UN.TTN – Phải Chăng Giới Trẻ Cơ Đốc Đang Cô Đơn?

6360

Có nhận định cho rằng giới trẻ Cơ Đốc, những thanh thiếu niên sinh ra vào cuối thế kỷ 20, đầu thế kỷ 21 là một thế hệ đang cô đơn giữa Hội Thánh, và giữa thế gian. Có thể một số người sẽ cho đây là nhận định tiêu cực. Tuy nhiên, chúng ta đừng nhìn nhận sự việc ở ngôn từ, vì ngôn từ rất dễ gây hiểu lầm. Nhưng cần hiểu sự “cô đơn” của giới trẻ Cơ Đốc ngày nay là sự đơn độc, mất phương hướng mà gia đình, Hội Thánh, xã hội dường như không thể thấu hiểu, và đồng cảm. Đây là một thực trạng mà các chủ thể nêu trên cần nhìn nhận đúng đắn, hầu cho có những kế hoạch, chương trình cụ thể, và thái độ tích cực giúp giới trẻ Cơ Đốc được an toàn, và phát triển trong mối quan hệ với gia đình, Hội Thánh và cộng đồng xã hội.

  1. Giới trẻ đang “cô đơn” trong các các câu “status”
    Ngày nay giới trẻ đang ngày bị lạc lõng trong một thế giới mà ở đó mọi người dường như không còn quan tâm đến nhau, chúng ta suy nghĩ gì với những câu status của giới trẻ? Chẳng hạn như:

“Tôi chẳng muốn gặp ai, người già, trẻ con, đàn ông, đàn bà…, ước gì tất cả mọi người biến hết khỏi trái đất này”

“Làm người lớn thật rắc rối, ước gì được trở về tuổi thơ, được vui chơi không suy nghĩ, làm sai cũng không phải chịu trách nhiệm”,

“Tại sao người lớn cứ hỏi tại sao? Tại sao không cố gắng hiểu trẻ con? Nhưng lại không chịu trả lời câu hỏi “tại sao” của trẻ con?

“Việc chung thì không ai làm, khi người khác làm thì lại chỉ trích….chán…”

“Ước gì thế giới trở về cái thời nghèo như ngày xưa, không se xua, không kiểu cách, đến với nhau bằng một chữ tình…”,

Nếu chỉ dựa vào những câu status trên, mà khẳng định giới trẻ Cơ Đốc đang cô đơn, mất phương hướng và lạc lõng thì vẫn chưa hoàn toàn có tính thuyết phục. Nhưng cần phải có thực chứng qua những tình huống, những hoàn cảnh xác thực.

Trong công tác phục vụ Chúa, cùng một số anh em đồng lao, chúng tôi tiếp xúc với khá nhiều em thanh thiếu niên cần tâm vấn về hầu hết các lãnh vực, từ chuyện tình cảm lứa đôi, với những câu hỏi:

  • “Đâu là giới hạn trong tình yêu Cơ Đốc?”
  • “Nếu đã lỡ quan hệ trước hôn nhân thì sao?”
  • “Em là thiếu niên, có yêu được không?”

Hay những câu hỏi, thắc mắc và hướng giải quyết nan đề trong ban ngành, Hội Thánh:

  • “Ban thanh niên có nhiều việc mà không ai làm, em làm thì người này chỉ trích, người kia chê khen,… em phải làm sao?”
  • “Em được Hội Thánh giao việc, nhưng không cho em tự do làm việc, cứ nghĩ em là con nít…”. Hoặc những nan đề trong gia đình:
  • “Em không biết làm sao để gia đình em hết cãi nhau, biết quan tâm đến nhau nhiều hơn,…”
  • “Em thấy có gia đình phức tạp quá, em quyết định ở một mình chắc sẽ tốt hơn”,…

Đây là những thực trạng đang diễn ra hàng ngày đối với giới trẻ Cơ Đốc. Các em cảm thấy dường như không ai hiểu mình và dường như không ai đáng tin cậy để các em tâm sự. Chính những điều này làm cho các em tự thu mình vào trong vỏ bọc không tự tin vào cuộc sống, vào bản thân và ngay chính gia đình của mình. Không ai có thì giờ để nghe giới trẻ bày tỏ tâm sự, bày tỏ những suy nghĩ của các em về mọi lĩnh vực trong cuộc sống vì tất cả mọi người đều bị cuốn hút vào công việc. Vì vậy các em thấy cô đơn vì không có người bạn, người thầy thật tình quan tâm đến các em. Vậy làm sao để các em không cảm thấy mình đang cô đơn?

