điều đầu tiên bà biết về Đức Chúa Trời được tìm thấy ở 1 Samuên 2:2 “Chẳng có ai thánh như Đức Giê-hô-va; Chẳng có Chúa nào khác hơn Ngài! Không có hòn đá nào như Đức Chúa Trời của chúng ta.” Bà nhận biết sự thánh khiết của Đức Chúa Trời.
Sự kiện về sự thánh khiết của Đức Chúa Trời có thể mang ý nghĩa gì đối với một phụ nữ đang ở trong nỗi trầm uất? Chẳng an ủi gì mà điều đó còn nhấn mạnh hơn vào những cảm nghĩ vô giá trị về chính mình và mặc cảm tội lỗi là những điều thường có mặt trong nỗi trầm uất.
Nếu định nghĩa sự thánh khiết một cách tiêu cực – như sự phân rẽ khỏi mọi điều ô uế – điều đó có thể còn làm chúng ta cảm thấy mình tệ hơn. Tuy nhiên, sự thánh khiết của Đức Chúa Trời còn mang ý nghĩa nhiều hơn như vậy. Charles Ryrie đề nghị một sự so sánh có thể giúp chúng ta hiểu từ “thánh khiết” này. Ryrie hỏi rằng “Khỏe mạnh có nghĩa gì?” Có nghĩa là không bị bệnh. Tuy nhiên, chúng ta đều biết rằng khỏe mạnh còn mang nhiều ý nghĩa hơn là chỉ không có bệnh. Nó còn mang nghĩa là có sức lực, thể chất có khả năng đáp ứng các nhu cầu trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta.
Thánh khiết không chỉ là thiếu vắng sự hiện diện của ma quỷ. Nó còn là sự hiện diện của điều đúng một cách tích cực. Ấy là Đức Chúa Trời đang hoạt động, đang thực hiện điều đúng một cách tích cực cho chúng ta. Bản chất của Ngài kềm giữ Ngài, không để Ngài làm bất điều gì không tốt cho cuộc đời chúng ta. Lòng yêu thương của Ngài là thánh khiết, trong sạch, cam kết làm điều tốt nhất cho chúng ta.
Điều thứ hai An-ne biết về Đức Chức Trời được tìm thấy trong 1 Sammuên 2:3b “Vì Giê-hô-va là Đức Chúa Trời thông biết mọi điều. Ngài cân nhắc mọi việc làm của người.” New America Standard Bible dịch câu này là “Vì Chúa là Đức Chúa Trời của sự hiểu biết”.
Không những sự thánh khiết của Đức Chúa Trời chỉ khiến Ngài cam kết làm điều tốt nhất cho chúng ta mà sự hiểu biết trọn vẹn của Ngài còn khiến Ngài không làm bất cứ điều gì không hoàn toàn phù hợp cho cuộc đời chúng ta.
Có người nói rằng “Đức Chúa Trời không phí sức Ngài trong cuộc đời chúng ta.” Đúng vậy. Điều đó đúng vì Ngài biết điều gì tốt nhất cho chúng ta. Không làm thử, bị hư, rồi làm lại. Chúa là Đức Chúa Trời của mọi sự hiểu biết. Điều ấy giúp chúng ta tin cậy nơi hành động của Ngài trong cuộc đời chúng ta.
Điều thứ ba An-ne biết chiếm phần lớn bài ca của bà. Đức Chúa Trời có quyền năng. Chúng ta thấy điều này trong 1 Samuên 2:6-8:
Đức Giê-hô-va khiến cho chết, cho sống;
Ngài đem người xuống mồ mả,
Rồi khiến lại lên khỏi đó.
Đức Giê-hô-va làm cho nghèo nàn, và làm cho giàu có;
Ngài hạ người xuống, lại nhắc người lên,
…
Vì các trụ của trái đất thuộc về Đức Giê-hô-va:
Ngài đã đặt thế gian ở trên đó.
Chúa Sáng Tạo có hết thảy mọi quyền phép. Ngài có thể làm bất cứ điều gì Ngài muốn.
Sự kiện không có hai điều hiểu biết đầu tiên có thể làm chúng ta hoảng sợ. Nếu Đức Chúa Trời có mọi quyền phép và chúng ta chẳng biết chút gì khác nữa về Ngài, hẳn chúng ta sẽ có lý do để sống trong sự trầm uất khủng khiếp. Chúng ta sẽ co rút, run rẩy trong bóng đêm mong thoát khỏi cơn thạnh nộ của Ngài. Tuy nhiên, Đức Chúa Trời đã hòa dịu quyền phép của Ngài với sự kết ước cho lợi ích của chúng ta. Ngài kiểm soát sức mạnh cùng với sự hiểu biết của Ngài để làm điều tốt nhất cho chúng ta.
