SOLA SCRIPTURA – DUY THẨM QUYỀN THÁNH KINH MÀ THÔI

392

 

Trong quyển Justice – What’s the Right thing to do? (nhan đề tiếng Việt: Phải Trái Đúng Sai), triết gia Michael Joseph Sandel đã nêu lên câu hỏi: “Ai sẽ đánh giá điều gì là đạo đức và điều gì là xấu xa[i]?” Đây được xem là vấn đề nổi bật nhất của thế giới trong giai đoạn hậu-hiện đại, mà ở đó Chủ nghĩa Tương đối đóng vai trò thiết yếu. Chủ nghĩa này cổ vũ con người tự do lựa chọn cho mình một chuẩn mực làm nền tảng của đời sống. Đó có thể là lý trí, là cảm xúc cá nhân, là kinh nghiệm sống hoặc tư tưởng của một hệ thống triết học.

Đối với Cơ Đốc nhân, chỉ có Đức Chúa Trời là Đấng đánh giá dựa trên chuẩn mực đạo đức xuất phát từ bản tính thánh khiết, công chính và yêu thương của Ngài, mà Ngài đã bày tỏ qua Ngôi Lời nhập thể và Thánh Kinh – Lời thành văn. Vậy nên, Kinh Thánh có thẩm quyền tối hậu trong việc định hình thế giới quan và quyết định chuẩn mực cho những phân định, lựa chọn của con người trong cuộc đời. Đó cũng là ý nghĩa của tuyên bố Sola Scriptura – Duy Thẩm quyền Thánh Kinh mà thôi.

Tuyên bố Sola Scriptura trong bối cảnh lịch sử

Hơn 500 năm trước, chàng trai trẻ Martin Luther – vị tu sĩ dòng Augustine và là giảng viên Đại học Wittenberg, đã nhờ học biết Kinh Thánh cách không ngơi nghỉ qua các sách Thi Thiên, Rô-ma và Ga-la-ti mà tái khám phá chân lý về Phúc Âm, vốn đã bị truyền thống giáo hội và nền Thần học Trung cổ che mờ. Những lời dạy được bày tỏ trong Kinh Thánh thôi thúc Luther nhấn mạnh sự xưng công chính bởi đức tin, nhờ ân sủng, khởi xướng phong trào Cải Chasnh Giáo Hội. Nếu sự xưng công chính bởi đức tin nhờ ân sủng mà thôi (Sola FideSola Gratia) là nguyên lý cốt lõi của cuộc Cải chánh, thì Sola Scriptura là nguyên lý mô thức (khuôn mẫu, cấu trúc hoặc định hướng) của cuộc Cải chánh: Kinh Thánh phải được hiểu là nguồn duy nhất của sự mặc khải thiêng liêng, là chuẩn mực duy nhất được soi dẫn, không thể sai lầm, và có thẩm quyền tối hậu cho đức tin và thực hành đời sống Cơ Đốc. Nếu không tôn trọng thẩm quyền đó của Kinh Thánh, chúng ta sẽ không thể nhận thức được sự xưng công chính bởi đức tin nhờ ân sủng là quý báu và chân thật.

Martin Luther đã thách thức thẩm quyền của giáo hội Công giáo La Mã thời đó vì ông bênh vực cho quan điểm thẩm quyền Thánh Kinh phải ở trên thẩm quyền của truyền thống và giáo quyền. Ông nhận định: “Các thánh nhân (vẫn) có thể mắc sai lầm trong các tác phẩm của họ và phạm tội trong đời sống của họ, nhưng Kinh Thánh thì không thể mắc sai lầm.[ii]” Luther và các nhà Cải chánh Giáo hội đã chứng minh thẩm quyền tối hậu của Kinh Thánh vượt trên thẩm quyền của truyền thống bằng ba khẳng định được bao gồm trong Sola ScripturaDuy Kinh Thánh[iii]:

Thứ nhất: Sự thiết yếu của Kinh Thánh. Chỉ Kinh Thánh cung ứng những quan niệm đúng đắn và đáng tin cậy về Chúa, còn những suy đoán ngoài Kinh Thánh sẽ dẫn đến sai lầm.

Thứ hai: Sự đủ đầy của Kinh Thánh. Tất cả những gì cần biết về sự tin kính và sự cứu rỗi đều được thể hiện trong Kinh Thánh; những điều thêm vào sẽ dẫn đến sai lầm.

