I Cô-rinh-tô 2:6-9
6 Dầu vậy, chúng tôi giảng sự khôn ngoan cho những kẻ trọn vẹn, song chẳng phải sự khôn ngoan thuộc về đời nầy, cũng không phải của các người cai quản đời nầy, là kẻ sẽ bị hư mất. 7 Chúng tôi giảng sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời, là sự mầu nhiệm kín giấu, mà từ trước các đời, Đức Chúa Trời đã định sẵn cho sự vinh hiển chúng ta. 8 Trong những người cai quản đời nầy chẳng ai từng biết sự đó; bởi chưng, nếu đã biết thì họ chẳng đóng đinh Chúa vinh hiển trên cây thập tự đâu. 9 Song le, như có chép rằng:
Ấy là sự mắt chưa thấy, tai chưa nghe,
Và lòng người chưa nghĩ đến,
Nhưng Đức Chúa Trời đã sắm sẵn điều ấy cho những người yêu mến Ngài.
Câu gốc: “Đấng Christ là quyền phép của Đức Chúa Trời và sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời” (I Cô-rinh-tô 1:24b).
Câu hỏi suy ngẫm: Sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời và sự khôn ngoan thuộc về đời này khác nhau thế nào? Tại sao Sứ đồ Phao-lô không giảng về sự khôn ngoan đời này cũng như không giảng về sự khôn ngoan của các người cai quản đời này? Sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời đem đến cho con người những gì?
Mặc dù sứ điệp Phúc Âm mà Sứ đồ Phao-lô rao giảng bị nhiều người chối từ, thậm chí đánh giá sai lệch, song ông vẫn mạnh mẽ, tin tưởng điều ông rao giảng bày tỏ sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời (câu 7). Sự khôn ngoan của đời này chỉ đưa con người đến sự kiêu căng (I Cô-rinh-tô 8:1) và sự hư mất (I Cô-rinh-tô 2:6b). Nhưng sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời đem đến cho con người sự giải cứu cả thể xác lẫn tâm linh. Sứ đồ Phao-lô khẳng định ông không giảng sự khôn ngoan thuộc về đời này, và cũng không giảng sự khôn ngoan của những người cai quản đời này. Họ là những nhà cai trị trên thế giới, tức các nhà lãnh đạo Do Thái giáo và chính quyền đế quốc La Mã thời bấy giờ, là những người tuyên án xử tử Chúa Giê-xu. Họ có sự khôn ngoan thuộc về đời này nhưng không nhận biết sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời, vì nếu biết thì họ đã không đóng đinh Chúa vinh hiển trên cây thập tự (câu 8). Chính lẽ đó, Sứ đồ Phao-lô cho biết rằng những người cai trị và cả sự khôn ngoan của họ đều sẽ qua đi.
Tuy nhiên, sự khôn ngoan về thập tự giá sẽ đem đến cho người tin sự cứu rỗi. Chương trình cứu rỗi mà Đức Chúa Giê-xu Christ thực hiện đã bày tỏ quyền phép và sự khôn ngoan tuyệt vời của Đức Chúa Trời (I Cô-rinh-tô 1:24). Vì chỉ duy nhất trong chương trình ấy thỏa đáp được hai đức tính công bình và yêu thương của Ngài. Đức Chúa Trời Công Bình cho nên Ngài phải hình phạt tội lỗi. Và như thế thì có sự mâu thuẫn với tình yêu thương mà Ngài dành cho tạo vật. Tuy nhiên, thông qua chương trình cứu rỗi được Đức Chúa Giê-xu Christ thực hiện đã giúp nhân loại kinh nghiệm được tình yêu của Đức Chúa Trời dành cho. Và cũng chính qua sự chết của Chúa Giê-xu – giá trả cho tội lỗi mà nhân loại đã phạm – thì bản tính công bình của Đức Chúa Trời được thỏa đáp.
Con người mong muốn hiểu lẽ thật của Đức Chúa Trời – Đấng Sáng Tạo, bằng sự khôn ngoan hạn hẹp của con người – tạo vật của Ngài, điều đó không bao giờ thực hiện được. Nếu con người còn cậy vào sự khôn ngoan của mình để mong nhận biết những điều cao sâu, mầu nhiệm của Chúa thì chắc chắn một điều là con người sẽ phải đón nhận sự hư mất trong sự thiếu hiểu biết của chính mình.
Bạn đã kinh nghiệm sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời như thế nào?
Cầu nguyện: Kính lạy Đức Chúa Trời! Con chúc tụng Chúa về quyền phép và sự khôn ngoan của Ngài đã bày tỏ qua chương trình cứu rỗi để con tin nhận và được kinh nghiệm ân điển từ Ngài ban cho.
Đọc Kinh Thánh trong ba năm: Gióp 23.
Phòng Truyền Thông phối hợp UB. Cơ Đốc Giáo Dục thực hiện