BA CÁCH ĐỐI PHÓ VỚI CẢM GIÁC BỊ CHỐI BỎ

2103

 

BA CÁCH ĐỐI PHÓ VỚI CẢM GIÁC BỊ CHỐI BỎ

Debbie Ryan

Chúng ta hầu hết đều trải qua tổn thương khi bị chối bỏ — từ cơ hội, các mối quan hệ đến những người chúng ta yêu thương — nhưng chúng ta có niềm hy vọng, bởi chính sự bị chối bỏ, khổ nhục Chúa Giê-xu đã gánh chịu và tình yêu bền vững của Ngài có thể biến những tổn thương của chúng ta thành sự chữa lành, mục đích sống và sức mạnh tinh thần mạnh mẽ hơn.
Thỉnh thoảng ký ức thuở xưa trong tôi lại tái hiện. Khi đó tôi học lớp Hai, và chơi ngoài sân với hai người bạn thân. Ba đứa đứng thành vòng tròn và quyết định chơi trò chỉ ra ai là bạn thân nhất của mình. Lauren chỉ vào Becca, và Becca chỉ vào Lauren. Tôi không nhớ mình đã chỉ ai, nhưng lúc đó tôi không thấy ai chỉ mình hết. Dù chuyện đó đã xảy ra rất lâu, và là một việc rất bình thường, nhưng nó đã khiến tôi bị tổn thương.
Sự chối bỏ, dầu ở dưới bất kỳ hình thức nào, đều gây nên sự tổn thương. Sự chối bỏ khiến não bộ cảm nhận đau đớn thể xác. Theo nghiên cứu của Thư viện Y học Quốc gia Hoa Kỳ, các hệ thống não gắn liền với sự chối bỏ đều có chung những mạch thần kinh truyền đi cảm giác đau đớn của thể xác. Các nhà nghiên cứu cho biết: Kết quả này đem đến một ý nghĩa mới cho ý niệm “sự chối bỏ gây đau đớn.”
Thế nhưng, chúng ta biết rằng cảm giác bị chối bỏ là điều không tránh khỏi trong cuộc sống — kể cả với Chúa Giê-xu. Ê-sai 53:3 có chép rằng, “Người đã bị người ta khinh dể và chán bỏ, từng trải sự buồn bực, biết sự đau ốm, bị khinh như kẻ mà người ta che mặt chẳng thèm xem; chúng ta cũng chẳng coi người ra gì.”
Vậy chúng ta cần làm gì với nỗi đau bị chối bỏ?

Bị Khước Từ Mọi Cơ Hội: Viên Đá Bị Loại Khỏi Công Trình Ban Đầu

Không được nhận vào đội thể thao, trường đại học mơ ước, hay công việc bạn ao ước – tất cả những khước từ đó đều tạo nên sự tổn thương.
Chúa Giê-xu chưa bao giờ nói rằng cuộc sống này sẽ không gây tổn thương, nhưng Ngài có thể khiến nỗi đau đó trở nên điều tốt lành. Sự chịu khổ của Chúa trên thập tự giá là vì lợi ích của chúng ta. Những thử thách chúng ta trải qua đều có mục đích tốt đẹp, ngay cả khi chúng không đem đến cảm giác dễ chịu nào.
Nỗi đau có thể tạo nên sức mạnh và sự kiên trì; những trải nghiệm khắc nghiệt của chúng ta có thể được dùng để khiến người trong thử thách được nâng đỡ; những khốn khó đó có thể khiến cách nhìn của chúng ta thay đổi, và giúp chúng ta nhận ra đâu mới thật là quan trọng trong cuộc sống. Có lẽ việc bị khước từ trong một cơ hội nào đó sẽ khiến bạn rẽ qua một lối đi mà bạn chưa hề nghĩ tới – nhưng Chúa là Đấng biết rõ điều tốt nhất cho bạn.
Dầu điều đó không khiến việc bị chối bỏ trở nên dễ chịu, nhưng sẽ khiến nó trở nên có giá trị.
Nếu Chúa không mở các cánh cửa cơ hội, thì chắc hẳn Ngài sẽ dành điều khác cho bạn. Hãy tin cậy Chúa và kế hoạch hoàn hảo Ngài dành cho cuộc đời bạn. Sẽ đến lúc bạn gặt hái kết quả nếu bạn không bỏ cuộc. Ga-la-ti 6:9 chép: “Chớ mệt nhọc về sự làm lành, vì nếu chúng ta không trễ nải, thì đến kỳ chúng ta sẽ gặt.”
Đức Chúa Trời chưa viết xong câu chuyện cuộc đời bạn; hãy để Ngài hoàn tất câu chuyện đó mặc cho những sự chối bỏ bạn đang phải đối diện.

