HTTLVN.ORG – Bệnh phong cùi là di chứng rất tác hại và gây ra không biết bao nhiêu đau khổ cho rất nhiều người trên thế giới, đặc biệt là các vùng thuộc khí hậu nhiệt đới. Bệnh này cũng đã từng là cơn ác mộng của thế giới, mức độ thị phi đã đùn đẩy những người mang di chứng phong cùi ra khỏi bên lề cuộc sống.
Tại Pháp, nhiều thế kỷ trước hễ người nào mang di chứng phong cùi thì bắt buộc phải đeo bản hiệu phía trước để cho mọi người biết mà kịp tránh chỗ khác.
Tại Do Thái, người phong cùi sống cách ly ra khỏi cộng đồng. Nếu đi vào cộng đồng thì phải giữ khoảng cách với người khác tối thiểu là hai mét và miệng phải la lên rằng: Tôi là người ô uế, tôi là người ô uế.
Tại Việt Nam chúng ta thì nổi khiếp sợ khi tiếp cận với người phong cùi đã ăn sâu vào trong tiềm thức của người dân, đến nỗi đã trở thành câu vè nơi cửa miệng mà người ta thường truyền tụng nhau rằng: “Tránh người như tránh hũi” (“hũi” là ám chí đến người phong cùi).
Sự sợ hãi của nhiều người đã vô tình làm cho các bệnh nhân phong cùi bị thương tổn rất nhiều. Đến nỗi, nhà thơ Hoàng Yến có lần đã thốt lên trong chua chát rằng, “Với định kiến ngàn đời, từng bóp nát vạn con tim”. Bởi lẽ, chính nhà thơ này cũng đã từng mang trong mình di chứng phong cùi quái ác.
Hiểu và thông cảm với nỗi đau của các bệnh nhân phong cùi trên thế giới, nhiều nhà nghiên cứu đã tìm tòi ra nhiều dược pháp để chặn đứng chứng bệnh nguy hiểm này.
Năm 1873, Bác sĩ G. H. Armauer Hansen đã khám phá ra rằng bệnh phong cùi chỉ là một thứ bệnh ngoài da chứ không phải là một thứ bệnh di truyền và con vi trùng gây ra bệnh cùi mà B. S. Hansen tìm ra được đặt tên là Leprosy Bacillus, do đó sau này trong Anh ngữ, bệnh phong cùi được gọi là Leprosy hay là Hansen disease.
Thoạt đầu, họ đã dùng đậu Chaulmoogra để trị bệnh phong cùi. Cách trị liệu này rất đau đớn, chỉ có kết quả trên một số ít người mà thôi và không có hiệu quả lâu dài.
Người ta cũng đã từng dùng thuốc Promin tiêm cho các bệnh nhân, nhưng phương pháp này cũng không mang đến kết quả như mong đợi. Bệnh nhân khi được tiêm loại thuốc này thường rất đau đớn và phải tiêm đi tiêm lại nhiều lần.
Bác sĩ R. Cochrane đã chế ra dược thuốc Dapsone nhưng vi trùng phong cùi lại “lờn thuốc” nên cũng không mang lại kết quả khả quan cho bệnh nhân. Sau đó, trong gần một thế kỷ, các nhà khoa học trên khắp thế giới đã cố công nghiên cứu để tìm cho được loại thuốc có thể chữa được bệnh cùi và may mắn thay, đến năm 1968 thì y học đã tìm ra mấy loại thuốc rất hữu hiệu và có thể trị dứt được bệnh cùi. Đó là ba loại thuốc trụ sinh có tên là Rifampicin, Dapsone và Clofazimine. Sự phát minh loại thuốc này được xem như là một trong những khám phá vĩ đại nhất trong lịch sử y học của loài người trong thế kỷ thứ hai mươi.
Liều thuốc tổ hợp này đã đem lại kết quả rất hữu hiệu. Bệnh nhân phải dùng liều thuốc này từ sáu tháng đến một năm hay là phải lâu hơn nữa mới khỏi bệnh. Bệnh cùi được chuẩn định bằng cách khảo nghiệm da trên những đốm đỏ hoặc đen trên cơ thể của người bệnh. Khi biết được bệnh tình như thế nào, bệnh nhân phải uống Dapsone, Rifampin và Clofazimine ít nhất là sáu tháng, một năm hay là phải lâu hơn nữa…
Khi bệnh nhân bắt đầu uống thuốc thì hàng loạt các vi trùng cùi bị chết, và những vi trùng chết này vẫn còn nằm trong cơ thể của người bệnh trong một thời gian dài, và đôi khi cần cả năm nó mới ra hết khỏi cơ thể. Trong thời gian này vì cơ thể cố gắng trục xuất các vi trùng chết nên có những phản ứng như đau đớn hay sưng trong da, các dây thần kinh và các bộ phận khác của cơ thể. Những phản ứng này không có nghĩa là bệnh càng trở nên trầm trọng hơn, thuốc không có công hiệu, hay là bị trở chứng. Triệu chứng này có nghĩa là cơ thể đang chống lại các vi trùng chết chưa được trục xuất ra hết khỏi cơ thể. Vì lý do trên người cùi sau khi uống thuốc thường hay cảm thấy đau đớn trong các khớp xương và bắp thịt, nhất là ở chân và tay.
