Tự Do Của Cơ Đốc Nhân – 21/9/2019

3291

 

I Cô-rinh-tô 8:7-13

7 Nhưng chẳng phải mọi người đều có sự hay biết đó. Một đôi người vì nghĩ thường có thần tượng, nên khi ăn của cúng tế đó cho là của cúng tế thần tượng; thì lương tâm yếu đuối của họ bởi đó ra ô uế. 8 Vả, ấy chẳng phải là đồ ăn làm cho chúng ta được đẹp lòng Đức Chúa Trời; nếu chúng ta ăn, chẳng được ích gì, bằng không ăn, cũng chẳng tổn gì. 9 Nhưng hãy giữ lấy, kẻo sự tự do mình làm dịp cho kẻ yếu đuối vấp phạm. 10 Bởi vì, nếu có kẻ lương tâm yếu đuối thấy ngươi là người có sự hay biết ngồi ăn trong miếu tà thần, thì há chẳng cũng bắt chước mà ăn của cúng tế sao? 11 Thế thì ngươi lấy sự hay biết mình mà làm hư mất kẻ yếu đuối, là người anh em mà Đấng Christ đã chết thế cho! 12 Khi nào mình phạm tội cùng anh em như vậy, làm cho lương tâm yếu đuối của họ bị thương, thì là phạm tội cùng Đấng Christ. 13 Cho nên, nếu đồ ăn xui anh em tôi vấp phạm, thì tôi sẽ chẳng hề ăn thịt, hầu cho khỏi làm dịp vấp phạm cho anh em tôi.

Câu gốc: “Vả, ấy chẳng phải là đồ ăn làm cho chúng ta được đẹp lòng Đức Chúa Trời; nếu chúng ta ăn, chẳng được ích gì, bằng không ăn, cũng chẳng tổn gì. Nhưng hãy giữ lấy, kẻo sự tự do mình làm dịp cho kẻ yếu đuối vấp phạm” (câu 8-9).

Câu hỏi suy ngẫm: Sứ đồ Phao-lô cho biết nguyên tắc sử dụng sự tự do của Cơ Đốc nhân phải như thế nào? Khi nào thì sự tự do gây vấp phạm cho người khác? Bạn đã thể hiện nếp sống tự do trong Chúa như thế nào?

Sau khi giải thích thần tượng là hư không, nên việc ăn hay không ăn của cúng thần tượng không vì thế mà được đẹp lòng Đức Chúa Trời và cũng không ích lợi hay tổn hại gì cho bản thân (câu 8), Sứ đồ Phao-lô mở đầu câu 9 bằng từ “Nhưng”. Ông trình bày một nguyên tắc quan trọng mà những tín hữu Cô-rinh-tô cần chú ý: Cơ Đốc nhân được sở hữu sự tự do từ công giá cứu chuộc của Đấng Christ (Ga-la-ti 5:1), nhưng họ phải cẩn thận vì nếu sử dụng sự tự do và hiểu biết mà thiếu tình yêu thương thì sẽ là cớ gây cho anh chị em yếu đuối vấp phạm. Những người này nghĩ rằng thần tượng là có thật và nếu ăn của cúng thần tượng thì sẽ bị ô uế; mặt khác nếu họ nhìn thấy những anh em cùng niềm tin ngồi trong miếu tà thần ăn uống những thức ăn đã cúng thần tượng thì họ cũng sẽ bắt chước ăn của cúng giống như vậy. Và điều quan trọng hơn là khi chúng ta làm thương tổn đến lương tâm yếu đuối của “người anh em mà Đấng Christ đã chết thế cho” thì chúng ta đã phạm tội với Đấng Christ (câu 10-12). Rồi ông kết luận bằng nguyên tắc hy sinh sự tự do của mình vì ích lợi của người khác: “Cho nên, nếu đồ ăn xui anh em tôi vấp phạm, thì tôi sẽ chẳng hề ăn thịt, hầu cho khỏi làm dịp vấp phạm cho anh em tôi” (câu 13).

Quyền được tự do là quyền mà bất cứ ai cũng muốn sở hữu và sử dụng nó. Song sự tự do mà Cơ Đốc nhân sở hữu không chỉ gắn liền với ích lợi của bản thân nhưng còn với ích lợi của người lân cận nữa. Tự do không có nghĩa là làm tất cả những điều mình muốn, nói những điều mình thích. Cơ Đốc nhân được Đấng Christ đem đến sự tự do, thoát khỏi ách thống trị của quyền lực tối tăm, song không phải để chúng ta được tự do làm điều xác thịt ưa muốn bèn là được tự do để sống đẹp lòng của Đức Chúa Trời. Thế gian ca ngợi sự tự do, đấu tranh để có được tự do và sử dụng sự tự do để phục vụ cho nhu cầu lợi ích cá nhân, để rồi lại sẽ nộp mình vào tình trạng nô lệ mà không hay biết. Nhưng Cơ Đốc nhân phải sử dụng sự tự do theo nguyên tắc vì lợi ích của người khác.

Bạn có sẵn lòng hy sinh tự do của mình vì cớ người khác không?

Kính lạy Đức Chúa Trời! Con tạ ơn Ngài đã cứu con thoát khỏi ách thống trị của tội lỗi và ban cho con được tự do sống cho mục đích tốt lành, xin cho con khôn ngoan để biết sử dụng sự tự do một cách hiệu quả và không làm vấp phạm anh chị em của con.

 

Đọc Kinh Thánh trong ba năm: II Sử Ký 24.

Phòng Truyền Thông phối hợp UB. Cơ Đốc Giáo Dục thực hiện.

Mọi ý kiến đóng góp xây dựng, xin quí vị vui lòng gởi về địa chỉ: radio@httlvn.org

 

Bài trướcCần Thơ: Lễ Tấn Phong 7 Mục Sư Khu Vực III
Bài tiếp theoSự Sáng Đẩy Lui Sự Ác – 22/9/2019