Tại Sao? – 28/8/2018

3617

 

Xuất Ê-díp-tô Ký 5:19-23       

19 Vậy, các phái viên của dân Y-sơ-ra-ên lấy làm bối rối, vì người ta có nói cùng mình rằng: Các ngươi chẳng được trừ số gạch đã định cho mình ngày nào rồi ngày nấy. 20 Khi lui ra khỏi Pha-ra-ôn thì họ gặp Môi-se và A-rôn đợi tại đó, 21 bèn nói rằng: Hai ngươi đã làm cho chúng tôi ra mùi hôi hám trước mặt Pha-ra-ôn và quần thần, mà trao thanh gươm vào tay họ đặng giết chúng tôi. Cầu xin Đức Giê-hô-va xem xét và xử đoán hai ngươi! 22 Môi-se bèn trở về cùng Đức Giê-hô-va mà thưa rằng: Lạy Chúa! sao Chúa đã làm hại cho dân sự nầy? Chúa sai tôi đến mà chi? 23 Từ khi tôi đi yết kiến Pha-ra-ôn đặng nhân danh Chúa mà nói, thì người lại ngược đãi dân nầy, và Chúa chẳng giải cứu dân của Chúa. 

Câu gốc: “Lạy Chúa! Sao Chúa đã làm hại cho dân sự này? Chúa sai tôi đến mà chi?” (câu 22b).

Câu hỏi suy ngẫm: Các đại diện dân Chúa và hai ông Môi-se, A-rôn có phản ứng thế nào trước phán quyết của Pha-ra-ôn? Bạn phản ứng ra sao khi vâng lời Chúa nhưng kết quả có vẻ xấu hơn? Trong trường hợp này, các câu Kinh Thánh nào giúp bạn vững tin nơi kế hoạch tốt đẹp của Chúa?

Các đại diện của dân Chúa vô cùng bối rối trước phán quyết của vua, người Y-sơ-ra-ên vẫn không được miễn giảm số gạch đã định phải nộp trong ngày. Khi họ ra khỏi hoàng cung thì gặp ông Môi-se và ông A-rôn đang đợi, họ liền đổ giận trên hai ông, cho hai ông là nguyên nhân làm cho họ trở nên ghê tởm trước Pha-ra-ôn, và đẩy họ vào sự chết. Họ cầu xin Đức Giê-hô-va xem xét và xử đoán hai ông (câu 21). Lời cầu nguyện của họ mang ý tưởng luận tội, nguyền rủa, và xin Chúa xử phạt hai ông.

Lòng ông Môi-se và ông A-rôn như lửa đốt trước phán quyết của vua. Họ quan tâm theo dõi, chờ gặp các đại diện của dân Chúa để biết tin tức mới liên quan đến dân Chúa. Khi bị các đại diện trách mắng, họ đã yên lặng, nhịn chịu mà không đáp trả một lời. Ông Môi-se trở về nhà, cầu nguyện và thắc mắc cùng Đức Giê-hô-va (câu 22-23). Dù lời cầu nguyện của ông Môi-se thể hiện sự tôn kính Chúa, nhưng ông vẫn có ý đổ lỗi và oán trách Chúa không giải cứu dân Ngài. Vậy tại sao Chúa sai con đến đây làm chi?

Tức giận, đổ lỗi, nguyền rủa, và oán trách người khác, thậm chí đổ lỗi và oán trách Chúa, là bản chất của con người sa ngã. Chúng ta cũng lắm lúc phản ứng như vậy vì không tự chủ, thiếu đức tin, và kém khôn ngoan khi nhìn nhận và giải quyết vấn đề. Bài học này cho chúng ta thấy rằng: Khi chúng ta tin cậy và vâng lời Chúa, những khó khăn, đau khổ có thể vẫn còn đó, hoặc thậm chí đôi lúc có vẻ tồi tệ hơn. Hoạn nạn và thử thách có thể là cơ hội để chúng ta rèn luyện tính kiên nhẫn và trở nên trưởng thành hơn (Gia-cơ 1:2-3). Sự trưởng thành trong Chúa được thể hiện rõ nhất trong lời nói và hành động của chúng ta khi ở trong hoàn cảnh khó khăn. Cơ Đốc nhân phải nhớ rằng: Chúa tể trị mọi hoàn cảnh nhưng ý tưởng và đường lối của Ngài khác với chúng ta (Ê-sai 55:8-9). Chúa không để chúng ta mồ côi. Ngài sẽ giải cứu chúng ta đúng thời điểm (Giăng 14:18). Ý tưởng của Chúa dành cho chúng ta là bình an (Giê-rê-mi 29:11). Mọi sự hiệp lại làm ích cho người yêu mến Ngài (Rô-ma 8:28). Chúng ta cần tỉnh táo, nương trên Lời Chúa để nhận ra chương trình của Chúa dành cho mình và cậy ơn Chúa làm sáng danh Ngài trong hoàn cảnh hiện tại của mình.

Bạn có thường thắc mắc “tại sao, tại sao” với Chúa khi gặp hoàn cảnh khó khăn không?

Lạy Chúa, xin tha tội cho con vì con thiếu đức tin nơi Ngài. Xin giúp con không đổ lỗi cho người khác hay lằm bằm với Chúa khi hoàn cảnh không thuận lợi. Xin Lời Chúa giúp con vững tin nơi chương trình tốt đẹp của Ngài dành cho con.

 

Đọc Kinh Thánh trong ba năm: Phục Truyền Luật Lệ Ký 32.

Phòng Truyền Thông phối hợp UB. Cơ Đốc Giáo Dục thực hiện.

Mọi ý kiến đóng góp xây dựng, xin quí vị vui lòng gởi về địa chỉ: radio@httlvn.org

Bài trướcChi Hội Tân Túc Vững Tiến Trong Chúa
Bài tiếp theoKhởi Công Xây Dựng “Tiền Đồn” Của Đức Chúa Trời Nơi Vùng Biển Thạnh Phú, Bến Tre