Trong thời gian đang uống thuốc, phản ứng của cơ thể là chống lại các vi trùng chết chưa ra khỏi nên thường gây ra thiệt hại cho các dây thần kinh ở tay, chân và mắt. Trong nhiều trường hợp, bệnh nhân chỉ cần uống Aspirin hay Tylenol, nhưng trong các trường hợp khác bệnh nhân phải dùng thuốc Prednisone hoặc những thuốc tương tự để tránh những thiệt hại cho các dây thần kinh.
Sau khi uống thuốc những đốm da đỏ (hay đen) lúc trước bị sưng lên và những cục bứu nhỏ (nodules) xuất hiện trên cơ thể và rất đau đớn. Người bệnh có thể bị sốt, mắt đỏ và bị đau. Những vi trùng cùi trong thời gian này sẽ bộc phát trên da, làm cho bệnh nhân bắt đầu cảm giác ngứa ngáy. Ở nhiều bệnh nhân sẽ có nước vàng tiết ra trông rất ghê và điều này làm cho nhiều bệnh nhân phong cùi hiểu lầm nên bỏ cuộc không tiếp tục dùng thuốc nữa.
Người cùi không những vật lộn với những khó khăn thường ngày mà còn thêm vào đó là những mặc cảm trong xã hội. Họ thiếu thốn về nhiều phương diện, nhiều nơi trên cao nguyên họ sống từng cụm, đùm bọc nhau để sống lây lất qua ngày. Thiếu phương tiện sống, thiếu thuốc men, thiếu quần áo và thiếu cả lương thực nữa… Những người tàn phế nặng, tay chân mất hết khả năng để mưu kế sinh nhai. Họ bị sa thải, đẩy lùi vào những hang cùng ngỏ hẻm, sống trong những rừng sâu…
Khi đến với người phong cùi, điều làm tôi quan ngại nhất đó là thế hệ con em của những bệnh nhân này. Ngay những đứa bé mới chập chững vào đời đã phải cùng chung chịu sự thị phi và ruồng bỏ của xã hội và cộng đồng. Nếu không có phương án thực tế để giải quyết thì trong tương lai gần những đứa trẻ này tiếp tục gánh chịu những bất hạnh. Vì các em sống chung đụng hàng ngày với những người thân đang mang bệnh. Hiện tại và tương lai của các em có thể nói là rất bấp bênh, dù nơi những đôi mắt ấy vẫn còn tỏa lên những nét hồn nhiên, nhưng đàng sau đó là những rụt rè, phản phất một nét u hoài khó tả. Một điều đáng buồn hơn nữa đó là có rất nhiều em đến tuổi đi học, nhưng chưa bao giờ biết gì về tuổi học trò cả. Các em tụm năm, tụm ba cùng chơi với nhau cho hết ngày dài nơi góc núi hoặc nơi cuối làng trong tận cùng đùn đẩy. Trong tương lai, hành trang vào đời của các em trẻ này là gì? Có thể nói là ngoài những mặc cảm và hụt hẫn thì chẳng có gì cả. Nếu tiếp tục như thế thì thế hệ các em sẽ đối diện với những bất hạnh, những thị phi và họ sẽ họ tiếp tục bị đẩy bật ra bên lề xã hội và cuộc đời.
Tóm lại, đời sống của người phong cùi như quả bong bóng nước trong mưa, bọt bèo trôi giạt trên sông. Sống là chất chồng khổ đau, bi đát, chết là vào cõi hư vô lững lờ… Tinh thần bất an, tâm tư hốt hoảng, những canh của đêm trôi qua không sao chợp mắt được..
Người phong cùi…. vẫn những bước đi cheo vẹo nghiên đổ bên cạnh cuộc đời của bạn và tôi. Trước nỗi đau đó, bạn và tôi có thể góp một bàn tay nhỏ. Chỉ mong xoa dịu đi một phần nào đau thương của những bệnh nhân phong cùi. Cái bánh, cây kẹo, bộ quần áo, lương thực, thuốc men, cái chữ và hạt giống niềm tin chắc chắn sẽ đem những cuộc đời này ra khỏi bóng tối, ra khỏi những thị phi của cuộc đời và mùa xuân đích thực sẽ đến với họ.
Mục sư Huỳnh Thiên Trung