Nhận ra tiếng Phi-e-rơ, cô (đầy tớ gái) quá vui mừng đến nỗi quên cả mở cổng, mà chạy trở vào báo tin rằng Phi-e-rơ đang đứng trước cổng. Họ bảo “Cô điên rồi!”. Nhưng nàng quả quyết đó là thật. Họ nói: “Chắc là thiên sứ của ông ta!”
Công Vụ 12:14-15.
Bạn có thể cầu nguyện trong tâm trí nhưng nghi ngờ trong lòng chăng? Đôi khi Chúa vẫn trả lời cầu nguyện như trong trường hợp Phi-e-rơ bị tù và chờ ngày đi chém đầu. Các tín hữu tại Giê-ru-sa-lem không biết làm sao để cứu Phi-e-rơ, nên họ họp nhau cầu nguyện. Nhưng khi Chúa giải thoát Phi-e-rơ, phản ứng của các người tín đồ ấy chứng tỏ là họ nghi ngờ trong lòng, không tin là Phi-e-rơ đã được ra khỏi ngục. Họ lý luận rằng Phi-e-rơ không thể ra khỏi tù được, đến nỗi ngay khi Phi-e-rơ đứng ngay bên ngoài gõ cửa mà họ cũng không tin.
Có thể nào một người gọi là “người cầu nguyện” nhưng lại không có đức tin chăng? Làm sao có thể cầu nguyện cho một việc mà lại không tin Chúa giải quyết? Như thế cầu nguyện làm gì? Đức tin của bạn có yếu đến nỗi bạn ngạc nhiên khi Chúa đáp lời cầu xin mà bạn không tin nổi không? Đó là kinh nghiệm của các tín hữu Hội Thánh đầu tiên, còn hiện nay thế nào?
Là con của Chúa bạn phải tin rằng Chúa có quyền năng, và Chúa hứa trả lời cầu nguyện, và Chúa sẽ trả lời. Có khi nào bạn cầu nguyện về một sự việc nào đó mà không chuẩn bị thích ứng nếu Chúa trả lời hay không? Nếu cầu nguyện cho có phục hưng nhưng bạn có chuẩn bị nếu cơn phục hưng xảy ra không? Nếu cầu nguyện xin Chúa tha thứ tội nhưng bạn có thực sự từ bỏ tội không? Nếu bạn cầu nguyện xin Chúa tiếp trợ nhu cầu, nhưng rồi bạn có còn tiếp tục lo lắng và sợ hãi không?
Hãy cầu xin Chúa thêm đức tin cho bạn và rồi hãy bắt đầu sống cuộc đời hoàn toàn tin cậy nơi Chúa. Do ân sủng của Ngài, Chúa sẽ chọn trả lời cho các điều bạn thỉnh cầu mặc dù bạn ít đức tin hay nghi ngờ, nhưng bạn đừng làm mất dịp vui mừng khi cầu nguyện bằng lòng tin vững chắc và chờ đợi Chúa đáp lời.