Người Nói và Người Nghe – 24/5/2021

3480

 

I Cô-rinh-tô 14:6-19

“Hỡi anh em, ví bằng tôi đến cùng anh em, nói các thứ tiếng lạ, mà lời nói tôi chẳng tỏ sự kín nhiệm, chẳng có sự thông biết, chẳng có lời tiên tri, chẳng có sự khuyên dạy, thì ích gì đến anh em?” (câu 6).

Câu hỏi suy ngẫm: Sứ đồ Phao-lô dùng những hình ảnh minh họa nào về âm thanh để cho thấy tầm quan trọng của người nói? Ông dạy thế nào về lời giảng hoặc lời cầu nguyện giữa Hội Thánh đem lại ích lợi cho người nghe? Chúng ta áp dụng điều gì khi rao giảng hay cầu nguyện giữa Hội Thánh?

Để tiếp tục cho thấy người nói tiên tri trong Hội Thánh cao trọng và ích lợi hơn người nói tiếng lạ mà không ai hiểu, Sứ đồ Phao-lô đưa ra ba hình ảnh minh họa. Âm thanh của ống tiêu hay đàn cầm nếu phát ra tiếng lộn xộn thì không phải là âm nhạc. Âm thanh của tiếng kèn xung trận mà thổi lung tung thì ba quân không biết tiến hay lùi. Âm thanh của tiếng nói con người mà phát âm không rõ ràng thì ai có thể hiểu được (câu 7-11). Do đó, một người đến với Hội Thánh mà “nói bằng các thứ tiếng lạ, và nếu lời nói của tôi không có sự mạc khải nào, không có sự tri thức nào, không có lời tiên tri nào, không có sự dạy dỗ nào thì có ích gì cho anh em?” (câu 6 BTTHĐ). Cho nên Sứ đồ Phao-lô khuyên những người khao khát ơn nói tiếng lạ rằng: “Ấy vậy, vì anh em nôn nả ước ao các sự ban cho thiêng liêng, hãy tìm cho được dư dật đặng gây dựng Hội Thánh” (câu 12).

Tín hữu Cô-rinh-tô khao khát có được các sự ban cho thiêng liêng là điều hợp lý, tốt lành. Tuy nhiên, Sứ đồ Phao-lô nhấn mạnh mục đích tối hậu của các ân tứ thuộc linh được Đức Thánh Linh ban xuống là để gây dựng Hội Thánh. Ông giải thích thêm rằng người cầu nguyện tiếng lạ trong Hội Thánh mà không có thông giải thì người nghe “chẳng nhờ đó mà được gây dựng” (câu 17b). Rồi ông chia sẻ kinh nghiệm cá nhân, chính ông được ơn nói tiếng lạ hơn cả anh em trong Hội Thánh, nhưng khi đến với Hội Thánh, ông thà rao giảng năm ba lời cho con dân Chúa hiểu và sống theo Lời Chúa dạy còn hơn là nói vạn lời bằng tiếng lạ mà không ai hiểu.

Nhiều người cứ thích là nói, nói một cách thoải mái mà không cần quan tâm đến người nghe. Những lời dạy dỗ của Sứ đồ Phao-lô hôm nay nhắc nhở chúng ta, mọi lời nói trong Hội Thánh đều có ảnh hưởng tích cực hoặc tiêu cực đến người nghe. Đức Chúa Trời đặt chúng ta bên cạnh nhau trong Hội Thánh là để đem đến sự khích lệ, giúp đỡ và gây dựng lẫn nhau. Vì vậy chúng ta cần cẩn trọng khi nói giữa Hội Thánh, dù đó là lời rao giảng, lời dạy bài học Trường Chúa Nhật, lời cầu nguyện hay những lời nói với nhau thì phải nhắm mục đích giúp nhau hiểu biết Chúa nhiều hơn, thông hiểu Lời Chúa nhiều hơn, khích lệ nhau sống theo Lời Chúa nhiều hơn.

Bạn có cẩn trọng khi rao giảng hoặc cầu nguyện giữa Hội Thánh không?

Kính lạy Đức Thánh Linh! Xin giúp con nôn nả tìm kiếm các sự ban cho thiêng liêng nhưng không nhằm mục đích lợi ích cho bản thân mà để nhiều người được gây dựng, đặc biệt là qua lời nói của con.

 

Đọc Kinh Thánh trong ba năm: Dân Số Ký 15:22-41

Phòng Truyền Thông phối hợp UB. Cơ Đốc Giáo Dục thực hiện.

Mọi ý kiến đóng góp xây dựng, xin quí vị vui lòng gởi về địa chỉ: radio@httlvn.org

Kênh Youtube BHKTHN:

https://www.youtube.com/channel/UCaSY8ebjVfMKhPups5jZ9yw

Bài trướcMnuih Blŭ Leh Anăn Mnuih Hmư̆ – 24/5/2021
Bài tiếp theoBình Thuận: Bổ Nhiệm Mục Sư Phạm Văn Tính – Quản Nhiệm Chi Hội Phúc Âm 2