Ngày 19/10/2016: Con Đức Chúa Trời

1628

Giăng 10:31-36

31 Người Giu-đa lại lượm đá đặng ném Ngài. 32 Đức Chúa Jêsus phán rằng: Ta đã làm trước mắt các ngươi lắm việc lành bởi Cha đến; vì việc chi mà các ngươi ném đá ta? 33 Người Giu-đa trả lời rằng: Ấy chẳng phải vì một việc lành mà chúng ta ném đá ngươi, nhưng vì lỗi lộng ngôn: Ngươi là người, mà tự xưng là Đức Chúa Trời. 34 Đức Chúa Jêsus đáp rằng: Trong luật pháp của các ngươi há chẳng chép rằng: Ta đã phán: Các ngươi là các thần, hay sao? 35 Nếu luật pháp gọi những kẻ được lời Đức Chúa Trời phán đến là các thần, và nếu Kinh thánh không thể bỏ được, 36 thì ta đây, là Đấng Cha đã biệt ra thánh, và sai xuống thế gian, nói: Ta là Con Đức Chúa Trời, cớ sao các ngươi cáo ta là nói lộng ngôn?

 

Câu gốc: “Ấy vậy, vì chúng ta có thầy tế lễ thượng phẩm lớn đã trải qua các từng trời, tức là Đức Chúa Giê-xu, Con Đức Chúa Trời, thì hãy bền giữ đạo chúng ta đã nhận tin” (Hê-bơ-rơ 4:14).

 

Câu hỏi suy ngẫm: Chúa Giê-xu đã dùng lời luật pháp như thế nào để trả lời về việc Ngài không hề phạm thượng? Hai lời tuyên bố của Chúa Giê-xu “Ta với Cha là một” và “Ta là Con Đức Chúa Trời” có ý nghĩa gì? Bạn tin Chúa Giê-xu là ai?

 

Sau khi những người Giu-đa kết án Chúa lộng ngôn, phạm thượng vì là người mà lại tuyên bố “Ta với Cha là một,” Chúa Giê-xu đã trích dẫn trong Thi Thiên 82:6 “Ta đã nói: Các ngươi là thần, Hết thảy đều là con trai của Đấng Chí Cao” để giải thích cho họ biết. Chúa nói nếu luật pháp gọi những người nhận được Lời của Đức Chúa Trời là “thần,” dù họ chỉ là những con người bất toàn, và Kinh Thánh không thể hủy bỏ được, thì Ngài là Đấng được Cha biệt ra thánh và sai đến thế gian, vậy Ngài nói “Ta là Con Đức Chúa Trời” thì sao lại kết án Ngài là lộng ngôn? Chúa Giê-xu dùng Kinh Thánh để lập luận rằng, nếu những người bất công như các quan án mà khi được Lời Đức Chúa Trời phán đến thì được gọi là “thần” trong Cựu Ước, thì Chúa còn xứng đáng biết chừng nào để nói Ngài là “Con Đức Chúa Trời.” Các quan án được ghi trong Thi Thiên 82 là những con người tội lỗi bình thường sinh ra trong thế gian, là con cháu của ông A-đam. Họ tiếp nhận Lời của Đức Chúa Trời để làm quan án, còn Chúa Giê-xu là Ngôi Lời. Họ đã được gọi là “các thần,” còn Chúa Giê-xu là Đức Chúa Trời vì Ngài với Cha là một. Vì vậy, Chúa Giê-xu không hề phạm thượng khi tuyên bố “Ta với Cha là một” và “Ta là Con Đức Chúa Trời.” Hai lời tuyên bố này của Chúa Giê-xu có cùng một ý nghĩa, Con Đức Chúa Trời cũng chính là Đức Chúa Trời. Người Do Thái hiểu rất rõ ý nghĩa của hai câu ấy, đối với họ, Con Đức Chúa Trời không phải là một danh xưng thấp hơn Đức Chúa Cha hay do Đức Chúa Cha sinh ra, nhưng chính là Đức Chúa Trời, vì vậy họ tố cáo Chúa phạm thượng. Ở đây, Chúa Giê-xu không tự nhận Ngài phạm thượng nhưng tự nhận Ngài là Con Đức Chúa Trời. Chúa Giê-xu “vốn có hình Đức Chúa Trời, song chẳng coi sự bình đẳng mình với Đức Chúa Trời là sự nên nắm giữ; chính Ngài đã tự bỏ mình đi, lấy hình tôi tớ và trở nên giống như loài người” (Phi-líp 2:6-7). Trong vai trò làm người để cứu rỗi nhân loại, Chúa Giê-xu là Con, nhưng về nguồn gốc, Ngài với Cha là một. Ngài là Đức Chúa Trời trong thân xác con người.

 

Chúa Giê-xu không hề phạm thượng khi Ngài tuyên bố Ngài là Đức Chúa Trời, nhưng nếu chúng ta cứng lòng, vô tín như những người Giu-đa ngày trước, không công nhận Chúa Giê-xu là Đức Chúa Trời, thì chính chúng ta mới là người lộng ngôn, phạm thượng.

 

Khi cần giải thích Chúa Giê-xu là ai cho người khác thì bạn sẽ nói như thế nào?

 

Cầu nguyện: Cảm tạ Chúa Giê-xu là Đức Chúa Trời đã đến thế gian làm người để cứu chuộc con. Chúa ơi, con yêu Ngài và nguyện tôn thờ Ngài suốt đời con.

 

 

Đọc Kinh Thánh trong ba năm: Giê-rê-mi 7.

Bài trướcThư Phân Ưu Cùng Tang Quyến Của Cụ Ông TRƯƠNG HÀNH
Bài tiếp theoUBYTXH – Thư Kêu Gọi Cứu Trợ Nạn Nhân Lũ Lụt