5 Bước Suy Gẫm Lời Chúa

4657

HTTLVN.ORG – Hai sự thực hành phổ biến của Cơ Đốc nhân là cầu nguyện và suy gẫm. Suy gẫm là lắng nghe tiếng Chúa phán qua lời Kinh Thánh. Còn cầu nguyện là thưa chuyện với Ngài. Những gì Chúa phán với chúng ta thôi thúc và nhắc nhở chúng ta nói chuyện với Ngài. 

Suy gẫm Lời Chúa là một kỷ luật thuộc linh quan trọng, là đào sâu suy nghĩ những gì mà Chúa nói với chúng ta trong Kinh Thánh và chuẩn bị tâm trí cũng như tấm lòng để cầu nguyện.  

Nhưng chính xác thì thế nào là suy gẫm? Thi Thiên đưa ra ít nhất năm bước để chúng ta suy ngẫm Lời Chúa, đó là tập trung, hiểu biết, ghi nhớ, thờ phượng và áp dụng.

  1. Tập trung

Tôi sẽ suy gẫm về giềng mối Chúa, chăm xem đường lối của Chúa.” (Thi Thiên 119: 15)

 Cho dù chúng ta đọc Kinh Thánh vào buổi sáng, trong giờ nghỉ trưa hay trước khi đi ngủ, dễ lắm chúng ta sẽ bị xao lãng với những bận rộn và trách nhiệm của cuộc sống. Thực ra, xao lãng là một công cụ mà Sa-tan sử dụng để tấn công chúng ta, kéo chúng ta ra khỏi sự tập chú vào Đức Chúa Giê-xu Christ và ngăn trở chúng ta nghe tiếng Chúa trong Lời của Ngài.

Thi Thiên 119 khuyên chúng ta chăm xem đường lối Chúa. Cuộc sống này có quá nhiều điều khiến chúng ta theo đuổi, có quá nhiều người làm chúng ta ganh đua, việc suy gẫm Lời Chúa giúp chúng ta tự do khỏi những điều đó. Dù là chỉ có 5 phút ngắn ngủi nhưng đó là thời gian chúng ta hoàn toàn tập chú vào Chúa Giê-xu, quay mặt lại với những điều làm chúng ta xao lãng. Việc tập trung vào những gì chúng ta đọc trong Kinh Thánh giúp chúng ta có sự rõ ràng khi cầu nguyện.

Suy gẫm là để tập trung vào những gì Chúa phán với bạn qua Lời của Ngài.

  1. Hiểu biết

Cầu Chúa làm cho tôi hiểu biết con đường giềng mối Chúa, thì tôi sẽ suy gẫm các công việc lạ lùng của Chúa” (Thi Thiên 119: 27)

Trong sự suy ngẫm, chúng ta cố gắng tìm hiểu xem Đức Chúa Trời của cõi hoàn vũ đang nói gì về chính Ngài, về thế giới của chúng ta và về tấm lòng của con người. Chúng ta bắt đầu cầu nguyện như trước giả Thi Thiên rằng: “Cầu Chúa làm cho tôi hiểu biết con đường giềng mối Chúa“. Đây là lời cầu nguyện đẹp lòng Chúa và Ngài sẵn sàng đáp lời.

Trong quá trình suy gẫm, chúng ta cần trả lời các câu hỏi: Tại sao phần Kinh Thánh này quan trọng? Tôi cần biết điều gì ở đây? Phần Kinh Thánh này nói gì về Chúa, nói gì về tôi? Phần Kinh Thánh này có liên hệ đến Chúa Giê-xu như thế nào?  

Suy gẫm là để hiểu những gì Chúa đang phán với bạn qua Lời của Ngài.

Suy gẫm Lời Chúa (Ảnh minh hoạ của CrossWalk)

  1. Ghi nhớ

Tôi nhớ lại các ngày xưa, tưởng đến mọi việc Chúa đã làm, và suy gẫm công việc của tay Chúa” (Thi Thiên 143: 5)

Toàn bộ Kinh Thánh là một câu chuyện chỉ về Chúa Giê-xu từ đầu đến cuối. Khi suy gẫm Kinh Thánh, chúng ta ghi nhớ tất cả những gì Đức Chúa Trời đã làm trong câu chuyện cứu chuộc vĩ đại của Ngài, về việc Ngài đã sai Chúa Giê-xu đến để cứu con người ra khỏi tội lỗi như thế nào.

Suy gẫm là ngẫm nghĩ về công việc tay Chúa, giúp chúng ta nhớ lại tất cả những gì Chúa đã làm trong đời sống chúng ta: Ngài cứu chúng ta như thế nào, Ngài ban cho chúng ta những cơ hội để chia sẻ Phúc Âm ra sao, và những gì chúng ta học biết về chính Ngài.

Suy gẫm là để ghi nhớ tất cả những điều Chúa làm trong Tin Lành cứu rỗi. 

