Ngày 6/7/2016: Nhịn Nhục trong Thử Thách (1)

1033

Gia-cơ 1:1-4

“Hỡi anh em, hãy coi sự thử thách trăm bề thoạt đến cho anh em như là điều vui mừng trọn vẹn” (câu 2).

 

 

Câu hỏi suy ngẫm: Những thử thách mà Hội Thánh đang đối diện mang những đặc điểm nào (câu 2)? Ông Gia-cơ khuyên Hội Thánh phải có thái độ nào khi đối diện với những thử thách này (câu 2)? Tại sao (câu 3-4)? Bài học này giúp bạn có cái nhìn mới nào về những thử thách bạn đang đối diện?

 

Sau khi ông Ê-tiên tuẫn đạo, Hội Thánh tại Giê-ru-sa-lem bị bắt bớ dữ dội và đã tản lạc ra khắp nơi (CôngVụ 8:1-4). Nhiều người trong số họ phải lưu vong, sống tản lạc ở nước ngoài và không được trở về quê hương. Họ như những hạt giống bị rải ra để qua đó Tin Mừng được lan truyền khắp nơi.Và cho dù họ ở nơi đâu, tại quê nhà hay phương xa, thì những sự thử thách và khó khăn vẫn cứ tiếp tục đến trên đời sống họ.

 

Ông Gia-cơ mở đầu lá thư này bằng việc khích lệ và hướng dẫn các tín hữu Do Thái ở khắp nơi khi họ đối diện với những thử thách và khổ đau. Ông Gia-cơ không hề lừa dối các độc giả khi phủ nhận những thử thách trong cuộc đời người theo Chúa; ngược lại, ông muốn họ có một cái nhìn đúng đắn và một thái độ tích cực khi đối diện với những điều đó.

 

Sự thử thách là điều đương nhiên, không thể tránh khỏi, và vô cùng đa dạng (câu 2); có thể đến với chúng ta trong nhiều hình thức khác nhau và trong bất kỳ thời điểm nào. Chúng ta không tự tìm đến với những thử thách khó khăn nhưng cũng không được dạy phải tránh né khi điều đó đến với mình. Ông Gia-cơ nói rằng chúng ta hãy “coi,” nghĩa là hãy nhìn xem thử thách không như nó vốn có nhưng như sự bày tỏ của Lời Chúa.Và trong sự bày tỏ của Lời Chúa, thì thử thách mang lấy hình ảnh của “điều vui mừng trọn vẹn.” Chắc chắn bản thân sự thử thách không hề có sự vui mừng, vì sự thử thách đem chúng ta vào sự chịu khổ, hy sinh, mất mát, và đau đớn. Do đó, chúng ta chỉ có thể nhìn thấy niềm vui trong sự thử thách khi hiểu biết lý do mà Đức Chúa Trời cho phép thử thách đến trên đời sống chúng ta và những ích lợi mà chúng ta nhận được sau khi học tập nhịn nhục.

 

Chúa cho phép sự thử thách đến trên chúng ta để đem chúng ta vào sự nhịn nhục (câu 3). Nhịn nhục có nghĩa là kiên nhẫn, vững bền, và ổn định. Nhịn nhục với ai? Với chính mình, với người khác, với hoàn cảnh. Và chính sự nhịn nhục hay kiên trì đó sẽ lần hồi đem chúng ta đến sự trưởng thành trong đức tin khiến cho chúng ta trở nên “trọn lành toàn vẹn” (câu 4). Điều này không có nghĩa là chúng ta sẽ trở nên toàn hảo, không thất bại, nhưng là càng lúc chúng ta càng đến gần mục đích, chương trình, và vị trí mà Chúa đặt để mình.

 

Hơn thế nữa, sự nhịn nhục trong thử thách không chỉ đem chúng ta đến với sự trưởng thành trong đức tin mà còn giúp chúng ta “không thiếu thốn chút nào” (câu 4). Từ ngữ “thiếu thốn” trong nguyên văn là một từ dùng trong quân sự chỉ về đạo quân bị thất bại. Điều đó có nghĩa là nhịn nhục khi đối diện với những thử thách khó khăn sẽ đem chúng ta vào sự đắc thắng: Đắc thắng trên hoàn cảnh, trên kẻ thù, và trên chính chúng ta.

 

Cầu nguyện: Lạy Chúa xin bày tỏ cho con chính Ngài qua những thử thách mà con đang đối diện. Xin cho con sự khôn ngoan và sức mạnh khi đối diện với nó. Xin Chúa cho con sự trưởng thành qua những thử thách này.

 

 

Đọc Kinh Thánh trong ba năm: Ê-sai 66.

 

Bài trướcNgày 5/7/2016: Nhịn Nhục Chịu Đựng Lẫn Nhau
Bài tiếp theoHiệp Nguyện Mục Sư – Truyền Đạo 2 Tỉnh Cà Mau & Bạc Liêu