Nê-hê-mi 1:1-4
1 Lời của Nê-hê-mi, con trai Ha-ca-lia.
Năm thứ hai mươi, nhằm tháng Kít-lơ, xảy khi tôi đương ở tại kinh đô Su-sơ, 2 có một người trong anh em tôi tên là Ha-na-ni với vài người Giu-đa đến tôi hỏi thăm chúng về dân Giu-đa đã được thoát khỏi, tức những kẻ đã bị bắt làm phu tù còn sót lại, và hỏi luôn về những việc Giê-ru-sa-lem. 3 Các người ấy nói với tôi rằng: Những kẻ bị bắt làm phu tù còn sót ở lại trong tỉnh, bị tai nạn và sỉ nhục lắm; còn vách thành của Giê-ru-sa-lem thì hư nát và các cửa nó đã bị lửa cháy.
4 Khi tôi nghe các lời ấy, bèn ngồi mà khóc, cư tang mấy ngày; tôi cữ ăn và cầu nguyện Đức Chúa của các từng trời, mà rằng:
Câu gốc: “Khi tôi nghe các lời ấy, bèn ngồi mà khóc, cư tang mấy ngày; tôi cữ ăn và cầu nguyện Đức Chúa của các từng trời” (câu 4).
Câu hỏi suy ngẫm: Ông Nê-hê-mi là ai (câu 1-2, xem thêm câu 11)? Ông đã nghe được những tin tức gì, từ ai (câu 2-3)? Ông đã phản ứng như thế nào (câu 4)? Phản ứng này cho biết gì về ông? Bạn đang có những phản ứng nào khi nghe thấy những nan đề của gia đình, Hội Thánh, và xã hội?
Tên ông Nê-hê-mi, nghĩa là “Chúa đã an ủi,” ông là người Giu-đa (câu 2), con trai của ông Ha-ca-lia, nghĩa là “ngửa trông Đức Giê-hô-va.” Tên của ông Nê-hê-mi và cha của ông chứng tỏ ông được nuôi dưỡng trong một gia đình kính sợ Đức Chúa Trời và chờ đợi sự thăm viếng từ Ngài. Tuy là con cháu của những người lưu đày nhưng ông Nê-hê-mi lại đảm nhận chức quan tửu chánh cho Vua Ạt-ta-xét-xe (câu 11). Mặc dù ở một địa vị cao trong xã hội lúc bấy giờ, nhưng ông Nê-hê-mi không hề quên và chối bỏ nguồn gốc của mình. Chính nhờ việc giữ mối liên hệ với những đồng hương mà ông Nê-hê-mi nhận biết sự sụp đổ vách thành Giê-ru-sa-lem và sự khổ nhục của dân cư còn sót lại trong thành (câu 2-3).
Tất cả những tin tức này dường như không liên quan đến cuộc sống hiện tại của một vị quan trong triều đình. Việc tiếp tục liên hệ với những đồng hương lưu đày cùng với sự quan tâm đến đất nước đang bị chính triều đình mà ông Nê-hê-mi đang phục vụ cai trị rõ ràng không phải là một hành động khôn ngoan. Thật không dễ dàng để một người lưu đày đạt đến vị trí xã hội như ông Nê-hê-mi, và đó có thể là lý do chính đáng để nhiều người ở trong hoàn cảnh của ông giả vờ như không nghe, không thấy, không biết về hiện trạng tủi nhục của Giê-ru-sa-lem.
Khi nghe biết những tin tức của Giê-ru-sa-lem, ông Nê-hê-mi đã “ngồi mà khóc, cư tang mấy ngày… cữ ăn và cầu nguyện” (câu 4). Ông Nê-hê-mi đã đồng nhất sự đau đớn của dân chúng và sự tủi nhục của đất nước với chính ông. Gia đình của ông Nê-hê-mi có lẽ đang ở tại kinh đô Su-sơ, nhưng ông không bao giờ quên mối liên hệ và sự gắn bó của ông với dân của Đức Chúa Trời. Gánh nặng của dân tộc ông chính là gánh nặng của ông.
Chỉ có những người dám can đảm từ bỏ quyền lợi, sự an toàn, và nhận lấy gánh nặng mà Chúa đặt trong lòng mình như ông Nê-hê-mi thì mới có thể là người được Đức Chúa Trời sử dụng. Đức Chúa Trời đã khởi sự một công việc vĩ đại từ một người can đảm đặt Chúa và sự kêu gọi của Ngài trên mọi ưu tiên của đời sống.
Nhiều người trong chúng ta vẫn thường bất mãn với gia đình, than vãn về Hội thánh, và chán chường với thực trạng suy đồi đạo đức của xã hội đang sống, nhưng mấy ai sẵn sàng từ bỏ mọi sự để trở nên một Nê-hê-mi. Bạn thường nêu lên những lý do “chính đáng” nào để biện minh cho thái độ thờ ơ của mình trước sự sụp đổ của những “bức tường thuộc linh” của gia đình, Hội Thánh, và xã hội? Bạn bận rộn trong việc học, việc làm, việc nhà, bạn bè, giải trí hay điều gì khác?
Cầu nguyện: “Lạy Chúa, xin ban cho con sự thanh thản để con chấp nhận những điều con không thể thay đổi, sự can đảm để con thay đổi những điều con có thể thay đổi, và sự khôn ngoan để con nhận ra sự khác biệt giữa hai điều ấy” (Nhà Thần Học Reinhold Niebuhr).
Đọc Kinh Thánh trong ba năm: Châm Ngôn 28.