CHƯƠNG 8 – TRẦM CẢM (phần 2)
Dr. Gary R. Collins
- Các nguyên nhân thuộc nhận thức-tâm lý
Sự suy sụp tinh thần là một vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe tâm thần đối với khoảng từ 4-9% dân số. Các triệu chứng xuất hiện nhiều nhất trong số thanh niên trưởng thành. Ước tính có khoảng 25% các sinh viên đại học từng trải qua sự suy sụp tinh thần trong một lúc nào đó, và 33% các sinh viên bỏ học phải chịu đựng sự suy sụp tinh thần nghiêm trọng. Những thống kê khiến nhiều người phải ngạc nhiên, vì chúng đi đến kết luận rằng sự phát triển, tâm lý học, nội tâm cá nhân, tâm linh học, và những điều không thuộc về vật lý học khác là nền tảng của sự suy sụp tinh thần.
a) Các nguyên nhân về gia đình và bối cảnh. Có bằng chứng cho thấy những kinh nghiệm thời thơ ấu có thể dẫn đến sự suy sụp tinh thần trong cuộc sống sau này. Rene Spitz – một nhà nghiên cứu trẻ em – cho rằng khi bị tước đoạt những nhu cầu thông thường và sự liên lạc đầm ấm với bố mẹ, những đứa trẻ được nuôi dưỡng trong cô nhi viện thể hiện sự lãnh đạm, sức khỏe yếu kém, và sự buồn rầu. Đó là dấu hiệu cho thấy sự suy sụp tinh thần có thể xảy ra trong cuộc sống sau này. Với các thiếu niên, khi bị bố mẹ của chúng từ chối hoặc xua đuổi một cách trắng trợn, hoặc khi những tiêu chuẩn quá cao hoặc quá cứng nhắc được đặt ra cho chúng, thì sự thất bại hầu như là điều không thể tránh khỏi, điều này có thể dẫn đến sự suy sụp tinh thần ngày càng lớn hơn.
Những thiếu niên đang có mâu thuẫn với bố mẹ chúng, những người trưởng thành muốn độc lập với gia đình, những thành viên trong các gia đình có cuộc sống không ổn định, các sinh viên cao đẳng với những nhận định tiêu cực về gia đình mình, đều có xu hướng suy sụp tinh thần. Những kinh nghiệm này không luôn luôn dẫn đến sự suy sụp tinh thần, thế nhưng chúng có khả năng gây ra sự suy sụp tinh thần nghiêm trọng cho cuộc sống sau này.
b) Sự căng thẳng và các sự mất mát có ý nghĩa. Những sự căng thẳng trong cuộc sống thường là nguyên nhân chủ yếu kích thích sự suy sụp tinh thần, đặc biệt là khi những căng thẳng này khiến người ta cảm thấy bị đe dọa hoặc khi chúng có nguy cơ dẫn tới một sự mất mát nào đó. Như đánh mất một cơ hội, một công việc, địa vị, sức khỏe, sự tự do, một sự tranh đấu nào đó, tài sản, hoặc những thứ có giá trị khác. Điều đó cũng giống như khi có sự ly dị, sự chết, hoặc sự đau xót, khi chia ly xa cách… Tất cả điều đó như là những nguyên nhân, những sự kiện gây nên sự suy sụp tinh thần lớn lao nhất của cuộc sống.
c) Cảm nhận sự bất lực. Khi đối diện với các tình huống mà mình không có, hoặc có rất ít khả năng để kiểm soát, vào những thời điểm đó, người ta có thể cảm thấy vô dụng, bất lực và từ bỏ sự cố gắng của mình. Điều này có thể giải thích được một vài nguyên do dẫn đến suy sụp tinh thần của những người đang đau khổ trước cái chết, họ không thể làm gì được để đem lại sự sống cho người thân yêu của mình; những sinh viên không thể quan hệ với các sinh viên khác để thành công trong việc học tập; những người già cả không có sức lực, không có khả năng phục hồi lại các khả năng vật lý đã bị mất…
d) Các nguyên nhân về nhận thức. Theo như nhà tâm thần học Aaron Beck, những người suy sụp tinh thần thể hiện suy nghĩ tiêu cực trong ba lãnh vực sau. Trước hết, họ nhìn thế giới và cuộc sống một cách tiêu cực. Cuộc sống được nhìn nhận như những gánh nặng, những trở lực, và những thất bại trong một thế giới băng hoại. Thứ hai, có một cái nhìn tiêu cực về chính họ. Họ cảm thấy như thiếu một điều gì đó, không thích hợp, vô giá trị, và không có khả năng làm một việc gì đó cách thỏa đáng. Điều này lần hồi có thể dẫn đến thái độ tự trách và thương hại mình. Thứ ba là nhìn về tương lai trong một cách tiêu cực, họ thấy phía trước chỉ toàn là khó khăn, thất bại, và vô vọng.
