Sáu Cách Chúa Hành Động Trong Bạn –Tại Nơi Làm Việc

2816

Bạn đang có mặt tại công sở để làm việc lúc này, nhưng bạn có cảm giác Chúa không hiện diện nơi đây. Dường như Ngài đang ở quá xa và không thể bên cạnh bạn cả ngày. Có những cám dỗ xung quanh, và cả những cơ hội để luồng lách trong công việc. Không có bất cứ ai quan tâm đến việc dùng trí tuệ của mình để hầu việc Chúa. Các cuộc thảo luận trong công việc thì quá đỗi nhàm chán. Tuy nhiên, khi bạn tin rằng Đức Chúa Trời có quyền tối cao trên tất cả mọi thứ, thì điều đó cũng đồng nghĩa rằng Ngài có thẩm quyền đặt bạn vào công việc này ngay từ ban đầu.

Bạn trở nên hoang mang về bản thân mình và tự hỏi liệu điều này có xảy đến với những doanh nhân Cơ Đốc, là những người luôn mang tâm thế được phục vụ Đức Chúa Trời một cách vui thỏa ngay cả trong các cuộc họp và công việc cá nhân của họ. Còn bạn thì đang ở chỗ làm việc của mình, một nơi mà bạn có cảm giác không có sự hiện diện của Ngài.

Trên thực tế, công sở nơi bạn làm việc không chỉ là nơi mà Chúa hành động qua con người của bạn, mà thực ra nơi Chúa hành động chính là bên trong con người của bạn, ấy là khiến bạn trở nên phù hợp với hình ảnh của Đấng Christ. Bạn có cảm giác Ngài đang ở cách xa bạn, nhưng thực ra không phải vậy. Ngài đang dùng những khó khăn và áp lực trong công việc của bạn để nhắm bạn vào ít nhất sáu lĩnh vực sau đây:

  1. Chúa đang dùng nơi bạn làm việc để nhắm vào đức tin của bạn.

Không có khoảnh khắc nào là vô nghĩa khi cuộc sống được soi rọi dưới ánh sáng vinh quang của Đức Chúa Trời. Ngài tạo dựng chúng ta là để sống vì danh Chúa và vì sự vinh hiển của Ngài. Đó là mục đích sống lớn hơn hết của chúng ta. Bất cứ điều gì chúng ta làm, hãy vì sự vinh hiển của Ngài mà làm (I Cô-rinh-tô 10:31). Chúng ta làm việc không chỉ vì niềm vui, giải trí, để cải thiện bản thân hoặc tìm kiếm tư lợi. Chúng ta làm việc là làm cho Chúa và sự vinh hiển cả thể của Ngài, vì thế chúng ta phải tôn vinh Ngài trong tất cả những công việc chúng ta làm.

Điều này không chỉ dành cho việc đơn ca tôn vinh Chúa vào sáng Chúa Nhật hoặc khi chúng ta nâng cao chiếc cúp thể thao danh giá. Chúng ta phải tôn vinh Ngài trong tất mọi điều, thậm chí cả những khoảnh khắc trần tục và khó khăn nhất của cuộc sống. Các bậc thánh nhân vĩ đại của Kinh thánh đã làm được điều này. Họ ca ngợi Chúa khi bị đắm tàu trên biển, khi đang ở trong lao tù hoặc lúc đang chăn chiên ngoài đồng! Sự vinh hiển của Đức Chúa Trời thúc đẩy chúng ta làm những điều lớn lao ấy và nó nhắc nhở chúng ta về phần thưởng cuối cùng của mình. Đúng vậy, những khó khăn thử thách trong cuộc sống của chúng ta quả thật không dễ chịu chút nào, nhưng sự tuyệt vời của phần thưởng Chúa dành cho chúng ta sẽ khiến cho những khó khăn ấy trở nên nhẹ nhàng và thoáng qua (II Cô-rinh-tô 4:17). Sự phản chiếu vinh quang của Đức Chúa Trời sẽ biến đổi mọi khía cạnh cuộc sống của chúng ta tại nơi công sở.

  1. Chúa đang dùng nơi bạn làm việc để nhắm vào tấm lòng của bạn.

Sứ đồ Phao-lô đã bị trói buộc và cảm hóa bởi tình yêu của Đấng Christ. Tình yêu thương của Ngài đã thúc đẩy ông làm nên những điều vĩ đại. Cũng vậy, hãy để tình yêu của Đấng Christ cảm hóa chúng ta. Sự biến đổi Phúc Âm sẽ bắt đầu từ bên trong những phần sâu thẳm nhất của tâm hồn chúng ta và hành động ra bên ngoài.