  1. Thờ phượng

Song lấy làm vui vẻ về luật pháp của Đức Giê-hô-va, và suy gẫm luật pháp ấy ngày và đêm” (Thi Thiên 1: 2)

Một khi chúng ta đã tập trung, hiểu biết và ghi nhớ trong quá trình suy gẫm, thì tự nhiên chúng ta sẽ thấy tấm lòng mình hướng về sự thờ phượng. Từ đó, chúng ta sẽ dừng lại để hướng sự tập chú của mình đến sự cao trọng của Đấng Christ. Chúng ta đưa mắt ra khỏi những điều của thế gian này, để bày tỏ lòng biết ơn và chúc tán Chúa. Trong khi suy gẫm, Đức Thánh Linh sẽ dẫn dắt tấm lòng chúng ta nhìn thấy và chiêm ngưỡng vinh quang của Đức Chúa Trời. 

Vì tội lỗi và những ảnh hưởng của tội lỗi, thường thì tấm lòng của chúng ta sẽ không thấy thích thú Lời Chúa. Chúng ta hay bị cám dỗ để ngừng đọc Lời Chúa, mất tập trung và hướng về điều khác. Suy gẫm sẽ giữ tấm lòng chúng ta trong sự vui thích Lời Chúa, và đó là nhân tố sống còn cho sức lực thuộc linh của chúng ta.

Suy ngẫm là để thờ phượng Chúa – Đấng xứng đáng với mọi lời ngợi khen và tạ ơn đúng với bản thể và công việc mà Ngài đã làm trong Đấng Christ. 

  1. Áp dụng

Cuối cùng, chúng ta nên hiểu làm thế nào để ứng dụng những điều mà chúng ta suy gẫm từ Lời Chúa. Khi đó, chúng ta hỏi, “Bây giờ mình phải làm gì?”

Lấy một ví dụ cụ thể trong phần Kinh Thánh Tít 3: 3-4:

Vì chưng chúng ta ngày trước cũng ngu muội, bội nghịch, bị lừa dối…..Nhưng từ khi lòng nhân từ của Đức Chúa Trời, là Cứu Chúa chúng ta, và tình yêu thương của Ngài đối với mọi người ta đã được bày ra, thì Ngài cứu chúng ta, không phải cứu vì việc công bình chúng ta đã làm, nhưng cứ theo lòng thương xót Ngài.

Từ đoạn Kinh Thánh này, bạn có thể xưng tội một cách cụ thể những gì bạn đã không vâng lời và đi xa đường lối Ngài. Bạn có thể ca ngợi Đức Chúa Trời vì lòng nhân từ của Ngài trong Chúa Giê-xu dù bạn không xứng đáng. Bạn có thể cầu xin sự giúp đỡ của Chúa trong việc yêu thương một người mà người đó làm tổn thương bạn với sự thương xót mà bạn đã nhận được.

Điều chúng ta mong muốn khi suy gẫm Lời Chúa là “cẩn thận làm theo mọi điều đã chép ở trong” (Giô-suê 1: 8). Thế thì, chúng ta mang những điều mà mình có thể áp dụng đến với Chúa trong sự cầu nguyện, xin Chúa thêm sức để mình có thể vâng lời, từ bỏ tội lỗi, hạ mình ăn ở cách xứng đáng với sự kêu gọi của mình trong Chúa. 

Suy ngẫm để áp dụng Kinh Thánh vào trong cuộc sống hàng ngày của bạn, và cầu xin sự giúp đỡ trong khi cầu nguyện.

Giúp đỡ trong sự yếu đuối

Không phải là ngẫu nhiên mà Kinh Thánh thường nói về tầm quan trọng của sự suy gẫm và sự sắp xếp có chủ đích khi đặt để suy gẫm trước sự cầu nguyện. Thời gian chúng ta ở trong Lời Chúa giống như cuộc chạy đua: suy ngẫm là sự khởi động; còn cầu nguyện là cuộc chạy của chúng ta hướng về đích. Chúng ta không thể đạt hiệu quả trong kỷ luật cầu nguyện nếu chúng ta không thực hành bước khởi động, tức là suy gẫm Lời Chúa.

Vậy chúng ta phải làm gì khi mình bị mất tập trung bởi những hoàn cảnh xung quanh, khi tấm lòng chúng ta nguội lạnh với Lời Chúa, khi việc suy gẫm dường như là điều bất khả thi? Hãy bám mình vào ân điển của Chúa, hãy tuôn đổ với Ngài qua sự giúp đỡ của Đức Thánh Linh.

Nếu bạn nhận ra rằng mình chưa bao giờ thực sự suy gẫm Lời Chúa, tôi tin rằng không bao giờ là quá trễ để bắt đầu.

Vì Đức Thánh Linh giúp chúng ta trong sự yếu đuối của mình, để chúng ta chăm xem Chúa Giê-xu, ban cho chúng ta sự hiểu biết, mang đến tâm trí chúng ta những điều tuyệt vời mà Đức Chúa Trời đã làm, đổ đầy chúng ta với sự vui mừng, và dẫn dắt chúng ta bước đi trong lẽ thật.  

Hồng Nhung dịch
Nguồn: Kristen Wetherell/The Gospel Coalition

Bài trướcHiệp Một Chiến Đấu – 2/10/2019
Bài tiếp theo19 Người Tin Chúa Trong Đêm Truyền Giảng Tại Hội Thánh Pleiku