Nếu như một người có những suy nghĩ một cách tiêu cực, chỉ thấy mặt trái của cuộc sống, duy trì suy nghĩ bi quan, và nhìn nhận sự việc một cách không chắc chắn, thì suy sụp tinh thần là điều không thể tránh khỏi.
e) Giận dữ. Một quan điểm cũ và được chấp nhận rộng rãi cho rằng sự suy sụp tinh thần xảy ra khi sự giận dữ đã chiếm hữu trong lòng và quay ngược lại chống đối với chính họ.
Điều gì sẽ xảy ra sau đó? Nếu như sự giận dữ không bị đẩy lùi khỏi tâm trí, nó mưng mủ “bên trong” và cuối cùng nó ảnh hưởng đến con người bên trong một cách khác nào đó. Biểu đồ sau miêu tả tiến trình này.
Hầu hết các sự giận dữ như là kết quả của một sự suy sụp tinh thần, bắt đầu khi một người cảm thấy sự đau đớn. Thay vì chấp nhận sự đau đớn này như một thực tế hiển nhiên, người ta lại ngẫm nghĩ, suy xét về điều đã xảy ra, và rồi bắt đầu cảm thấy giận dữ. Kế đến sự giận dữ được hình thành và trở nên quá mạnh mẽ, sự giận dữ nếu không có sự kiềm chế của lý trí chắc chắn làm thức tỉnh sự phạm tội. Nếu như sự giận dữ không tỏ lộ ra bên ngoài hoặc không được giải quyết triệt để, thì sự giận dữ sẽ chuyển thành ý định trả thù. Điều nầy liên quan tới những suy nghĩ về việc làm cách nào để gây đau đớn cho người khác. Thỉnh thoảng sự trả thù hướng đến những hành động bạo lực mang tính hủy diệt, thế nhưng điều này có thể mang đến nhiều rắc rối, những hành động bạo lực không bao giờ được xã hội chấp nhận, đặc biệt là đối với một Cơ Đốc nhân. Như là một kết quả tất yếu, có nhiều người cố gắng che giấu những cảm giác của họ, do đó những cảm xúc có thể xuất hiện trong hình thức các triệu chứng căng thẳng thần kinh. Đối với một số người, họ lên án những thái độ của chính họ một cách vô tình hay có ý thức. Sự suy sụp tinh thần này có thể là một hình thức của sự tự hình phạt. Không khó để hiểu lý do tại sao những người như thế lại cảm thấy mình có tội, tự lên án mình, và không thấy hạnh phúc.
Khi nhìn vào biểu đồ này, chúng ta thấy sự suy sụp tinh thần thường che đậy sự đau đớn, giận dữ, và sự bực tức, để rồi sau đó chúng có thể bị quên lãng. Cần nhấn mạnh rằng lối giải thích này không thỏa đáng cho tất cả những nguyên nhân gây nên sự suy sụp tinh thần.
g) Tội lỗi và lỗi lầm. Thật dễ hiểu vì sao tội lỗi và lỗi lầm có thể dẫn người ta đến suy sụp tinh thần. Khi một người cảm thấy họ thất bại hoặc làm điều gì đó sai trái, mắc lỗi lầm. Xuất hiện cùng với nó là thái độ tự xét đoán chính mình, chán chường, và những triệu chứng suy sụp tinh thần khác. Lỗi lầm và sự suy sụp tinh thần thường xảy ra cùng lúc, và thật khó để xác định điều nào xảy ra trước. Có lẽ trong hầu hết các trường hợp, thì lỗi lầm xảy ra trước sự suy sụp tinh thần, thế nhưng đôi khi sự suy sụp tinh thần sẽ làm cho người ta cảm thấy có lỗi. Cũng trong trường hợp đó, cảm xúc rơi vào trong một vòng luẩn quẩn. Lỗi lầm gây ra suy sụp tinh thần và sự suy sụp tinh thần lại gây ra nhiều lỗi lầm hơn, và chu kỳ này cứ thế tiếp tục.