Bị Người Thân Yêu Chối Bỏ: Người Thợ Xây Đã Từ Chối Viên Đá

Mối quan hệ tan vỡ hay bị người thân yêu khước từ đều gây nên sự đau đớn.
Chúa Giê-xu cũng từng trải qua điều đó. Ngài không được chính quê hương Ngài chấp nhận, các môn đồ cũng từng chối bỏ Ngài. “Ngài đã đến trong xứ mình, song dân mình chẳng hề nhận lấy.” (Giăng 1:11)
Thậm chí, Chúa Giê-xu phải bị Cha lìa bỏ vì cớ đã gánh lấy tội lỗi của chúng ta trên cây thập tự – là điều mà mỗi chúng ta được nhắc nhớ vào mỗi dịp Phục sinh, Thương khó khi đọc câu chuyện đóng đinh của Chúa Giê-xu trong Mác 15, nơi Chúa Giê-xu đã kêu lên: “Ê-li, Ê-li, lam-ma sa-bách-ta-ni?” (nghĩa là “Đức Chúa Trời tôi ơi, sao Ngài lìa bỏ tôi?”)
Việc đó phải được thực hiện để khiến tội lỗi của chúng ta được tha, nhưng chính Chúa Giê-xu đã phải chịu đau đớn. Dầu vậy, Chúa Giê-xu vẫn tập chú vào Cha và mục đích của cuộc đời Ngài trên đất.
Bị con người chối bỏ có thể còn đau đớn hơn nhiều so với việc mất đi những cơ hội. Nhưng Đức Chúa Trời biết cảm giác đó của chúng ta bởi Ngài cũng từng trải qua điều đó. Hãy nương mình nơi Chúa và tìm kiếm mặt Ngài. Chúa Giê-xu có thể đem đến cho chúng ta sự yên ủi và bình an ở những thời điểm đau đớn nhất trong cuộc đời.
Chẳng hạn như chúng ta được an ủi khi nhớ rằng tình yêu Chúa dành cho chúng ta là vô điều kiện, ngay cả khi chúng ta bị người khác chối bỏ. Rô-ma 8:38, 39 chép rằng, “Vì tôi tin chắc rằng, bất kỳ sự chết, sự sống, các thiên sứ, các kẻ cầm quyền, việc bây giờ, việc hầu đến, quyền phép, bề cao, hay là bề sâu, hoặc một vật nào, chẳng có thể phân rẽ chúng ta khỏi sự yêu thương mà Đức Chúa Trời đã chứng cho chúng ta trong Đức Chúa Jêsus Christ, là Chúa chúng ta.”
Chúng ta có thể yên nghỉ nơi Chúa Giê-xu, bởi biết rằng Ngài sẽ không bao giờ khước từ chúng ta.

Bị Chối Bỏ Để Làm Điều Lành: Viên Đá Bị Từ Chối Trở Nên Đá Góc Nhà

Nhiều lần, tôi đã giải thích hành vi của người khác với các con tôi rằng: “Người bị tổn thương thường làm tổn thương người khác.” Dầu điều đó có thể đúng, nhưng nó không có nghĩa rằng chúng ta cứ sống theo khuôn mẫu đó. Chúa Giê-xu đã chỉ cho chúng ta một con đường khác. Ngài cho chúng ta thấy rằng tổn thương đến từ việc bị chối bỏ có thể được sử dụng để trở nên điều tốt lành.
Chúa Giê-xu đã phản ứng sao khi bị chối bỏ? Ngài không bỏ chạy hay xây bức tường ngăn cách. Ngài cũng không làm tổn thương người khác vì những đau đớn mà Ngài đã gánh chịu. Chúa Giê-xu đã đáp lại bằng tình yêu. Ngài vẫn tiếp tục làm những điều Ngài đã từng làm. Ngài đã chia sẻ tình yêu của Cha và mang đến sự cứu rỗi cho nhân loại. Việc bị chối bỏ đã không khiến Ngài lãng quên sứ mạng của chính Ngài.
Con người có thể chối bỏ bạn, nhưng Đức Chúa Trời thì không. Ngài sẽ không bao giờ rời xa bạn nhưng sẽ cứ dẫn dắt nếu bạn tìm kiếm Ngài. Nếu bạn cần sự yên ủi, vòng tay Ngài luôn rộng mở. Nếu bạn cần sự khôn ngoan, hãy cầu nguyện. Mối liên hệ với Chúa Giê-xu là mối liên hệ quan trọng nhất mà bạn cần đến.
Hãy để Chúa dùng nỗi đau của bạn cho mục đích tốt lành qua việc chủ động giúp đỡ người có cùng nỗi đau với bạn. Nếu bạn từng mất cha mẹ khi còn nhỏ, bạn có thể giúp ai đó đang thiếu tình thương. Nếu mối quan hệ gần đây của bạn bị gãy đổ, bạn có thể làm gì để hỗ trợ người khác? Sự chữa lành có thể xảy ra khi chúng ta biết chuyển hướng nỗi đau của bản thân một cách tích cực. Khi Chúa chữa lành lòng bạn, hãy cầu nguyện xin Ngài cho bạn thấy mối quan hệ nào đang cần được bạn quan tâm, chăm sóc.
Bị người khác chối bỏ hoàn toàn không định nghĩa được con người của bạn. Bạn được yêu thương và tạo dựng cách trọn vẹn bởi chính Đức Chúa Trời. Kinh Thánh mô tả Chúa Giê-xu là viên đá mà thợ xây đã loại ra, nhưng cuối cùng đã trở nên đá góc nhà (Thi Thiên 118:22). Cũng vậy, chúng ta có thể tin chắc rằng Đức Chúa Trời có kế hoạch và mục đích cho chúng ta — và có thể, chính sự chối bỏ là con đường đưa chúng ta đến đó.

Thảo Anh dịch
(Theo Crosswalk.com)

Bài trướcBài hát: HẠNH PHÚC LÂU BỀN
Bài tiếp theoĐồng Nai: Hội đồng Bồi linh Lần I (đợt 2) năm 2025