  1. Vai trò của các em khi đối diện và phòng ngừa “sự cô đơn”:

+ Chính bản thân các em thanh thiếu niên cần phải chủ động thoát ra khỏi vỏ bọc cô đơn, lạc lõng, thất vọng bằng những suy nghĩ và thái độ rõ ràng:

Thứ nhất: Mỗi ngày cần xác định với lòng và với Chúa: “Tôi đã bị đóng đinh vào thập tự giá với Đấng Christ, mà tôi sống, không phải là tôi sống nữa, nhưng Đấng Christ sống trong tôi; nay tôi còn sống trong xác thịt, ấy là tôi sống trong đức tin của Con Đức Chúa Trời, là Đấng đã yêu tôi, và đã phó chính mình Ngài vì tôi”. Dù là Cơ Đốc nhân, nhưng đa phần các em thường quên rằng: khi tin Chúa thì cái tôi kiêu ngạo, tội lỗi và ham muốn xác thịt đã chết, nhưng Chúa đang sống trong các em. Khi được “giải thích và quả quyết” rõ điều này các em có thể vượt qua được sự cô đơn cùng những lời chỉ trích, bình an để đối diện với những hoàn cảnh xảy ra trong gia đình, có suy nghĩ và thái độ trong các mối quan hệ bạn bè và tình cảm lứa đôi.

Thứ hai: các em phải nhận thức bản thân là khâm sai của Đấng Christ, được Chúa là Đấng “cầm chìa khóa của sự chết và Âm phủ” (Khải Huyền 1:18), giao cho các em chìa khóa nước Thiên đàng. Hầu cho, các em biết được mục đích của đời mình, là nài xin mọi người “Hãy hòa thuận lại với Đức Chúa Trời” (II Cô-rinh-tô 5:20). Chính trọng trách này sẽ giúp các em có cách nhìn thuộc linh trước những hoàn cảnh đang diễn ra, và luôn sẵn sàng chủ động thực hiện chức vụ giảng hòa:

Giữa mình với Đức Chúa Trời;

Giữa mình với người;

Giữa người với người;

Giữa người với Đức Chúa Trời.

  1. Vai trò của gia đình trong việc giúp các em tránh “sự cô đơn” :

+ Gia đình đóng vai trò vô cùng quan trọng trong quá trình hình thành nhân cách, và phần lớn nhận thức cơ bản của các em thanh thiếu niên. Nhưng không ít các bậc phụ huynh đã và đang thiếu quan tâm đúng mức đến con em mình. Mặc dù, nhiều gia đình Cơ Đốc vẫn chu cấp đủ cho con em về vật chất, vẫn đốc thúc con em đi nhà thờ. Nhưng chính gia đình lại không thực hiện nếp sống Cơ Đốc trong các mối quan hệ hằng ngày: thiếu thời gian “gia đình lễ bái”, “giờ học Kinh Thánh cá nhân của mỗi thành viên”. “Hãy dạy cho trẻ thơ con đường nó phải theo; dầu khi nó trở về già, cũng không hề lìa khỏi đó” (Châm Ngôn 22:6). Hiện nay, Hội Thánh có “Kinh Thánh hằng ngày cho người lớn”, “Kinh Thánh hàng ngày cho thiếu nhi”, sắp tới sẽ có “Kinh Thánh hàng ngày cho thiếu niên”. Những giờ phút gia đình quây quần học Kinh Thánh và cầu nguyện là cơ hội để Chúa giúp giải quyết những nan đề trong gia đình, cơ hội để các thành niên quan tâm và giúp đỡ lẫn nhau. Mặt khác, Các gia đình nên chăng thường xuyên nghe những bài Thánh ca thay cho những bài hát bên ngoài. Các thành viên trong gia đình nên nói với nhau bằng lời “có ân hậu theo luôn, và nêm thêm muối” (Cô-lô-se 4:6), trong mọi tình huống xảy ra “phải mau nghe mà chậm nói, chậm giận” (Gia-cơ 1:19).

