Bài 77: Lượng Tha Thứ Của Chúa

1153





Nếu các con tha lỗi cho người ta, thì Cha các con ở trên trời cũng sẽ tha thứ cho các con. Nhưng nếu các con không tha lỗi cho người ta, thì Cha các con ở trên trời cũng sẽ không tha thứ cho các con. 

Ma-thi-ơ 6:14-15.





   Có lẽ bạn tự coi mình là người hay tha thứ, nhưng hiện nay bạn phải đối diện với một người mà bạn không thể nào tha thứ được. Khi nào bạn băn khoăn không biết có nên tha thứ cho ai đó, thì bạn cần xét lại tình trạng của chính bạn khi Chúa tha thứ cho bạn lần đầu tiên.  Thư Ê-phê-sô chương 2 cho hay rằng lúc đó bạn là “con của thịnh nộ” (câu 3) và là một “dân ngoại” (câu 11),  nhưng Chúa đã tha cho bạn tội rất nặng, vì bạn là kẻ nổi loạn chống lại Ngài.  Chúa Cứu Thế đã bằng lòng chết thay chỗ cho bạn khi bạn còn từ khước và chống báng Ngài (Rô-ma 5:8), như thế làm sao bạn nỡ từ chối không tha thứ cho những người có hành vi sai phạm đối với mình?



   Tha thứ không phải là một ân tứ, một năng khiếu, hay một bẩm tính di truyền.  Tha thứ là một chọn lựa. Chúa Giê-xu nhìn những kẻ đã tàn nhẫn và nhạo báng đóng đinh thân Ngài trên thập giá rồi kêu lên: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết mình làm điều gì.” (Lu-ca 23:34).  Là môn đệ Chúa làm sao ta có thể không tha thứ cho những kẻ xúc phạm đến mình?



   Chúa Giê-xu nói rằng chúng ta tha thứ cho người mức nào thì Chúa Cha cũng tha thứ cho chúng ta theo mức đó.  Nhưng cách tha thứ của Chúa khác hẳn chúng ta.  Sự tha thứ của Chúa không theo tiêu chuẩn chúng ta ấn định, nhưng theo nguyên tắc Ngài đã thiết lập trong Lời Ngài.  Chúa không có một thừa trừ nào khi tha thứ.



   Khi thực sự hiểu đức nhân từ tha thứ của Chúa dành cho cuộc đời chúng ta, chúng ta tự nhiên sẽ muốn biểu lộ cùng một dạng tha thứ đó đối với người khác (Ê-phê-sô 4:32; Cô-lô-se 3:13).  Trước khi bạn xin Chúa tha thứ tội cho mình, hãy dành một giây lát xét lại tình trạng của các mối tương giao của bạn đối với người khác.  Bạn có muốn Chúa tha thứ cho bạn cũng y như cách bạn tha thứ cho người khác không?

 

Bài trướcThư Phân Ưu Cùng Tang Quyến Của Truyền đạo Dương Vinh Quang.
Bài tiếp theoThư Phân Ưu Cùng Tang Quyến Của Mục sư Ha Trơh