Thứ ba: Sự rõ ràng của Kinh Thánh. Các sách kinh điển thể hiện sự nhất quán và cấu thành thông điệp nội tại. Theo nghĩa đó, Kinh Thánh diễn giải Kinh Thánh; những cách diễn giải áp đặt sẽ dẫn đến sai lầm.

Một nhà Cải chánh khác là John Calvin trong tác phẩm Institutes of the Christian Religion cũng khẳng định tính thẩm quyền không sai lầm và tính đáng tin cậy của Kinh Thánh[iv]. Trước nhất, Kinh Thánh là Lời của Chúa, được chính Đức Chúa Trời soi dẫn (II Ti-mô-thê 3:16). Sau nữa, thẩm quyền của Kinh Thánh đến từ Đức Chúa Trời chứ không phải giáo hội. Và cuối cùng, tính đáng tin cậy của Kinh Thánh không phụ thuộc vào tri thức của con người nhưng tuỳ thuộc vào lời chứng của Chúa Thánh Linh.

Mặt khác, cần hiểu rằng tuyên bố Sola Scriptura không có nghĩa là chúng ta chỉ được sử dụng Kinh Thánh – và không có chỗ cho các từ điển thần học cùng những thứ tương tự. Nó không có nghĩa là chúng ta chỉ nên học giáo lý Cơ Đốc trực tiếp từ Kinh Thánh và coi các bài giảng cùng những sách vở khác là thừa thãi. Nó cũng không có nghĩa là chúng ta không nên công nhận bất kỳ thẩm quyền nào khác ngoài Kinh Thánh trong Cơ Đốc giáo của chúng ta. Truyền thống và giáo hội đúng đắn vẫn đóng vai trò hướng dẫn đức tin và đời sống Cơ Đốc. Nhưng Sola Scriptura tuyên bố rằng Kinh Thánh luôn là thẩm quyền quyết định và cuối cùng, là chuẩn mực mà tất cả các giáo lý của truyền thống và giáo hội phải được thử nghiệm[v].

Sola Scriptura và Đời sống Cơ Đốc

Kế thừa tinh thần của những nhà Cải chánh, các Giáo hội Tin Lành thuần tuý đều công nhận Kinh Thánh là thẩm quyền cao nhất trong đời sống của người tin Chúa. Dù vậy, một thực tế đáng buồn xảy ra với một số tín hữu ngày nay, khi trải nghiệm cá nhân, chứ không phải Kinh Thánh, lại trở thành nền tảng để phân định và chọn lựa: Những điều đúng chỉ trở nên thật-sự-đúng khi nó có ý nghĩa với chúng ta và chỉ khi chúng ta có thể trải nghiệm được chính nó. Tư tưởng ấy len lỏi vào trong cả những sinh hoạt thuộc linh của cộng đồng đức tin. Chúng ta thích thú với những thông điệp dễ nghe, những nội dung mang tính “chữa lành” có thể xoa dịu cảm xúc cá nhân hơn là lời kêu gọi ăn năn tội lỗi, từ bỏ “cái tôi” và “vác thập tự giá” để theo Chúa. Chúng ta hăng say tìm kiếm trải nghiệm tâm linh hưng phấn với âm nhạc, với những câu trích dẫn vô thưởng vô phạt, những bài giảng “mì ăn liền” hơn là bằng lòng khép mình vào kỷ luật của việc đọc, học, nghiên cứu và làm theo Kinh Thánh. Chúng ta trở thành những công dân hậu-hiện đại xem Kinh Thánh như một pho sách văn hoá, một tài liệu tôn giáo nhưng chẳng có chút ảnh hưởng mảy may nào với cuộc đời cá nhân của mình. Tệ hơn nữa, chúng ta ủng hộ những quan điểm “thời thượng” đi ngược lại với chân lý Thánh Kinh chỉ vì những quan điểm đó phù hợp tâm lý, cảm xúc và ước muốn của chúng ta. Chúng ta không cảnh giác nhận ra điều mà Herman Bavinck đã nhắc nhở: “Cuộc chiến chống lại Kinh Thánh trước hết là sự bộc lộ sự thù nghịch trong lòng con người (đối với Đức Chúa Trời)[vi].

