Nhân Tính Của Chúa Giê-xu – 21/12/2020

3799

 

Ma-thi-ơ 1:1-17

“Gia phổ Đức Chúa Giê-xu Christ, con cháu Đa-vít và con cháu Áp-ra-ham” (câu 1).

Câu hỏi suy ngẫm: Phúc Âm Ma-thi-ơ mở đầu bằng việc nói về điều gì? Câu 1 nhấn mạnh gì về Chúa Giê-xu? Ngài giống và khác con người ra sao? Nhân tính của Chúa Giê-xu đem đến cho bạn niềm an ủi, hy vọng nào?

Phúc âm Ma-thi-ơ mở đầu bằng bản gia phả của Chúa Giê-xu và bằng việc lặp lại hai lần cụm từ “con cháu” (câu 1). Chúa Giê-xu được Sứ đồ Ma-thi-ơ nói đến là một người có gia phả, có nhân thân, có dòng dõi. Cách mở đầu này có thể chúng ta ít quan tâm nhưng với độc giả chủ yếu là người Do Thái, thì đây lại là cách mở đầu thú vị và quan trọng. E-xơ-ra 2:62 ghi nhận khi dân Chúa trở về, có một số người “tìm gia phổ mình, nhưng chẳng tìm đặng; nên người ta kể họ là ô uế, và họ bị truất khỏi chức tế lễ.” Nhờ gia phả, người ta biết nhân thân của một người. Nhờ gia phả, người ta biết Chúa Giê-xu chính là Đấng Mê-si-a đã được hứa trong Cựu Ước. Cũng nhờ gia phả, người ta thấy dòng lịch sử của nước Do Thái là nhằm dọn đường cho sự giáng sinh của Ngài.

Với bản gia phả và việc nhấn mạnh Chúa Giê-xu là “con cháu” Đa-vít và Áp-ra-ham, chúng ta được bảo đảm rằng Chúa Giê-xu thật sự là con người, là Đấng có nhân tính. Ngài không phải là nửa thần nửa người, Ngài mang nhân tính hoàn toàn. Theo Lu-ca 2:52, về mặt thể chất, Chúa Giê-xu cũng cần thời gian để phát triển (“thân hình càng lớn”). Về mặt trí tuệ, sự hiểu biết của Ngài cũng là kết quả của một quá trình tích lũy và học hỏi (“khôn ngoan càng thêm”). Về mặt tâm linh, Ngài cũng trưởng thành hơn mỗi ngày (“càng được đẹp lòng Đức Chúa Trời”). Về mặt quan hệ xã hội và nhân cách Ngài cũng cần rèn giũa và hoàn thiện (“càng được đẹp lòng… người ta”). Sứ đồ Ma-thi-ơ cho chúng ta thấy: Ngài cần ngủ (Ma-thi-ơ 8:24); Ngài cần ăn (Ma-thi-ơ 9:10). Ngài biết đói khát, buồn, giận (Ma-thi-ơ 4:2; 21:18). Ngài khóc khi chứng kiến nỗi đau của những người thân yêu (Lu-ca 19:41).

Trong những chương sau, Sứ đồ Ma-thi-ơ tiếp tục cho biết, mặc dù Chúa Giê-xu là một con người hoàn toàn, nhưng Ngài đắc thắng tội lỗi. Ngài biết đói nhưng Ngài không vì đói mà mất khả năng phân biệt điều nào là quan trọng nhất (Ma-thi-ơ 1:11). Ngài bị “thử thách trong mọi việc” như chúng ta nhưng Ngài không hề phạm tội (Hê-bơ-rơ 4:15). Người ta nói “nhân vô thập toàn”, nhưng Chúa Giê-xu cho chúng ta tấm gương về một con người hoàn hảo.

Nhân tính hoàn toàn của Chúa Giê-xu khích lệ chúng ta rất nhiều vì biết rằng tất cả những gì chúng ta trải qua, Ngài đã trải qua rồi. Và nhân tính trọn vẹn của Chúa cũng khích lệ chúng ta rằng nếu chúng ta bước đi trong Ngài, Ngài sẽ giúp sức để chúng ta cũng có thể có một đời sống đắc thắng. Chúa Giê-xu hiểu thấu những trăn trở của chúng ta. Không những thế, Ngài còn giúp chúng ta sống đắc thắng.

Bạn đang trăn trở điều gì? Bạn làm gì để giải quyết trăn trở đó?

Con tạ ơn Chúa Giê-xu vì Ngài là Đức Chúa Trời, cũng là con người hoàn toàn, Ngài thấu hiểu tất cả những gì chúng con trải qua. Xin giúp chúng con sống theo gương mẫu đắc thắng của Ngài.

 

Đọc Kinh Thánh trong ba năm: I Ti-mô-thê 4

Phòng Truyền Thông phối hợp UB. Cơ Đốc Giáo Dục thực hiện.

Mọi ý kiến đóng góp xây dựng, xin quí vị vui lòng gởi về địa chỉ: radio@httlvn.org

Bài trướcChọn Sự Sống hay Sự Chết – 20/12/2020
Bài tiếp theoHội Đồng Bồi Linh Tỉnh Bình Phước Năm 2020