CÁC HẬU QUẢ CỦA TRẦM CẢM
Sự suy sụp tinh thần hay trầm cảm xảy ra theo những cách khác nhau bao gồm các triệu chứng về thể chất, những hành động mang tính đấu tranh và những cơn giận dữ, cách cư xử bốc đồng dễ sinh ra tai nạn, các vấn đề về tình dục… Những triệu chứng của sự trầm cảm xảy ra cho lứa tuổi thanh thiếu niên và cũng cho cả người lớn nữa. Người ta có thể đang bị tổn thương do có sự trầm cảm đang xảy ra bên trong, thế nhưng lại thể hiện trong những cách được che đậy. Thỉnh thoảng sự che giấu này rất khéo léo đến nỗi ngay cả những người bạn thân thiết hoặc những người tư vấn cũng không thể nhận ra được.
Sự trầm cảm có một ảnh hưởng mạnh mẽ trên những người khác. Những người sống gần gũi với một người trầm cảm thường cảm thấy mình cũng đang chịu đựng sự lo lắng, mệt nhọc, những cảm giác mất hy vọng, và thiếu sự quan tâm. Theo kết quả của một cuộc nghiên cứu, thì việc chịu đựng cuộc sống như thế với một người trầm cảm là quá lớn, có đến 40% những người liên quan với người đang trầm cảm cần sự tư vấn. Sự trầm cảm càng sâu sắc thì các hậu quả của nó càng mạnh mẽ hơn, có khả năng dẫn tới một hoặc tất cả trong số các hậu quả được liệt kê sau đây.
- Sự thiếu hạnh phúc và thiếu hiệu quả
Những người trầm cảm thường cảm thấy vô vọng, tự chỉ trích, và làm hại mình. Hậu quả tất yếu là họ mất đi lòng nhiệt thành, do dự, và không có năng lực để làm việc, ngay cả những việc rất đơn giản. Vì thế cuộc sống thiếu hiệu quả, làm việc kém, và một sự lệ thuộc gia tăng nơi những người khác.
- Bệnh tật về thể xác
Trầm cảm bao gồm sự sầu não xảy ra cùng với nỗi đau đớn hoặc cảm giác cô đơn, những cảm xúc đó có xu hướng làm giảm khả năng đề kháng của cơ thể. Hậu quả là người ta dễ mắc bệnh hơn, và làm suy yếu khả năng chống các thứ bệnh tật khác của cơ thể. Vì vậy, những người suy sụp tinh thần thường trông giống như những người đang mắc bệnh. Chắc chắn rằng, bất kỳ khi nào thể chất có sự rối loạn về tâm thần, thì sự suy sụp tinh thần thường gia tăng.
- Sự tự ti mặc cảm và sự rút lui
Khi một người nản chí, không còn sinh lực và cảm thấy chán ngán cuộc sống, thì thường tự ti mặc cảm, than thân trách phận, thiếu đi lòng tự tin, và luôn tìm cách xa lánh mọi người, ban ngày có thể vẫn mơ màng và suốt ngày ngồi dán mắt vào màn ảnh truyền hình, đọc tiểu thuyết, uống rượu hoặc sử dụng ma túy. Một vài người thì mong tìm được một công việc đơn giản hơn. Các sự tiếp xúc về mặt xã hội có thể là một sự đòi hỏi quá sức và người suy sụp tinh thần có thể không cảm thấy cần phải giao tiếp.
- Tự tử.
Để giải tỏa áp lực cuộc sống riêng của một người, việc tự tử và những cố gắng để tự tử thường được thấy ở người trầm cảm. Đối với một vài người, những cố gắng để tìm đến cái chết là một sự kêu cứu vô thức, là cơ hội để trả thù, hoặc là một hành động có ý thức được hình thành để tác động đến một người nào đó. Độ tuổi thiếu niên, khi bị suy sụp tinh thần thường có những suy nghĩ đến việc tự tử. Có nhiều người suy sụp tinh thần nhưng chẳng bao giờ nghĩ tới việc tự tử, thế nhưng nhiều người khác lại nghĩ đến điều đó, thường thì họ thực hiện trong một nỗ lực thực sự để tự giết mình và thoát khỏi cuộc sống. Những nỗ lực tự tử như tự bắn vào mình, sắp đặt ra những tai nạn, phóng xe cách cẩu thả, uống rượu say sưa, hoặc tìm nhiều phương cách khác nhau để đùa giỡn với cái chết. Tất cả những điều này đều miêu tả ảnh hưởng sâu rộng và mang đầy tiềm năng hủy phá của sự trầm cảm.
(còn tiếp)
Hồ Kim Quốc dịch
(Trịnh Phan hiệu đính)