Ngay tại điểm này, khẩu hiệu Sola Scriptura của phong trào Cải chánh nhắc nhở người tin Chúa quay trở lại đầu phục Đức Chúa Trời và đặt Lời của Ngài vào vị trí xứng đáng vốn có. Việc công nhận thẩm quyền Kinh Thánh là đặt Kinh Thánh vào công tác của Đức Chúa Trời Ba Ngôi trong sự mặc khải và cứu chuộc. Kinh Thánh có thẩm quyền vì đó là sự chuyển động của Ngôi Lời và Thánh Linh từ Đức Chúa Cha vào thế giới con người. Kinh Thánh là nguồn mạch sự sống cho Cơ Đốc nhân vì trọng tâm của Kinh Thánh chính là Chúa Cứu Thế. Khi chúng ta đọc, học, suy gẫm và nghiên cứu Kinh Thánh, chúng ta được diện kiến chính Ngài. Khi chúng ta bằng lòng để Kinh Thánh điều hướng cuộc đời thì đó là lúc chúng ta thật sự giao quyền làm chủ đời sống này trong tay của Đấng đã chết và sống lại vì chúng ta để đem chúng ta về với Đức Chúa Trời.

Mặt khác, tiếp nối tinh thần Sola Scriptura, chúng ta cũng cần tránh tinh thần “nuda Scriptura” (chỉ Kinh Thánh và không có gì khác) – nghĩa là đề cao chủ nghĩa cá nhân cực đoan trong việc giải thích Kinh Thánh, khước từ vai trò của Truyền Thống Giáo hội và Cộng đồng Đức tin. Những nhà Cải chánh Giáo hội đã không đặt ra một tình thế loại trừ lẫn nhau, Kinh Thánh hoặc truyền thống, mà tin rằng truyền thống đứng về phía người thật sự tôn trọng thẩm quyền đúng đắn của Kinh Thánh. Luther nói rằng những tuyên bố nào của các giáo phụ và các công đồng nhất quán với Kinh Thánh, thì phải được lắng nghe và tuân theo. Người ta không thể đọc Luther hay Calvin mà không gặp những trích dẫn từ các giáo phụ như Augustine, Cyprian và Chrysostom[vii]. Đồng thời, trong lời tuyên bố Kinh Thánh là thẩm quyền tối hậu của đức tin Cơ Đốc, các nhà Cải chánh kêu gọi một tinh thần khiêm nhường biện biệt nơi mỗi người tin. Những suy tư, nghiền ngẫm của mỗi cá nhân cần được đặt trong dòng chảy lớn của Cơ Đốc giáo trải các thời đại. Chính tinh thần này thúc đẩy chúng ta học biết Kinh Thánh cách hệ thống và có kế hoạch. Chúng ta không chỉ mở ra một câu đoạn ngẫu nhiên và vội vã tìm kiếm những bài học “được cảm động.” Chúng ta cũng không chỉ dừng lại và cảm thấy an ninh thuộc linh với những bài giảng vào mỗi sáng Chúa Nhật. Là người tin Chúa, chúng ta đọc Lời Chúa mỗi ngày, học Lời Chúa cách trung tín, nghiên cứu Lời Chúa tường tận và sống với Lời Chúa trong tinh thần đầu phục hoàn toàn.

Vào thế kỷ XVIII, John Wesley – một hậu duệ của các nhà Cải chánh, đã phát triển một phương pháp giải thích Kinh Thánh thông qua Bốn Lăng Kính[viii] (sau này, được gọi là Wesleyan Quadrilateral) bao gồm: Kinh Thánh, Truyền Thống Hội Thánh toàn cầu (được thể hiện cơ bản qua các bài tín điều), Lý trí con người và Trải nghiệm Đức Thánh Linh trong đời sống Cơ Đốc.

Trước nhất, bản văn Kinh Thánh là lăng kính chính yếu và quan trọng nhất. Mọi sự giảng dạy về đức tin và nếp sống Cơ Đốc phải được bắt đầu và kết thúc bằng Kinh Thánh. Tuy nhiên, Kinh Thánh phải được đọc và hiểu trong ngôn ngữ, bối cảnh mà Chúa đã mặc khải cho độc giả ban đầu. Để hiểu đúng Kinh Thánh cần phải giải nghĩa đúng Kinh Thánh chứ không phải áp đặt ý riêng lên Kinh Thánh hay dùng lời Kinh Thánh để nói điều mình muốn nói.

Thứ hai, Kinh Thánh cần được hiểu và giải thích bởi cộng đồng Cơ Đốc giáo, đại diện bởi các sứ đồ, và sau đó là các giáo phụ, người lãnh đạo, học giả tin kính của Hội thánh trong suốt dòng lịch sử. Truyền Thống không vượt trên Kinh Thánh nhưng đóng vai trò làm rõ và củng cố những gì Kinh Thánh dạy, giúp chúng ta thấy rằng đức tin không chỉ là vấn đề cá nhân mà còn gắn kết với lịch sử của cộng đồng Cơ Đốc.