  1. Vai trò của Hội Thánh trong việc “phòng và điều trị sự cô đơn:”

+ Hội Thánh là một môi trường tốt để nuôi dưỡng thanh thiếu niên “nên bậc thành nhân, được tầm thước vóc giạc trọn vẹn của Đấng Christ” (Ê-phê-sô 4:13).

Muốn được như vậy, Hội Thánh phải thánh. Vì trọng trách này, nên Hội Thánh cần khích lệ mỗi thành viên thực nêu gương tốt trong nếp sống thánh khiết, từ lời nói đến hành động “anh em hãy giữ lấy mình, và luôn cả bầy mà Đức Thánh Linh đã lập anh em làm kẻ coi sóc, để chăn Hội thánh của Đức Chúa Trời, mà Ngài đã mua bằng chính huyết mình” (Công Vụ 20:28).

Trong giai đoạn hiện nay, nhu cầu tâm vấn cho các em thanh thiếu niên Cơ Đốc là điều cấp thiết. Nhưng Hội Thánh chưa thật sự quan tâm và đầu tư đúng mức cho vấn đề này, vẫn còn thiếu nhiều người phục vụ Chúa chuyên biệt trong công tác “tâm vấn Cơ Đốc” có ơn, có tâm tình, có kiến thức và sự tin cậy từ các em. Chỉ khi tin cậy thì các em mới sẵn sàng chia sẻ, và lắng nghe lời tâm vấn. Bởi vậy, chính Hội Thánh địa phương cần cầu nguyện và lên kế hoạch cụ thể trong vấn đề này. Hầu cho có nhiều người dấn thân phục vụ Chúa trong lãnh vực tâm vấn. Đó phải là những người có tâm tình và sẵn sàng chịu dạy dỗ “Chúa Giê-hô-va đã ban cho ta cái lưỡi của người được dạy dỗ, hầu cho ta biết dùng lời nói nâng đỡ kẻ mệt mỏi. Ngài đánh thức ta mỗi buổi sớm mai, đánh thức tai ta để nghe lời Ngài dạy, như học trò vậy” (Ê-sai 50:4).

Nếu cá nhân các em thanh thiếu niên, gia đình, Hội Thánh,… không có sự quan tâm đến tâm tư, tình cảm, cảm xúc cùng những nan đề của giới trẻ, thì mười năm, hoặc hai mươi năm sau:

+ Nhiều nhà thờ sẽ đóng cửa

+ Nhiều gia đình Cơ Đốc tan vỡ

+ Nhiều Cơ Đốc nhân chối bỏ đức tin

+ Nhiều tù nhân đã từng là Cơ Đốc nhân,…

Hồi chuông cảnh báo: “Phải chăng giới trẻ Cơ Đốc đang cô đơn?” sẽ chẳng thay đổi được gì, các em vẫn cứ tiếp tục cô đơn và lạc lõng, nếu mỗi chúng ta cứ ngồi yên, không quan tâm, không làm gì cả. Nhưng đức tin thì phải có việc làm, hãy hành động “tôi đã trở nên mọi cách cho mọi người, để cứu chuộc được một vài người không cứ cách nào” (I Cô-rinh-tô 9:22).

Ti-mô-thê Tạ

Bài trướcUB.CĐGD –  Kinh Thánh Hằng Ngày Quí 2/2018
Bài tiếp theoUBKT – Thư Ngỏ Từ HT Buôn Êbũng, Đăk Lăk