Thứ Sáu Tuần Lễ Thánh – 10/4/2020 

4727

 

Mác 15:33-37

“Đến giờ thứ chín, Đức Chúa Giê-xu kêu lớn tiếng rằng: Ê-lô-i, Ê-lô-i, lam-ma-sa-bách-ta-ni? nghĩa là: Đức Chúa Trời tôi ơi, Đức Chúa Trời tôi ơi, sao Ngài lìa bỏ tôi?” (câu 34).

Câu hỏi suy ngẫm: Hiện tượng thiên nhiên nào xảy ra khi Chúa Giê-xu bị đóng đinh? Chúa Giê-xu đã kêu lên điều gì? Sự kiện Chúa kêu một tiếng lớn rồi trút linh hồn cho chúng ta biết gì về sự chết của Chúa Giê-xu và sự cứu rỗi?

Sự kiện đóng đinh không có gì lạ với dân Do Thái, nhưng khi Chúa Giê-xu bị treo trên thập tự giá thì đó là giờ phút đen tối của cả dòng lịch sử nhân loại khiến “Khắp đất đều tối tăm mù mịt.” Đây không phải là do mây đen che phủ, vì lúc bấy giờ là từ 12 giờ trưa đến 3 giờ chiều; hay nhật thực vì Lễ Vượt Qua là vào lúc trăng tròn, nhật thực không bao giờ xảy ra. Nhiều lần Cựu Ước liên kết sự tối tăm với sự phán xét (Giô-ên 2:2; A-mốt 8:9; Mi-chê 3:6; Sô-phô-ni 1:15). Tại thời điểm Chúa bị đóng đinh, chúng ta nhìn thấy sự đoán xét của Đức Chúa Trời trên tội lỗi – Đấng vô tội, Đấng Mê-si-a, Con Đức Chúa Trời đã chịu chết thay thế chỗ của tội nhân Ba-ra-ba. Không chỉ vậy, Chúa cũng chết thay cho Phi-lát và các lãnh đạo tôn giáo là những người đã lạm dụng uy quyền để giết Ngài, và cũng chết thay cho nhân loại đang ở dưới quyền lực của tội lỗi – cho chính chúng ta.

Trong giờ phút thống khổ khi mang lấy tội lỗi của nhân loại, Chúa Giê-xu đã bật ra tiếng kêu: “Đức Chúa Trời tôi ơi, Đức Chúa Trời tôi ơi, sao Ngài lìa bỏ tôi?” (câu 34). Mối liên hệ yêu thương giữa Ba Ngôi Đức Chúa Trời là điều quan trọng nhất với Chúa Giê-xu, vì thế Chúa Giê-xu đau đớn vì sự lìa bỏ của Đức Chúa Trời. Nếu Chúa Giê-xu không gánh lấy sự đau thương này thì nhân loại vẫn còn tiếp tục xa cách Đức Chúa Trời và ở dưới cơn giận của Ngài. Chính sự chết của Chúa Giê-xu đã giúp chúng ta trở lại hòa thuận với Đức Chúa Trời (Rô-ma 5:1, 9-10). Chỉ khi nhận ra mối tương giao với Đức Chúa Trời là điều quý nhất thì chúng ta mới có thể trọn thành bước đi với Chúa, tránh xa tội lỗi (Phi-líp 3:7-11; Thi Thiên 27:4).

Các tử tội bị treo trên thập tự giá sẽ phải trải qua những giờ phút đau đớn kinh khủng vì sức nặng của cơ thể dồn xuống, tạo sức ép lên ngực khiến họ không thể thở được. Nhưng tại đây, “Đức Chúa Giê-xu kêu một tiếng lớn, rồi trút linh hồn” (câu 37). Điều đó chứng tỏ Chúa chết khi Ngài vẫn còn sức lực và tỉnh táo. Không một ai, và cũng không có bất cứ điều gì có thể tước đi sự sống của Chúa, nhưng Ngài chọn lựa và quyết định “phó sự sống” mình cho nhân loại. Sự cứu rỗi ban cho con người qua sự chết của Chúa Giê-xu là sự chọn lựa tự nguyện của Đức Chúa Trời, và Ngài đã tể trị chương trình cứu rỗi này từ đầu đến cuối.

Đối với Chúa Giê-xu, mối tương giao với Cha là điều quý nhất, còn bạn, điều gì là quý giá nhất?

Lạy Chúa Giê-xu, vì sao Ngài lại chịu chết vì con. Tình yêu Ngài thật lớn lao để bao phủ mọi gian ác của đời sống con. Tạ ơn Chúa vì tình yêu hy sinh của Ngài cho con.

 

Đọc Kinh Thánh trong ba năm: Ê-xê-chi-ên 42.

Phòng Truyền Thông phối hợp UB. Cơ Đốc Giáo Dục thực hiện.

Mọi ý kiến đóng góp xây dựng, xin quí vị vui lòng gởi về địa chỉ: radio@httlvn.org

Bài trướcThư Gửi Bạn Trẻ: Làm Gì Mùa Dịch Này?
Bài tiếp theoCác Hội Thánh Tin Lành Tỉnh Bình Thuận Chung Tay Phòng, Chống Dịch Covid-19