Lăng kính thứ ba là Lý trí, hay như Luther bày tỏ: “Trừ khi tôi bị thuyết phục bởi Kinh Thánh, hoặc bằng lý lẽ rõ ràng nhất…[ix]” – có nghĩa là những suy luận hợp lý mà người học rút ra từ Kinh Thánh qua những phương pháp đúng quy tắc. Lý trí không loại trừ thẩm quyền Thánh Kinh nhưng là món quà từ Đức Chúa Trời giúp con người hiểu và áp dụng Kinh Thánh cách sáng suốt, có hệ thống, không rơi vào tinh thần mê tín.

Cuối cùng, Kinh Thánh cũng được hiểu qua cảm nhận và cách giải nghĩa riêng của từng người dưới tác động của Đức Thánh Linh. Vì Đức Thánh Linh là Thần lẽ thật nên sự bày tỏ của Ngài sẽ không mâu thuẫn với tri thức mà Đức Chúa Trời ban cho thế giới qua lý trí của con người, hay sự hành động của Chúa trong lịch sử nhân loại. Cùng với đó, chính những kinh nghiệm về sự hiện diện và công việc của Đức Thánh Linh giúp người tin xác nhận và làm sống động những gì chúng ta học từ Kinh Thánh.

Như vậy, Bốn Lăng Kính của John Wesley có thể giúp chúng ta có sự quân bình nhưng vẫn luôn đặt Kinh Thánh làm nền tảng tối thượng trong việc khám phá Lời Chúa.

Vượt lên trên những thể chế chính trị, những luồng giao thoa tư tưởng, những hệ thống triết học kinh điển, Kinh Thánh – lời thành văn của Đức Chúa Trời, vẫn kiên lập, không gì có thể sánh bằng. Nhờ lời Kinh Thánh, chúng ta biết rằng Đức Chúa Trời đang phán với chúng ta. Qua lời Kinh Thánh, chúng ta tái khám phá sự hiện diện của Chúa Cứu Thế – nguồn sống vĩnh hằng của người tin Ngài. Khi lời Kinh Thánh được đọc lên, được học biết, được rao giảng, chúng ta kinh nghiệm quyền năng sống động của Thánh Linh để thức tỉnh và củng cố đức tin, giúp chúng ta tường minh chính Chúa và ý muốn Ngài mỗi ngày một rõ hơn trong đời sống, để “giữ đạo sự sống, chiếu sáng như đuốc” trong thế gian (Phi-líp 2:15) đang bối rối và bất an, giữa hằng hà sa số tư tưởng, triết lý cùng những lẽ thật tương đối, chủ quan và vô định.

Khối Thanh Niên
Uỷ ban Thanh Thiếu Nhi Tổng Liên Hội


[i] Michael J.Sandel – Hồ Đắc Phương dịch, Phải Trái Đúng Sai (TP.HCM: NXB.Trẻ, 2017), tr.13
[ii] Luther’s Works, 36:136–3
[iii] Martin Davie, Tim Grass và Stephen R. Holmes, editors, New Dictionary of Theology: Historical and Systematic (IVP Academic, 2016), tr. 824
[iv] Matthew Barrett, God’s Word Alone: The Authority of Scripture (Michigan: Zondervan Academic, 2016)
[v] Martin Davie, Tim Grass và Stephen R. Holmes – editors, New Dictionary of Theology: Historical and Systematic (IVP Academic, 2016), tr. 827
[vi] Herman Bavinck – John Vriend dịch, Reformed Dogmatics (Grand Rapids: Baker, 2003), tr. 440
[vii] Matthew Barrett, God’s Word Alone: The Authority of Scripture (Michigan: Zondervan Academic, 2016)
[viii] Don Thorsen, The Wesleyan Quadrilateral: Scripture, Tradition, Reason, and Experience as a Model of Evangelical Theology (Lexington: Emeth Press, 2005), tr. 33-34
[ix] Philiip Schaff và David Schley Schaff, History of the Christian Church – vol.7 (New York: Scribner’s Sons, 1910), tr. 303-304

Bài trướcThơ: TUỔI BẢY MƯƠI
Bài tiếp theoTu Thiab Txhiv – 2/11/2024