Ý Cha – 14/8/2019 

2936

 

Ma-thi-ơ 6:9-13        

 9 Vậy, các ngươi hãy cầu như vầy:
Lạy Cha chúng tôi ở trên trời;
Danh Cha được thánh;
10 Nước Cha được đến;
Ý Cha được nên, ở đất như trời!
11 Xin cho chúng tôi hôm nay đồ ăn đủ ngày;
12 Xin tha tội lỗi cho chúng tôi, như chúng tôi cũng tha kẻ phạm tội nghịch cùng chúng tôi;
13 Xin chớ để chúng tôi bị cám dỗ, mà cứu chúng tôi khỏi điều ác!
(Vì nước, quyền, vinh hiển đều thuộc về Cha đời đời. A-men.)

Câu gốc: “Ý Cha được nên, ở đất như trời!” (câu 10b).

Câu hỏi suy ngẫm: Ý Cha giữ vai trò quan trọng nào trong đời sống cá nhân của Cơ Đốc nhân, trong sự hiệp một của Hội Thánh, và trong sự thờ phượng Chúa? Ý Cha đang hướng dẫn đời sống bạn như thế nào?

Một trong những điều gây ảnh hưởng tiêu cực trên sự hiệp một của Hội Thánh chính là chủ nghĩa cá nhân. Khi mỗi người xem mình là trung tâm và xem việc thực hiện ý muốn mình là ưu tiên thì không một tập thể nào có thể vững bền. Do đó, trong Bài Cầu Nguyện Chung, Chúa Giê-xu dạy các môn đệ tìm kiếm “Ý Cha được nên”. Nước Cha chính là nơi ý muốn Cha được thực hiện. Như vậy, khi Nước Cha đến nơi đâu thì ý muốn Cha được thực hiện nơi đó. Nước Cha đến trong lòng chúng ta có nghĩa là ý muốn Cha phải được thực hiện trong đời sống chúng ta. Hay nói cách khác, ý muốn Cha trở nên ý muốn của chúng ta. Và chúng ta ao ước ý muốn Chúa được thực hiện trọn vẹn trên trời thế nào thì cũng sẽ được thực hiện trọn vẹn trên đất thể ấy. Như vậy, khi cầu nguyện, chúng ta phải tìm kiếm việc hoàn thành ý muốn Chúa trên trời chớ không phải đáp ứng ý muốn của chúng ta trên đất.

Chúng ta không chỉ cầu nguyện khi có nhu cầu; và chúng ta cũng sẽ không ngưng cầu nguyện khi lời cầu xin không thành. Chúng ta dễ bị cám dỗ để ngưng cầu nguyện vì không thấy điều gì thay đổi sau khi cầu nguyện một thời gian dài. Nhưng Bài Cầu Nguyện Chung dạy rằng chúng ta vẫn sẽ tiếp tục cầu nguyện để tìm biết ý muốn Chúa và tiếp tục cầu nguyện để ý Chúa được hoàn thành. Như vậy chúng ta được gì? Nếu nhận biết rằng chúng ta là một đứa con trung tín trong Nhà của Cha thì khi ý muốn Cha được thành tựu thì ý muốn chúng ta cũng bao gồm trong đó, chắc chắn sẽ được thành tựu. Khi chúng ta cầu nguyện cho một người bệnh, chúng ta không cầu nguyện cho người đó nhưng cầu nguyện cho ý muốn Chúa được hoàn thành và Danh Chúa được vinh hiển qua chính hoàn cảnh của anh chị em mình. Sứ đồ Phao-lô đã từng ba lần cầu nguyện xin Chúa cất “một cái giằm xóc” ra khỏi mình. Tuy nhiên, “Ý Cha được nên” lại không phải là sự chữa lành, nhưng là giúp cho ông nhận ra sự yếu đuối của chính mình và luôn luôn nhờ cậy Chúa (II Cô-rinh-tô 12:5-10). Nếu Sứ đồ Phao-lô được chữa lành như điều ông ao ước thì có thể chúng ta đã không có một Phao-lô luôn nhờ cậy Chúa, khiêm nhường, sẵn lòng yêu thương, cảm thông với những tín hữu khác như cách ông cư xử với các ông Phi-lê-môn và Ô-nê-sim, hay với các bà Ê-vô-đi và Sin-ty-cơ (Phi-líp 4:1-3).

Lời cầu nguyện đẹp lòng Chúa của chúng ta đến từ sự nhận biết Chúa là Cha yêu thương, là Đấng khôn ngoan, do đó chúng ta hoàn toàn tin cậy, phó thác đời sống cho ý muốn Ngài.

Bạn có cầu nguyện để ý muốn Chúa được hoàn thành trên mọi lãnh vực của đời sống bạn không?

Lạy Chúa, xin cho con có tấm lòng thuận phục và tin cậy Ngài. Xin dùng cả cuộc đời con để tìm kiếm sự vinh hiển cho Danh Chúa và để ý muốn Ngài được hoàn thành qua con.

Đọc Kinh Thánh trong ba năm: Châm Ngôn 26.

Phòng Truyền Thông phối hợp UB. Cơ Đốc Giáo Dục thực hiện.

Mọi ý kiến đóng góp xây dựng, xin quí vị vui lòng gởi về địa chỉ: radio@httlvn.org

Bài trướcTP.HCM: Kỷ niệm 95 năm thành lập HTTL Bình Trị Đông
Bài tiếp theoĐêm Thánh nhạc “Tình Yêu Diệu Kỳ” tại TP. HCM