Người Bị Cám Dỗ – 23/10/2024

5659

 

 

Gia-cơ 1:13-15

“Nhưng mỗi người bị cám dỗ khi mắc tư dục xui giục mình” (câu 14).

Câu hỏi suy ngẫm: Thử thách và cám dỗ khác nhau thế nào? Ai phải chịu trách nhiệm cho sự cám dỗ? Hậu quả khi chiều theo cám dỗ là gì, và làm sao để thắng hơn cám dỗ?

Kinh Thánh Tân Ước dùng cùng một chữ peirasmos vừa chỉ về “thử thách” lẫn “cám dỗ”. Tất nhiên cả hai điều này đều khiến chúng ta phiền toái, nhưng sự khác biệt rõ ràng nằm ở mục đích và kết quả. Trong khi thử thách rèn giũa giúp đời sống đức tin trưởng thành hơn thì cám dỗ lôi kéo chúng ta phạm tội, từ đó xa cách Chúa. Vậy nên Chúa cho phép thử thách xảy ra trong đời sống tín đồ, còn cám dỗ thì tuyệt đối không đến từ Ngài.

Ông Gia-cơ đã nói nhiều về những khó khăn các tín đồ gặp phải và giải thích rằng đó là điều phước, là cơ hội để trưởng thành, để tập trung vào cõi đời đời. Tuy nhiên, rõ ràng là không phải ai cũng nghĩ như vậy. Dễ lắm khi chịu những tổn thương, nhất là khi vấp ngã trong tội lỗi, người ta sẽ hoài nghi Chúa và rồi đi đến kết luận “vì Chúa để cho điều đó xảy ra, nên ấy là Đức Chúa Trời cám dỗ tôi”. Vậy nên ông Gia-cơ muốn các độc giả của mình phải hiểu rõ rằng không bao giờ có chuyện đó: “…Đức Chúa Trời chẳng bị sự ác nào cám dỗ được, và chính Ngài cũng không cám dỗ ai” (câu 13). Chúa là Đấng hoàn toàn thánh khiết, trong khi bản chất con người vốn tội lỗi. Cám dỗ đến khi mỗi người bị “tư dục xui giục”, nói cách khác cám dỗ xuất phát từ chính tư dục trong tấm lòng của chúng ta (Giê-rê-mi 17:9; Ma-thi-ơ 15:18-19). Chúng ta phải chịu trách nhiệm khi chính chúng ta quyết định chiều theo cám dỗ.

Cám dỗ khởi đầu từ một ước muốn xấu xa lừa dối, rồi trong lòng bắt đầu ấp ủ những điều sai trái và đến thời điểm, bộc phát ra bằng hành động bất tuân, sinh ra tội lỗi, cuối cùng dẫn đến sự chết (câu 15). “Chết” ở đây là tình trạng thuộc linh bị phân rẽ khỏi Đức Chúa Trời, Đấng thánh khiết và không chấp nhận tội lỗi. Vậy nên, là con dân Chúa, chúng ta phải quyết tâm tránh xa cám dỗ để không phạm tội.

Nhận biết cám dỗ xuất phát từ bên trong nên mỗi chúng ta phải biết bảo vệ tấm lòng mình bằng Lời Chúa và gắn mình trong mối liên hệ gần gũi với Ngài. Phải luôn nhờ cậy sức Chúa chứ đừng kiêu ngạo và cho rằng mình sẽ không bị hề hấn gì (I Cô-rinh-tô 10:12). Một trong những cách tốt nhất để vượt qua cám dỗ là hãy chạy trốn khỏi cám dỗ như tấm gương của chàng trai trẻ Giô-sép. Đồng thời, đừng ngần ngại tìm kiếm sự giúp đỡ vì chúng ta không cần phải chiến đấu một mình. Chúa đặt để chúng ta giữa Hội Thánh để chúng ta được bảo vệ, nâng đỡ, và hiệp sức chiến đấu chống lại cám dỗ.

Bạn có quyết tâm tránh xa những lời mời gọi hấp dẫn của cám dỗ không?

Lạy Chúa, những cám dỗ con đang đối mặt thật khó để con có thể chống lại bằng sức riêng. Xin Chúa đổ đầy tấm lòng con bằng Lời hằng sống của Ngài để con có thể thắng hơn cám dỗ, sống cuộc đời thánh khiết làm vui lòng Chúa và vinh hiển Danh Ngài. Nhân Danh Đức Chúa Giê-xu Christ, Amen!

 

Đọc Kinh Thánh trong ba năm: Các Quan Xét 4

Phòng Truyền Thông phối hợp UB. Cơ Đốc Giáo Dục thực hiện.

Mọi ý kiến đóng góp xây dựng, xin quí vị vui lòng gởi về địa chỉ: radio@httlvn.org

Kênh Youtube BHKTHN:

https://www.youtube.com/c/bhkthn

Bài trướcMnuih Tuôm Hŏng Klei Mplư – 23/10/2024
Bài tiếp theoLong An: Bồi Linh Thông Công Phụ Nữ “Khi Chúa Thử Rèn”