Thực Hành Sự Hiệp Một Cơ Đốc – Phần 2 – 8/6/2022

3355

 

 

Phi-líp 2:3-4

“Mỗi một người trong anh em chớ chăm về lợi riêng mình, nhưng phải chăm về lợi kẻ khác nữa” (câu 4).

Câu hỏi suy ngẫm: Để thực hành sự hiệp một, Sứ đồ Phao-lô tiếp tục đưa ra những lời dạy nào? Vì sao đây là những điều thiết yếu trong tất cả các mối quan hệ? Bạn đã thực hành những đức tính này như thế nào?

Về phương diện tích cực, để gây dựng sự hiệp một, mỗi người “hãy khiêm nhường”. Vào thời bấy giờ, tính từ “thấp kém, nhún nhường, khiêm tốn” chỉ dùng cho nô lệ trong ý nghĩa coi thường. Người ta không tìm thấy từ “khiêm nhường” trong văn chương Hy Lạp ngoài Kinh Thánh trước thế kỷ thứ hai. Do đó có thể nói từ “khiêm nhường” có nguồn gốc từ Tân Ước, nói đến khía cạnh tích cực của phẩm hạnh Cơ Đốc và là phản nghĩa với kiêu ngạo.

Sứ đồ Phao-lô giải thích người khiêm nhường là người “coi người khác như tôn trọng hơn mình”, nghĩa là coi người khác như “tốt hơn” mình. Chúng ta thường kiêu ngạo và tự lừa dối về sự tốt lành của mình nhưng khi một người thành thật với chính mình và đối diện với ân sủng của Chúa, sẽ nhận ra mình thật sự xấu xa và kinh tởm. Nhận thức sự xấu xa, tội lỗi trong con người của mình sẽ đánh đổ mọi sự kiêu ngạo, xem mình hơn người khác. Bên cạnh đó, “coi người khác như tôn trọng hơn mình” còn là coi người khác như “quan trọng hơn” mình, nghĩa là đặt những nhu cầu của người khác quan trọng và ưu tiên hơn của mình. Kinh Thánh dạy khiêm nhường là điều thiết yếu trong các mối quan hệ (I Phi-e-rơ 5:5; Rô-ma 12:16). Sự hiệp một không thể nào có được nếu không có sự khiêm nhường.

Lời khuyên tiếp theo là “chớ chăm về lợi riêng mình, nhưng phải chăm về lợi kẻ khác nữa”. Dịch sát nghĩa trong nguyên bản là “chớ CHỈ chăm về lợi riêng mình”. Chăm lo nhu cầu bản thân không sai vì một người không biết yêu thương và chăm sóc mình cũng sẽ không biết yêu thương và chăm sóc người khác đúng cách. Thái độ cần tránh ở đây là “chỉ” có nhu cầu và quyền lợi của mình là quan trọng, đáng quan tâm và “chăm” để đáp ứng. Những vấn đề xung đột trong Hội Thánh sẽ lập tức nảy sinh khi nhiều người tìm kiếm, đề cao quyền lợi của chính mình. Cẩn thận vì chữ “mình” có thể núp bóng dưới danh nghĩa hết sức thuộc linh: Hội Thánh mình, ban hát của mình, v.v… Thay vào đó, hãy xem việc đáp ứng nhu cầu của người khác là ưu tiên, là trách nhiệm của chính mình (Ma-thi-ơ 14:15-16). Có bao giờ chúng ta tự hỏi Chúa cho chúng ta có cơ hội học hành, có sự hiểu biết, có tiền bạc, vị trí trong xã hội để làm gì? Để hưởng thụ chăng? Hay để kiêu ngạo với đời? Không! Khác với thế gian, Chúa ban cho chúng ta nhiều điều tốt đẹp để chúng ta phục vụ Chúa và anh em mình nhiều hơn, tốt hơn, và hiệu quả hơn. Đó chính là nguyên tắc sống để đem lại sự hiệp một trong Hội Thánh.

Bạn có đặt lợi ích của người khác hơn lợi ích của mình không?

Lạy Chúa, xin giúp con sống cuộc đời yêu thương và luôn luôn tận dụng những khả năng và cơ hội Chúa ban cho con để chia sẻ, nâng đỡ, và gây dựng anh chị em con.

 

Đọc Kinh Thánh trong ba năm: Thi Thiên 64:1-65:13

Kênh Youtube BHKTHN:

https://www.youtube.com/c/bhkthn

Bài trướcNgă Bruă Klei Jing Sa Hlăm Krist – Kdrêč 2 – 8/6/2022
Bài tiếp theoKiên Giang: Hiệp Nguyện Giáo Phẩm Tháng 06/2022