UB.TTN – Em Ở Đây

2774

Ngoài xã hội hay chính trong Hội Thánh mọi người vẫn thường gọi “thiếu niên” là “con nít” là cái tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới” “tuổi nắng mưa”. Những cách gọi này hàm chứa cả một hệ tư tưởng, một quan điểm của cộng đồng nói chung và Hội Thánh nói riêng đối với tuổi thiếu niên!

Hãy để “thiếu niên” có một chỗ đứng, một tiếng nói ngoài xã hội và trong Hội Thánh. Hãy tạo cơ hội và điều kiện để các em nhận biết mình là ai? Tại sao mình lại ở đây? Và mình phải làm gì? Vì “thiếu niên” chính là rường cột của nước nhà, “thiếu niên” là tương lai của Hội Thánh! Chính Chúa Giê-xu khẳng định “Hãy để con trẻ đến cùng ta, đừng cấm chúng nó; vì nước Đức Chúa Trời thuộc về những kẻ giống như con trẻ ấy” (Mác 10:14b). Tuy nhiên, chính các em thiếu niên chứ không phải ai khác cần khẳng định chính mình, nhận thức rõ bản thân, và trách nhiệm để có những hành động xứng đáng đẹp lòng Đức Chúa Trời và người ta như lời sứ đồ Phao-lô đã từng khuyên Mục sư Ti-mô-thê và các em thiếu niên: “Chớ để người ta khinh con vì trẻ tuổi; nhưng phải lấy lời nói, nết làm, sự yêu thương, đức tin và sự tinh sạch mà làm gương cho các tín đồ” (I Ti-mô-thê 4:12). Bởi vậy, trước tiên các em cần xác định: Em là ai?

1/ EM LÀ AI?

Thiếu niên là lứa tuổi từ 12 đến 18, lứa tuổi giữa con trẻ và người lớn. Các em không phải trẻ con trẻ cũng không phải người lớn. Các em thường thích cảm giác mạnh, thích liều lĩnh, sống cho hiện tại hơn là suy nghĩ về quá khứ hay tương lai. Thân thể các em phát triển nhanh chóng khiến hầu hết các em đều tỏ ra lung túng. Các em thích tò mò, tìm hiểu, lý luận với những câu hỏi: Cái gì? Tại sao? Thế nào? Các em thích thảo luận hay tranh luận các vấn đề, thích suy nghĩ độc lập…Đó là tâm sinh lý tất yếu của lứa tuổi thiếu niên.

Nhưng có bao giờ các em tự hỏi: em là ai? Đối với câu hỏi này, đa số các em đều trả lời như nhau: “em là Nguyễn Văn A” “em là Trần Thị B”…các em luôn muốn khẳng định “tôi chính là tôi” “tôi là trung tâm của vũ trụ, mọi người không được xem thường tôi, tôi cũng có thể làm được việc như người lớn…” hoặc “tôi chẳng là gì cả, tôi không bằng ai hết…”. Dù các em thiếu niên theo bất kỳ một trong hai quan điểm này cũng đều chưa đúng với “ý muốn của Đức Chúa Trời”. Chính những quan niệm sai lầm này đã vô tình đưa các em thiếu niên đến thế giới của sự ích kỷ, kiêu ngạo hay ngược lại dìm các em vào một thế giới của sự mặc cảm, tự kỷ. Cả hai thế giới đó đều đang từng giây từng phút kéo các em ra khỏi Hội Thánh, xa cách nguồn sự sống từ Đức Chúa Trời.

Theo phong tục của người Do Thái: Con trai Do Thái đến 13 tuổi được làm lễ trưởng thành (Bar Mitzvah: con trai của giới luật) vào ngày thứ bảy đến sau ngày sinh nhật. Kể từ ngày đó, cậu phải thực hiện những nghĩa vụ tôn giáo của người lớn. Với bé gái, phải thực hiện nghĩa vụ và trách nhiệm trước luật pháp từ sinh nhật lần thứ 12 của mình, nhưng không thực hiện nghi lễ như đối với bé trai.[1]

Kinh Thánh cho biết: năm 12 tuổi Chúa Giê-xu cùng cha mẹ lên thành Giê-ru-sa-lem dự lễ theo lệ thường. Sau 3 ngày cha mẹ gặp “Ngài tại trong đền thờ đang ngồi giữa mấy thầy thông thái, vừa nghe vừa hỏi. 47 Ai nấy nghe, đều lạ khen về sự khôn ngoan và lời đối đáp của Ngài.” (Lu-ca 2:42,46). Những điều đó nhằm khẳng định các em đã bắt đầu bước vào ngưỡng cửa của người trưởng thành.

