Ngày 29/1/2016: Được Cứu

915

Giô-na 2:8-11

“Khi linh hồn tôi mòn mỏi trong tôi, thì tôi nhớ đến Đức Giê-hô-va, và lời cầu nguyện của tôi đạt đến Ngài, vào đền thánh Ngài” (câu 8).

 


Câu hỏi suy ngẫm: Khi linh hồn Tiên tri Giô-na mòn mỏi thì ông nhớ đến điều gì? Ông hứa sẽ dâng của lễ gì cho Chúa? Bạn thường cảm tạ Chúa về điều gì, và hứa nguyện với Ngài thế nào?

 

Sau khi thừa nhận sự vô vọng của mình rồi xưng nhận sự giải cứu đến từ Chúa (câu 7), Tiên tri Giô-na tiếp tục lời cầu nguyện đan xen giữa thực tại khốn khổ và một viễn cảnh tương lai được Chúa giải cứu. Tình cảnh của Tiên tri Giô-na ngày càng tệ hơn. Nước phủ ngập ông, ông lịm dần. “Linh hồn ông mòn mỏi” như ngọn đèn leo lét, chập chờn. Trong khoảnh khắc trôi dần về cái chết, Tiên tri Giô-na nhớ đến Chúa, cầu nguyện với Ngài về điều duy nhất mà ông lưu tâm, đó là ông muốn được ở trong sự hiện diện của Chúa. Với người Do Thái, thì đền thờ là nơi có sự hiện diện của Chúa, nơi Chúa ngự xuống và tương giao với con người, truyền đạt ý muốn của Ngài cho con người, và con người dâng trình những sự cầu xin, của lễ cảm tạ lên cho Đức Chúa Trời. Tiên tri Giô-na bỏ trốn vì không muốn ở trong sự hiện diện của Chúa. Ông muốn tránh Chúa càng xa càng tốt. Giờ đây, điều Tiên tri Giô-na mong tìm hơn cả sự sống cho chính mình là lại được ở trong sự hiện diện của Đức Chúa Trời, được vào đền thờ để thờ phượng Chúa.

 

Tiên tri Giô-na nói đến người chú tâm tìm kiếm những thứ hư ảo thì đã bỏ qua nguồn ân sủng, họ không được thương xót (câu 9). Người tìm kiếm những thứ hư ảo mà Tiên tri Giô-na nói đến là chính ông. Trong nguyên ngữ, cụm từ “sự hư không giả dối” có nghĩa là các thần tượng vô dụng. Tiên tri Giô-na thừa nhận khi ông không vâng lời thi hành mệnh lệnh Chúa giao là lúc ông bỏ Chúa để thờ một vị thần khác, đó là chính ông. Khi ông Giô-na là Chúa của mình thì cuộc đời ông khốn khổ và không được thương xót. Đó là Tiên tri Giô-na của quá khứ, nhưng bây giờ ông muốn thay đổi. Điều ông mong tìm trong lúc này là sự hiện diện của Chúa, ông mong được vào đền thờ để thờ phượng và dâng của lễ cho Chúa, không phải của lễ bằng gia súc, mà là sự cảm tạ (câu 10). Chúa đã dẫn Tiên tri Giô-na đến gốc rễ của vấn đề. Ông bỏ trốn vì tấm lòng của ông cứng cỏi, không vâng lời. Chúa thay đổi tấm lòng của ông thành tấm lòng của sự vui mừng, cảm tạ. Ông nói sẽ cảm tạ Chúa vì ông được chọn, được sai đi; và hứa rằng ông sẽ làm điều ông đã hứa với Chúa. Bài học kéo dài ba ngày ba đêm trong bụng cá đã hoàn tất mục đích của nó nên Đức Chúa Trời bèn khiến con cá nhả Tiên tri Giô-na ra trên đất khô.

 

Chúa đã cứu bạn từ vực sâu của tội lỗi để Ngài dùng bạn cứu những người khác. Bạn đã vâng lời Chúa như thế nào?

 

Cầu nguyện: Cảm tạ Chúa vì Ngài chọn con, cứu con, và dùng con nói về Danh Ngài cho những người chưa biết Chúa. Xin cho con luôn vâng lời Chúa dạy ra đi rao báo tình yêu thương của Chúa cho những người chung quanh con.

 

 

Đọc Kinh Thánh trong ba năm: II Sa-mu-ên 24.

 

Bài trướcThư Phân Ưu Cùng Tang Quyến Của Cụ MSTS MƠNUN YA TẤT
Bài tiếp theoỦy Ban Nhân Dân Tp. HCM Thăm Và Chúc Tết Tổng Liên Hội