Hai vợ chồng tôi có bốn đứa con trưởng thành. Chúng tôi luôn luôn ao ước điều tốt nhất cho con mình. Tuy nhiên, chúng tôi thường không biết điều gì tốt nhất cho chúng. Trường nào tốt nhất? Sinh hoạt nào lành mạnh nhất? Hội thánh nào sẽ nuôi dưỡng tâm linh chúng tốt nhất? Khi các con dần dần lớn lên, chúng tôi đã có hàng ngàn quyết định, chọn lựa cho chúng nhưng chúng tôi không luôn luôn biết chắc rằng những sự chọn lựa của mình là khôn ngoan.
Chẳng phải hai vợ chồng tôi thường thiếu hiểu biết về điều gì tốt nhất cho con mình; tuy nhiên, có nhiều khi dù biết điều tốt nhất cho con mình nhưng chúng tôi không có quyền lực để thực hiện sự chọn lựa ấy. Là cha mẹ có giới hạn, chúng tôi phạm nhiều sai lầm trong suốt quá trình. Dù muốn điều tốt nhất cho con mình nhưng chúng tôi thiếu hiểu biết và quyền lực cần thiết.
Đức Chúa Trời không bị giới hạn. Đức Chúa Trời không thể phạm sai lầm. Không những Ngài chỉ muốn điều tốt nhất cho chúng ta và biết với sự hiểu biết trọn vẹn điều gì tốt nhất cho chúng ta, Ngài còn có quyền phép để khiến điều tốt nhất xảy ra trong cuộc đời chúng ta nữa. Sự thánh khiết của Đức Chúa Trời kết ước với chúng ta, sự hiểu biết của Đức Chúa Trời biết điều tốt nhất cho chúng ta, và quyền phép của Đức Chúa Trời khiến những điều đúng xảy ra trong cuộc đời chúng ta – ba điều này liên kết lại với nhau vì lợi ích chúng ta.
Điều gì đem An-ne ra khỏi cơn trầm uất? Bà nhìn thấy Đức Chúa Trời đúng như phải thấy. Sự Kết ước của Đức Chúa Trời hỗ trợ Sự Hiểu biết và Quyền phép của Ngài để thực hiện điều cần thiết trong cuộc đời bà.
Câu chuyện về An-ne là một câu chuyện có hậu. Samuên ra đời. Bà dâng Samuên cho Chúa, và Ngài ban cho bà thêm ba con trai và hai con gái nữa. Tuy nhiên, trong 1 Samuên 1:18 khi bà cầu nguyện xong, bắt đầu ăn uống trở lại, nét mặt không còn buồn khổ nữa, ngay thời điểm ấy, bà không biết câu chuyện sẽ kết thúc ra sao. Bà có thể làm được điều đó vì bà đã gặp Đức Chúa Trời, hiểu Ngài là ai và Ngài có thể làm gì.
Lúc bắt đầu chương này, tôi có đề cập rằng các nhà tâm lý học tin rằng chứng trầm cảm có liên hệ đến cách chúng ta suy nghĩ về chính mình. Cũng đúng khi nói rằng chứng trầm cảm có liên hệ đến cách chúng ta suy nghĩ – hoặc không suy nghĩ đúng – về Đức Chúa Trời. Một khi buộc mình vào một Đức Chúa Trời ở đúng tầm mức của Ngài, chúng ta có một nguồn tài nguyên để xử lý chứng trầm uất. Chúng ta có thể hướng trọng tâm vào Đức Chúa Trời – sự thánh khiết, sự khôn ngoan, và quyền phép của Ngài. Trong ánh sáng của tính cách Ngài và sự kết ước của Ngài, chúng ta có thể đối diện với nỗi sợ hãi và lo lắng của mình.
Nếu chứng trầm cảm là hệ quả từ cách chúng ta suy nghĩ về chính mình, điều này có thể loại bỏ đi bằng cách chúng ta nghĩ về chính mình trong mối tương giao với Đức Chúa Trời thánh khiết, hiểu biết, và đầy quyền phép, là Đấng kết ước với chúng ta.
Hãy nhìn xem Đức Chúa Trời của An-ne, Đấng xua tan chứng trầm uất của bà bằng sự hiểu biết mới mẻ về tình yêu thương của Ngài, sự hiểu biết của Ngài, và quyền phép của ngài.
CÂU HỎI CHO NHÓM THẢO LUẬN HOẶC CÁ NHÂN SUY GẪM
1. Sự thánh khiết yêu thương của Đức Chúa Trời mang ý nghĩa gì đối với bạn khi bạn đối diện những sự khó khăn trong cuộc đời mình?
2. Sự hiểu biết trọn vẹn của Đức Chúa Trời về mọi điều mang ý nghĩa gì đối với bạn khi bạn sống trong nhịp sống mỗi ngày?
3. Câu nói “Đức Chúa Trời có quyền phép trọn vẹn để thực hiện bất cứ điều gì Ngài muốn” – mang ý nghĩa gì đối với bạn?
4. Ba sự kiện này về Đức Chúa Trời giúp đỡ hoặc cản trở bạn ra sao khi bạn đương ở trong tình cảnh trầm uất?
Dịch từ “A Woman God Can Use” – Alice Mathews
Lessons from Old Testament Women Help You Make Today’s Choices