Ngày 27/2/2017: Đối Diện Với Sự Chống Đối

921

Công Vụ 19:21-41

21 Các việc đó rồi, Phao-lô toan đi ngang qua xứ Ma-xê-đoan và xứ A-chai đặng đến thành Giê-ru-sa-lem. Người nói rằng: Khi ta đã thăm thành đó rồi, cũng phải thăm thành Rô-ma nữa. 22 Người bèn sai hai người giúp đỡ mình là Ti-mô-thê và Ê-rát sang xứ Ma-xê-đoan, song chính người còn ở lại trong cõi A-si ít lâu nữa.
23 Lúc đó, có sự loạn lớn sanh ra vì cớ đạo Tin lành. 24 Một người thợ bạc kia tên là Đê-mê-triu, vốn dùng bạc làm khám nữ thần Đi-anh, sinh nhiều lợi cho thợ làm công,

 

Cầu nguyện:  “Kìa, ta sai các ngươi đi khác nào như chiên vào giữa bầy muông sói. Vậy, hãy khôn khéo như rắn, đơn sơ như chim bồ câu” (Ma-thi-ơ 10:16).

 

Câu hỏi suy ngẫm: Cuộc rối loạn chống lại Sứ đồ Phao-lô diễn ra như thế nào? Sứ đồ Phao-lô và các môn đồ đã phản ứng ra sao? Bạn rút ra kinh nghiệm nào khi rao truyền Phúc Âm?

 

Cuộc rối loạn chống lại Sứ đồ Phao-lô khởi sự từ một người thợ bạc tên là Đê-mê-triu. Ông làm những khám để thờ nữ thần Đi-anh, là thần tình yêu và thịnh vượng của người Hy Lạp. Công việc này đem nhiều lợi nhuận cho ông và những người thợ bạc ở đây (câu 23-25). Trong khi đó, Sứ đồ Phao-lô ra sức truyền rao sự cứu rỗi của Chúa Giê-xu, cho người ta biết các thần tượng làm bởi tay người không phải là thần. Ảnh hưởng của đạo Chúa làm nhiều người ở thành Ê-phê-sô và cả cõi A-si ăn năn, từ bỏ thần tượng và tin nhận Chúa Giê-xu (câu 26).

 

Nhận thức nguy cơ thất thu của mình, ông Đê-mê-triu tập trung những thợ bạc, cho họ thấy viễn cảnh bị thất nghiệp khi dân thành Ê-phê-sô nghe Sứ đồ Phao-lô giảng và tin nhận Chúa Giê-xu. Ông Đê-mê-triu dùng nhiều lời lẽ kích động, nên nhóm thợ bạc nổi giận và hô lớn: “Lớn thay là nữ thần Đi-anh của người Ê-phê-sô!” Họ xuống đường làm cả thành bị rối loạn, rồi chạy ùa vào nhà hát, kéo theo ông Gai-út và ông A-ri-tạc là hai bạn của Sứ đồ Phao-lô. Không để hai bạn chịu liên lụy, Sứ đồ Phao-lô muốn đi ra trước mặt dân chúng nhưng các môn đồ và vài lãnh đạo là bạn của Sứ đồ Phao-lô ở A-si can ngăn vì lo tính mạng của Sứ đồ Phao-lô cũng bị đe dọa. Khi ông A-léc-xan-đơ ra hiệu để bào chữa, cả đám đông nhận ra ông là người Do Thái thì hô to suốt hai tiếng đồng hồ: “Lớn thay là nữ thần Đi-anh của người Ê-phê-sô!”

 

Cuối cùng, ông thư ký thành phố lên tiếng để trấn an đám đông, khẳng định sự linh thiêng của vị nữ thần mà mọi người ở khắp Á châu đều đã biết. Ông tuyên bố: Ông Phao-lô và các bạn không trộm cắp vật thánh cũng không phạm thượng với nữ thần (câu 37), nếu ông Đê-mê-triu và các thợ bạc muốn kiện cáo thì xuống tòa án gặp thống đốc. Ông cảnh báo đám đông có thể bị truy tố về việc làm náo loạn. Sau đó ông giải tán họ.

 

Trong công tác ra đi làm chứng về Chúa, không tránh khỏi những chống đối, bắt bớ. Đằng sau những tà thần là ma quỷ, nhưng Đấng ở cùng chúng ta là Đức Chúa Trời. Hãy khôn khéo trình bày đầy đủ nền tảng niềm tin nơi Chúa Giê-xu, đừng nên chỉ trích hay xúc phạm đến tôn giáo cũ của họ. Làm như thế không thuyết phục được người nghe mà còn gây phản cảm, gây kích động không tốt. Hãy nhớ lời dạy của Chúa Giê-xu: “Kìa, ta sai các ngươi đi khác nào như chiên vào giữa bầy muông sói. Vậy, hãy khôn khéo như rắn, đơn sơ như chim bồ câu.”

 

Bạn có gặp bắt bớ khi ra đi chứng đạo chưa? Bài học này giúp bạn điều gì?

 

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin Chúa ban cho con sự khôn khéo, đơn sơ khi con làm chứng nhân cho Ngài. Xin dùng con để đem sự cứu rỗi đến cho đồng bào con.

 

 

Đọc Kinh Thánh trong ba năm: I Cô-rinh-tô 15.

Bài trướcLễ Khởi Công Xây Dựng Nhà Thờ Tin Lành Đà Loan – Lâm Đồng
Bài tiếp theoThư Mời Cảm Tạ Chúa, Kỷ Niệm 50 Năm Thành Lập HTTL Trà Cú