Trách Nhiệm & Giới Hạn – 1/6/2019

2615

 

 I Cô-rinh-tô 12:14-18

14 Thân cũng chẳng phải có một chi thể, bèn là nhiều chi thể. 15 Nếu chân rằng: Vì ta chẳng phải là tay, nên ta không thuộc về thân, thì chẳng phải bởi đó chân không có phần trong thân. 16 Và nếu tai rằng: Vì ta chẳng phải là mắt, nên ta không thuộc về thân, thì tai chẳng phải bởi đó không có phần trong thân. 17 Ví bằng cả thân đều là mắt, thì sự nghe ở đâu? Nếu cả thân đều là tai, thì sự ngửi ở đâu? 18 Nhưng bây giờ, Đức Chúa Trời đã sắp đặt các chi thể của thân chúng ta, ban cho mỗi một chi thể cái địa vị theo ý Ngài lấy làm tốt mà chỉ định. 

“Đức Chúa Trời đã sắp đặt các chi thể của thân chúng ta, ban cho mỗi một chi thể cái địa vị theo ý Ngài lấy làm tốt mà chỉ định” (câu 18).

Câu hỏi suy ngẫm: Trách nhiệm và giới hạn của mỗi chi thể trong thân thể là gì? Điều này áp dụng thể nào trong sinh hoạt của Cơ Đốc nhân trong Hội Thánh?

Sứ đồ Phao-lô ví Hội Thánh như một thân có nhiều chi thể. Và dù các chi thể khác nhau thì không thể phủ nhận chúng không thuộc về thân thể. Cũng vậy, sự khác nhau của con cái Chúa trong Hội Thánh không thể là lý do để loại trừ nhau. Trong Hội Thánh chúng ta thường thấy một số người làm các công tác đặc biệt khác nhau. Một số con cái Chúa thường viện lý do mình không phải là mục sư, hay thành viên trong Ban Chấp Hành để thoái thác những công tác phục vụ. Một mục sư nói Hội Thánh của ông gồm toàn những tín hữu sẵn lòng: 20% người sẵn lòng phục vụ người khác, và 80% người sẵn lòng để người khác phục vụ họ! Thông thường, Hội Thánh gặp khó khăn khi có nhiều người không sẵn sàng làm phần việc của họ, cũng như có những người không muốn người khác làm phần việc của họ. Chúng ta cần nhận biết ơn Đức Chúa Trời đã ban cho mình để nhận lãnh một trách nhiệm trong Hội Thánh. Mỗi tín hữu phải làm một việc gì trong Hội Thánh hơn là chỉ đến nhà thờ để thờ phượng Chúa mà thôi, trong khi Hội Thánh có nhiều nhu cầu cho sự sống của Hội Thánh.

Cơ Đốc nhân phải nhận lãnh trách nhiệm của mình trong Hội Thánh, và chúng ta cũng phải chấp nhận giới hạn của mình. “Ví bằng cả thân đều là mắt, thì sự nghe ở đâu? Nếu cả thân đều là tai, thì sự ngửi ở đâu? (câu 17). Đức Chúa Trời không có ý định và cũng không trang bị cho một ít người làm hết mọi việc trong nhà Ngài. Là những thành viên trong Hội Thánh, chúng ta có thể ví mình như những miếng ghép nhỏ trong một bức tranh ghép lớn. Mỗi miếng ghép có các cạnh lồi lõm khác nhau, nhờ đó, chúng bổ túc lẫn nhau trong vị trí của nó để tạo thành một bức tranh ghép đẹp và ý nghĩa. Mỗi miếng ghép của bức tranh ghép đều quan trọng và cần thiết. Khi tấm tranh ghép thiếu một miếng ghép, nó không còn là một bức tranh toàn hảo. Cũng vậy, mỗi Cơ Đốc nhân trong Hội Thánh đều quan trọng và cần thiết. Như mỗi miếng ghép phải được đặt đúng vị trí, gắn chính xác vào những miếng ghép khác để tạo nên bức tranh đầy đủ, thì sự quan trọng của mỗi tín hữu trong Hội Thánh cũng như thế.

Một trong những lý do làm suy yếu và ngăn trở sự tăng trưởng của Hội Thánh là người lãnh đạo không tạo cơ hội cho tín hữu tham gia phục vụ; và người phục vụ không biết những giới hạn của mình để tiếp nhận người khác tham gia vào lãnh vực họ có khả năng.

Bạn có viện dẫn lý do gì để thoái thác phục vụ Hội Thánh hay ngăn trở người có khả năng phục vụ không?

Lạy Chúa, xin con nhận biết ân tứ Chúa ban cho con, đồng thời cũng nhận biết giới hạn của con để sẵn sàng nhận lãnh trách nhiệm Chúa giao cho con trong Hội Thánh.

 

Đọc Kinh Thánh trong ba năm: Ê-sai 30.

Phòng Truyền Thông phối hợp UB. Cơ Đốc Giáo Dục thực hiện.

Mọi ý kiến đóng góp xây dựng, xin quí vị vui lòng gởi về địa chỉ: radio@httlvn.org

Bài trướcLẽ Thật, Ngôi Lời, Kinh Thánh –Tại Sao Quyển Sách Này có Nhiều Tên Như Thế?
Bài tiếp theo3 nguyên tắc nuôi dạy con cái thành công