Khi chúng ta mệt mỏi trong công việc. Khi chúng ta bị ngã gục và không được khích lệ. Khi chúng ta bị cám dỗ để buông bỏ tất cả. Khi chúng ta chểnh mảng trong công việc vì cách đối xử thiếu tôn trọng của người chủ, thì đây là lúc chúng ta được nhắc nhớ rằng: “Hễ làm việc gì, hãy hết lòng mà làm, như làm cho Chúa, chớ không phải làm cho người ta.” (Cô-lô-se 3:23). Bạn hãy nhớ rằng, chúng ta hoàn thành công việc được giao không phải vì những người xung quanh chúng ta, mà là vì sự vinh hiển của Cha trên trời của chúng ta. Nếu bạn mệt mỏi vì những điều khó nhọc trong công việc, hãy nhìn xem Ngài là “Đấng vì sự vui mừng đã đặt trước mặt mình, chịu lấy thập tự giá, khinh điều sỉ nhục…” (Hê-bơ-rơ 12: 2)

  1. Chúa đang dùng nơi bạn làm việc để nhắm vào đôi bàn tay của bạn.

Bàn tay của chúng ta là công cụ cho tấm lòng chúng ta. Chúng thể hiện ra bên ngoài những giá trị chúng ta tin ở bên trong. Công việc của chúng ta phải bày tỏ ra rằng chúng ta có một sự kêu gọi cao hơn. Chúng ta phải chứng minh rằng có một điều cao quý thúc đẩy chúng ta hơn cả những sự thưởng tặng mà thế gian mang đến. Đó là danh Đức Chúa Trời phải được tôn vinh qua chất lượng công việc của chúng ta. Dorothy Sayers đã từng nói: “Tôi dám hứa rằng, chưa bao giờ có một chân bàn cong vẹo hoặc ngăn kéo không vừa vặn được xuất ra khỏi xưởng mộc ở Na-xa-rét.”

Công việc của chúng ta là của lễ dâng lên cho Đức Chúa Trời (Rô-ma 12:1). Nếu công việc được thực hiện chỉ để được thăng tiến, được công nhận hay vì thu nhập, chúng ta sẽ dễ nản lòng và thất vọng. Đức Chúa Trời xứng đáng để chúng ta nỗ lực làm những việc lớn lao mỗi ngày như một hành động thờ phượng và ngợi khen Ngài. Hãy loại bỏ những phiền nhiễu và trở ngại xung quanh, hãy tập chú vào Chúa và làm việc một cách chất lượng vì duy chỉ có Đức Chúa Trời mới có thể ban thưởng cho chúng ta cách xứng đáng.

  1. Chúa đang dùng nơi bạn làm việc để nhắm vào tình yêu của bạn.

Đó không chỉ là những gì chúng ta làm mà còn là thái độ khi chúng ta thực hiện. Công việc của bạn và thái độ của bạn trong công việc sẽ ảnh hưởng đến người khác. Có một số người tạo ra những sản phẩm tuyệt vời, nhưng trong quá trình thực hiện họ đã tranh cạnh hơn thua với những người khác. Chúng ta làm việc là vì sự vinh hiển của Đức Chúa Trời nên phải có thái độ xứng hiệp với những người xung quanh. Chúng ta phục vụ người khác không những bằng những sản phẩm do chúng ta tạo ra mà bằng thái độ làm việc của chúng ta. Công việc của chúng ta phải được ban ơn và đầy dẫy bởi bông trái của Thánh Linh, ấy là: “tình yêu thương, sự vui mừng, bình an, nhịn nhục, nhân từ, hiền lành, trung tín, mềm mại, tiết độ” (Ga-la-ti 5:22 –23).

Hãy tưởng tượng điều thú vị và khác biệt như thế nào nếu như nơi làm việc khô cằn của bạn có những bông trái của Thánh Linh được biểu lộ. Vâng, điều này sẽ bắt đầu với chính bạn. Trước hết hãy cầu nguyện và tiếp theo là hãy đáp ứng điều đó. Nếu bạn nghĩ rằng công việc của mình không đáng để tạo ra sự khác biệt, thì hãy học đòi cách người chủ tốt bụng và có lòng thương xót đã đối xử với người góa bụa nghèo và những người làm công như thế nào khi họ đi mót lúa trên cánh đồng của ông (Ru-tơ 2: 3–13).

