Bài thứ 316: Mường Tượng

887

 

“Đức tin là sự xác quyết về những điều mình đang hi vọng, là bằng chứng của những điều mình chẳng xem thấy.”

Hê-bơ-rơ 11:1.

 

 

Khi tác giả thư Hê-bơ-rơ nói: “Đức tin là sự xác quyết về những điều mình đang hi vọng, là bằng chứng của những điều mình chẳng xem thấy”, ông dùng hai từ rất hay, đó là:  xác quyết và bằng chứng.

 

Xác quyết trong Hi-lạp ngữ cũng có nghĩa là: “cơ bản, cảm nghĩ chắc chắn, hay một điều đã nhận định”.

Từ thứ nhì, bằng chứng trong Hi-lạp ngữ là: “được thuyết phục chắc chắn về một thực sự cụ thể”.  Đây là một từ trong luật pháp, dùng để gọi một việc ta không cần phải nhìn thấy nhưng hiển nhiên, có thật.  Đó là ý niệm về đức tin mà ta phải nghĩ đến.

 

Mục sư George Mueller định nghĩa đơn giản:  Đức tin là sự đảm bảo rằng những gì Chúa phán dạy là chân thật.

 

Nói khác đi, đức tin có mắt nhìn: thấy trong tâm trí những gì Chúa đã nói ra là chân thực, dù rằng bạn không bao giờ thực sự nhìn thấy sự thực đó bằng mắt.  Chính vì thế mà ông Áp-ra-ham “chờ đợi một thành có nền móng do Đức Chúa Trời thiết kế và xây dựng.” (Hê-bơ-rơ 11:10).  Hiển nhiên là Áp-ra-ham phải có một ý niệm về điều ông trông chờ, và những gì ông thấy, ít nhất là trong mắt của tâm trí, và đó là đức tin.

 

Có người đặt câu hỏi: Mường tượng có phải là một cách áp dụng đức tin hay không?  có phải cách giúp ta thắng được những việc bận tâm và những nan đề phải đối diện không?  hay là một điều gì mới làm phát sinh ra những huyền nhiệm mà không thể nào xẩy ra cách khác được?

 

Bác sĩ Bernie Siegel trong cuốn sách Tình Yêu, Y học và Phép Lạ, đã nói về những điều kỳ lạ mà sự mường tượng có thể đem lại.   Có người như là đẩy lùi những cơn bệnh, kể cả ung thư và những bệnh tử vong, khiến cho thắng được yếu đuối, và nhiều thứ khác mà không ai chối cãi được.  Kinh Thánh xác nhận có sức mạnh của tâm trí.  Châm ngôn 23:7 ghi: “Vì hắn tưởng trong lòng thể nào, thì hắn quả thể ấy.”  Mường tượng là một kỹ thuật tập trung tầm nhìn vào một đối tượng mà một người ao ước hay hi vọng và muốn thấy trở thành sự thực.  Nhưng mường tượng hoàn toàn khác hẳn với đức tin, hoàn toàn là ao ước của con người, Chúa không can dự gì đến, và không phải đức tin mà Kinh Thánh nói đến.

 

Có ba điểm mường tượng khác với đức tin:

 

Thứ nhất: Đối tượng.  Đức tin chấp nhận những gì Chúa đã tuyên hứa chứ không phải tưởng tượng. Những gì Chúa phán dạy là chân thực, mặc dù tôi có thấy được hay không.  Trong khi đó mường tượng là muốn tin một điều gì như có thật, mà rõ ràng là lúc đó điều ấy không thật.  Nhưng đức tin căn cứ vào lời Chúa hứa, đối tượng là xác thực mặc dù người ta có thấy hay không.

 

Thứ hai: Nguồn gốc.  Đức tin đặt căn bản trên nền tảng về bản chất và đức tính của Chúa, là điều không thay đổi và chắc chắn, nhưng mường tượng chỉ căn cứ vào sức mạnh mập mờ của ước muốn con người.

 

Thứ ba: Tầm mức và phạm vi.  Đức tin căn cứ vào lời hứa của Chúa, đem lại kết quả muôn đời và ta không cần phải sợ là mình sai lầm, nhưng mường tượng tuỳ thuộc vào hoàn cảnh và cảm xúc của tôi, và kết quả rất mập mờ.

 

Một điều ta chắc chắn là: Khi Chúa mô tả điều gì mà bạn có thể nhìn thấy bằng mắt tâm linh, thì đó là đức tin.

 

Có người nói rằng: Đức tin là xác quyết về những điều mình đang hi vọng, đó là thiên đàng; là bằng chứng của những điều mình chẳng xem thấy, đó là hỏa ngục!

 

 

Bài trướcGiới Thiệu Bản Tin Mục Vụ 32: ĐẤNG THÁNH LÂM PHÀM.
Bài tiếp theoCầu Nguyện Khai Trương Phòng Đọc Sách Tin Lành Chi Hội Đà Nẵng.