Bài thứ 127: Học Đợi Chờ

914

 

Đọc Công Vụ Các Sứ Đồ 1:1-4

Câu căn bản: Trong khi họp mặt với các sứ đồ, Ngài dặn họ: Đừng ra khỏi thành Giê-ru-sa-lem, nhưng phải ở đó chờ điều Cha đã hứa, là điều các con đã nghe Ta nói.” (câu 4).

 

 

Suy niệm: Trong vài ngày sắp tới chúng ta sẽ có dịp tìm hiểu ý nghĩa của ngày Ngũ Tuần.  Khoảng thời gian từ Lễ Phục Sinh đến khi Thánh Linh được ban xuống trong ngày Lễ Ngũ Tuần được ghi bằng cuộc đợi chờ: trông mong, xúc động và đau đớn.

 

Các môn đệ Chúa Giê-xu phải học đợi chờ.  Chúa Giê-xu đã cho họ hay rằng nước của Ngài không phải loại mà loài người trông mong sẽ thiết lập. Trong khi đó các môn đệ muốn thấy nước Chúa thể hiện qua bằng chứng, hành động và uy quyền.  Chúa đã cảnh báo họ: “Nước Ta không thuộc về thế gian này”.  Họ phải đợi chờ.  Họ theo Chúa và phải học bài học đợi chờ nhiều lần vì giờ Chúa hành động chưa đến. Chính Chúa cũng đã cho họ thấy sức mạnh của việc đợi chờ.

 

Mỗi ngày khi ở chung với họ, Chúa vẫn dậy sớm, cầu nguyện, đợi chờ Chúa Cha ban phước lành và phương hướng hành động.  Chúa có những giờ phút yên lặng đợi chờ như Thi Thiên và Ê-sai từng mô tả: Hãy trông đợi Đức Giê-hô-va; hãy mạnh mẽ và can đảm! Phải, hãy trông đợi Đức Giê-hô-va. (Thi Thiên 27:14); Nhưng ai trông đợi Đức Giê-hô-va chắc chắn được sức mới, cất cánh bay cao như chim ưng, chạy mà không mệt nhọc, đi mà không mòn nỏi. (Ê-sai 40:31).

 

Chúa Giê-xu, dù là Con Đức Chúa Trời, lúc nào cũng thực hiện các mục đích của Chúa Cha trong thời điểm và quyền năng của Cha.  Bây giờ, Chúa hướng dẫn một nhóm người làm nền móng cho Hội Thánh, Ngài cũng dạy họ phải học tập đợi chờ.  Họ không dám đi trước thời điểm của Chúa, nghĩa là ra đi trước khi được trang bị, nghĩa là không dám thực hiện chương trình của Chúa bằng sức riêng của họ.  Họ phải học tập đợi chờ để được trang bị và để cùng với Chúa bước vào đời.

 

Cuộc đợi chờ trước mỗi công tác cho Chúa, vì Chúa đều rất quan trọng, vì đảm bảo thành công và đắc thắng, ngày nay cũng vậy.

 

 

Bài trướcHiệp Nguyện Mục Sư, Truyền Đạo Thành Phố Đà Nẵng
Bài tiếp theoGiới Thiệu Sách: Thư Gia Cơ