  1. Chúa đang dùng nơi bạn làm việc để nhắm vào tâm trí của bạn.

Nếu những điều này là đúng về công việc của bạn và những gì bạn làm hàng ngày, thì sự thay đổi cần thiết nhất không phải là thay đổi môi trường khác mà là thay đổi thái độ chúng ta nghĩ về nó. Chúng ta phải cầu nguyện để được Chúa biến hóa bởi sự đổi mới tâm trí chúng ta (Rô-ma 12:2). Một trong những thách thức lớn nhất mà chúng ta đối mặt đó là chúng ta mặc định cách suy nghĩ cho rằng đúng với những điều chúng ta thấy trước mắt. Khi chúng ta nghĩ rằng Đức Chúa Trời không hiện diện tại nơi chúng ta đang làm việc hoặc chúng ta không mấy thích thú với công việc này, thì chúng ta đã hoàn toàn xuôi theo quan điểm của chủ nghĩa tự nhiên chứ không phải theo quan điểm Kinh thánh.

  1. Chúa đang dùng nơi bạn làm việc để nhắm vào sự làm chứng của bạn.

Phúc âm cảm động chúng ta tại một nơi cụ thể nào đó để tạo sự ảnh hưởng (II Cô-rinh-tô 10: 13–16). Có lẽ lý do bạn được làm việc tại một nơi cùng với những người có ít sự quan tâm về Chúa, về sản phẩm mình làm ra hoặc về thái độ làm việc là bởi vì đây là những người luôn phải chiến đấu để tìm động lực và định hướng cho thái độ làm việc của mình. Lý do mà những người này có quá nhiều áp lực trong công việc là bởi vì họ không có gì khác ngoài công việc để đặt niềm tin vào. Và do đó, mục đích của bạn tại những nơi này không phải để trở thành một chiếc nhiệt kế để phản ánh lên những tình trạng đó, mà là một bộ ổn nhiệt để điều hòa sự ổn định của những tình trạng này.

Bạn đang sở hữu một thông điệp tuyệt vời để chia sẻ với những đồng nghiệp xung quanh, và thông điệp này có thể giúp họ tạo ra động lực tốt nhất cho công việc và cuộc sống của mình. Nếu bạn cần sự giúp đỡ để được trải nghiệm nhiều hơn về những gì Đức Chúa Trời đã kêu gọi bạn trong công việc, thì hãy chia sẻ điều đó với đồng nghiệp của bạn – hãy cho họ biết bạn đã tìm thấy những điều Chúa dạy trong Kinh thánh và bạn cần được giúp đỡ để có được những trải nghiệm này. Hãy nhờ những đồng nghiệp xung quanh giúp đỡ và mời họ tham gia vào hành trình của bạn với mục đích là để cùng nhau trở thành những nhân viên và đồng nghiệp tốt. Họ có thể từ chối lời mời ấy, nhưng chắc chắn họ sẽ đánh giá cao mong muốn đáng quý của bạn là để cải thiện bản thân và nơi làm việc trở nên tốt đẹp hơn. Và đây cũng là cách sâu sắc hơn hết mà bạn nhìn thấy Chúa đang hành động.

Hãy nhớ rằng công việc Chúa thực thi trên đời sống của bạn vào sáng Thứ Hai cũng như sáng Chúa Nhật thảy điều nhiều như nhau. Có một số người trong chúng ta làm những công việc thầm lặng mà rất ít người biết đến hoặc được đánh giá cao. Có ai từng ngẫm nghĩ về việc tốn bao nhiêu công sức để hoàn thành một cái bánh pizza, để thiết kế một phần mềm, hoặc để vận chuyển hàng hóa. Theo cách tương tự, Chúa luôn đồng công với chúng ta trong tất cả những khía cạnh của cuộc sống, và đôi khi chúng ta không nhìn thấy cho đến khi chúng ta thực sự được thúc giục và suy ngẫm về điều đó. Khi làm việc, chúng ta phải biết rằng Đức Chúa Trời đang đứng phía sau xem xét tất cả những công việc chúng ta làm, động cơ của chúng ta, thái độ của chúng ta, và nơi làm việc của chúng ta. Việc nhận biết chân lý này sẽ biến đổi những trải nghiệm của bạn – tại nơi làm việc!

Người dịch: Thanh Trang
Nguồn: desiringgod.org

Bài trướcLễ Cảm Tạ – Bồi Linh Năm 2020 Tại Hội Thánh Tin Lành Phong Điền TP. Cần Thơ
Bài tiếp theoPhục Hồi – 10/11/2020