Cho nên, trong gia đình, các em thiếu niên cần nhận thức mình là một thành viên, là chi thể trong thân, được tôn trọng, yêu thương, có quyền và nghĩa vụ như những thành viên khác. Ngoài cộng đồng xã hội, các em là một công dân được bảo vệ, tôn trọng như tất cả mọi công dân khác. Trong Hội Thánh, các em dù chưa đủ tuổi nhận lễ báp-têm hay khi các em đã nhận lễ báp-têm cũng đều được tôn trọng, nâng đỡ khích lệ và cần được giao việc từ nhỏ đến lớn. Điều quan trọng là chính các em cần phải tự mình trả lời câu hỏi “tôi là ai?” và câu trả lời chính xác, hoàn hảo nhất: “tôi là con của Chúa”. Chúa Giê-xu đã nhận thức rõ ràng điều này khi thưa với cha mẹ phần xác về việc Ngài nói chuyện với các thầy thông giáo tại đền thờ “Cha mẹ kiếm tôi làm chi? Há chẳng biết tôi phải lo việc Cha tôi sao?” (Lu-ca 2:49).

Nếu tất cả các em thiếu niên trong Hội Thánh đều nhận thức rõ địa vị của mình trước mặt Chúa thì chắc chắn các em sẽ có những lời nói, nết làm, sự yêu thương, đức tin và sự tinh sạch có thể làm gương cho mọi người từ gia đình đến Hội Thánh và ra ngoài xã hội. Mặc dù một số bạn thiếu niên biết rõ mình là con cái Đức Chúa Trời, nhưng bản tính của các em là hay thắc mắc, hay suy tư trước cách cư xử chưa đúng của người lớn trong gia đình và một số người có địa vị trong Hội Thánh, nên câu hỏi tiếp theo cũng không kém phần quan trọng mà các em cần phải trả lời: “Tại sao em ở đây?”

2/ TẠI SAO EM Ở ĐÂY?

Nhiều em thiếu niên thường hỏi: “tại sao tôi lại sinh ra trong ngôi nhà đó?” “tại sao Chúa lại để tôi có người cha người mẹ như vậy?” “tại sao tôi không được đầy đủ, sung sướng như những bạn khác?”, “tại sao tôi không được sinh hoạt trong một ban thiếu niên đông đúc của một Hội Thánh lớn ở thành phố…?” Một số em đã quay sang trách Chúa, hoặc hận chính gia đình của mình…Những điều này có thể diễn ra và kéo dài suốt cả cuộc đời của các em.

Chính Kinh Thánh sẽ giải đáp những thắc mắc của các em: “Tôi cảm tạ Chúa, vì tôi được dựng nên cách đáng sợ lạ lùng” (Thi Thiên 139:14), trước giả Thi Thiên cho biết Chúa tạo dựng nên các em cách đáng sợ lạ lùng, và Ngài cũng có những kế hoạch vĩ đại trên đời sống mỗi em. Đặc biệt hơn nữa các em là con của Chúa, chính Chúa Giê-xu đã nói: “Nếu ai muốn theo ta, thì phải liều mình, vác thập tự giá mình mà theo ta” (Ma-thi-ơ 16:24). Trên linh trình theo Chúa mỗi em phải vác thập giá của mình, có thể đó chính là gia đình với những sự khó khăn, hay những nan đề trong Hội Thánh…Sự hiện diện của các em trên thế gian này, trong một gia đình, tại một Hội Thánh đều có sự sắp đặt hoàn hảo của một bàn tay quyền năng, đó chính là Đức Chúa Trời. Ngài không muốn các em vô ích trong nhà Chúa, nhưng phải cố gắng thêm lên đức tin sự nhân đức, học thức, tiết độ, nhịn nhục, tin kính, yêu thương, yêu mến để đem lại nhiều kết quả cho nhà Chúa. Ngài muốn các em đối diện với nghịch cảnh, nan đề bằng ánh mắt và hành động theo gương của chính Chúa Giê-xu. Trước tất cả mọi nan đề, mọi nghịch cảnh, mọi điều tưởng chừng như vô vọng thì điều các em cần làm đó không phải là nhìn vào hoàn cảnh nhìn vào nan đề theo hướng tiêu cực nhưng “nhìn xem Đức Chúa Giê-xu, là cội rễ và cuối cùng của đức tin” (Hê-bơ-rơ 2:12a). Vì sau cơn mưa trời lại sáng, chính sứ đồ Phao-lô đã khẳng định: “Những sự cám dỗ đến cho anh em, chẳng có sự nào quá sức loài người. Đức Chúa Trời là thành tín, Ngài chẳng hề cho anh em bị cám dỗ quá sức mình đâu; nhưng trong sự cám dỗ, Ngài cũng mở đàng cho ra khỏi, để anh em có thể chịu được” (I Cô-rinh-tô 10:13).

Chúa cũng không muốn các em chỉ quanh quẩn trước những hoàn cảnh, nan đề, nhưng Ngài còn muốn các em không “ở dưng” mà phải trở thành những công cụ, đồ dùng có ích trong nhà Ngài. Tuy nhiên, em sẽ làm gì?

3/ EM SẼ LÀM GÌ?

Với câu hỏi này, các em thường trả lời về những công việc mà em ước mong trong tương lai. Có em ước ao được làm nhà truyền giáo nổi tiếng, em thì mong được làm Mục sư, giáo sư, bác sĩ…Nhưng trong hiện tại các em không hề cố gắng học tập, đọc Kinh Thánh là một cực hình, đi nhà thờ là điều ép buộc, góp phần công việc Chúa là chuyện của người lớn…Ngược lại, chơi game là thói quen không thể thiếu, tụm năm tụm ba nơi các quán trà sữa là hoạt động hằng ngày…Vậy thử hỏi, Hội Thánh tương lai tìm đâu ra những nhà truyền giáo, những Mục sư, truyền đạo đầy ơn, xã hội làm sao có được những bác sĩ, kỹ sư… lành nghề và có tâm?

Hãy bắt đầu làm bất kỳ việc gì có ích cho gia đình, Hội Thánh, dù việc nhỏ hay việc lớn hãy làm hết mình như chỉ còn sống một ngày trên thế gian này. Có thể những việc các em làm cho gia đình, Hội Thánh là những việc thầm lặng, không ai biết, nhưng “Đức Chúa Trời sẽ đem đoán xét các công việc, đến nỗi việc kín nhiệm hơn hết, hoặc thiện hoặc ác cũng vậy” (Truyền đạo 12:14). Đừng trông đợi sự khen ngợi và phần thưởng từ đời này nhưng cần nhớ lời Chúa hứa sẽ được ứng nghiệm là lúc Chúa đến mau chóng, và đem phần thưởng theo với Ngài, để trả cho mỗi người tùy theo công việc các em đã làm.

Các em thiếu niên cần tập thói quen “mau nghe, chậm nói, chậm giận” trong tác phong làm việc, dù bị ai nói hành, chỉ trích. Đừng mặc cảm, tự ti vì em nhỏ bé, nhà nghèo, hay không có tài năng gì đặc biệt, chỉ cần nhớ rằng “trong một nhà lớn, không những có bình vàng bình bạc mà thôi, cũng có cái bằng gỗ bằng đất nữa, thứ thì dùng việc sang, thứ thì dùng việc hèn” (II Ti-mô-thê 2:20). Trung niên chỉ còn 1/2 cuộc đời, tráng niên thì còn 1/3 cuộc đời, nhưng các em thiếu niên còn cả một cuộc đời để phục vụ Chúa. Trong mọi công việc được giao từ gia đình, xã hội, và Hội Thánh các em thiếu niên cần nhớ một điều “Hễ làm việc gì, hãy hết lòng mà làm, như làm cho Chúa, chớ không phải làm cho người ta” (Cô-lô-se 3:23).

Một câu chuyện ngắn thay cho lời kết: Có một anh thanh niên tin Chúa một mình, luôn sống trong mặc cảm, tự ti với hoàn cảnh gia đình. Anh muốn dấn thân hầu việc Chúa nhưng nghĩ rằng chỉ những ai là con Mục sư, chấp sự thì mới được chọn. Anh cầu nguyện thầm với Chúa: “xin Chúa cho con hầu việc Ngài dầu chỉ là một việc nhỏ”. Anh bắt đầu phục vụ Chúa từ việc quét vôi nhà thờ, bắt đèn trang trí những ngày lễ, trông coi phòng sách… Rồi dần dần anh góp phần với lớp học Kinh Thánh thiếu niên, tham gia ban chăm sóc chứng đạo…Và khi Chúa kêu gọi anh sẵn sàng dấn thân phục vụ Ngài trở nên một Mục sư. Câu chuyện rút ra một bài học cho các em thiếu niên cần biết: Chúa đặt em ở đây trong một gia đình có thể không như mong ước, trong một Hội Thánh nhỏ mà quá nhiều nan đề…không phải để các em sống tự ti, mặc cảm, hay sống bất cần đời, nhưng muốn các em sống sao cho xứng đáng là “con của Chúa”, hết lòng hết sức phục vụ Ngài. Đó phải trở thành mục đích sống của các em.

Ti-mô-thê Tạ

[1] http://vanhoacuanguoidothai.blogspot.com/2013/01/quoc-gia-israel.html.

Bài trướcĐăk Nông: Bế Giảng Lớp Thánh Kinh Căn Bản
Bài tiếp theoẢnh Hưởng Tốt – 9/8/2017