Ngày 25/10/2016: Xin Lỗi

1391

Công Vụ 16:35-40

35 Đến sáng, thượng quan sai lính nói cùng người đề lao rằng: Hãy thả các người ấy đi. 36 Người trình lời đó cùng Phao-lô rằng: Các thượng quan đã khiến truyền cho tôi thả các ông; vậy, hãy ra, và xin đi cho bình yên. 37 Nhưng Phao-lô nói cùng lính rằng: Chúng ta vốn là quốc dân Rô-ma, khi chưa định tội, họ đã đánh đòn chúng ta giữa thiên hạ, rồi bỏ vào ngục; nay họ lại thả lén chúng ta ư! Điều đó không được. Chính các quan phải tới đây mà thả chúng ta mới phải! 38 Các thượng quan nghe lính trình lại bấy nhiêu lời, biết hai người đó là người Rô-ma, thì sợ hãi. 39 Họ bèn đến nói với hai người, thả đi, và xin lìa khỏi thành. 40 Khi ra ngục rồi, hai sứ đồ vào nhà Ly-đi, thăm và khuyên bảo anh em, rồi đi.
 

Câu gốc: “Họ bèn đến nói với hai người, thả đi, và xin lìa khỏi thành” (câu 39 BTT)

“Vậy, họ đến xin lỗi rồi đưa hai ông ra và yêu cầu rời khỏi thành” (câu 39 BTTHĐ).

 

Câu hỏi suy ngẫm: Tại sao các quan tòa ra lệnh trả tự do cho hai ông Phao-lô và Si-la? Ông Phao-lô có ngụ ý gì khi đòi hỏi chính các quan tòa phải đến để thả hai ông ra? Việc xin lỗi người khác có dễ dàng thực hiện trong văn hóa nơi bạn sống không?

 

Sự kiện diệu kỳ xảy ra trong ngục đêm hôm trước (câu 25-34) chắc chắn các quan tòa đã nghe báo lại. Có lẽ họ cũng nhận ra hai ông Phao-lô và Si-la vô tội và nhìn nhận phần lỗi của mình, nên câu 35 ghi: “Đến sáng, thượng quan sai lính nói cùng người đề lao rằng: Hãy thả các người ấy đi.” Hai ông Phao-lô và Si-la là người có quốc tịch La Mã, thế nhưng khi nghe lời tố cáo từ người chủ của đầy tớ gái bị quỷ ám và áp lực chống đối của dân chúng, họ đã không thực hiện đúng pháp luật, không điều tra, xét xử mà đã ra lệnh xé áo và đánh đòn hai ông, rồi cùm chân, giam vào ngục tối như những tội đồ nguy hiểm (câu 22-24). Pháp luật của xã hội cho phép những người có chức quyền lộng hành như vậy sao?

 

Ông Phao-lô đòi chính các quan tòa đích thân đến thả hai ông ra (câu 37), không phải để ăn vạ về những thương tích hai ông đã phải gánh chịu, nhưng ông Phao-lô muốn: Trước tiên, họ phải ý thức rằng nhà cầm quyền phải cầm cân nẩy mực cho đúng đắn chứ đừng hành động theo cảm tính, đừng để bị lung lạc bởi ý kiến của đám đông. Họ còn toan ém nhẹm hành động sai trái của mình, không dám ra mặt nhận trách nhiệm. Thứ hai, ông muốn những người đã chứng kiến hai ông bị đòn roi biết rằng hai ông vô tội. Sứ điệp hai ông rao giảng cần được chấp nhận bởi người La Mã vì chính hai ông là người La Mã. Thứ ba, ông muốn bảo vệ các tín hữu tại Phi-líp. Ông cần công khai việc này để các tín hữu tại đây sẽ không bị chống đối và bức hại như hai ông nữa.

 

Kết quả sự khiếu nại của ông Phao-lô là “…họ đến xin lỗi rồi đưa hai ông ra và yêu cầu rời khỏi thành” (câu 39 BTTHĐ). Người Việt thường dạy con cháu của mình xin lỗi khi làm điều sai phạm, nhưng lại ngại ngùng không dám đòi hỏi những người lớn tuổi hay có thẩm quyền hơn mình phải xin lỗi khi họ làm điều gì sai phạm. Thông thường, người có chức quyền phạm lỗi, thì có khuynh hướng cho chìm xuồng để họ không bị mất mặt. Cách xử sự tai hại này khiến người có chức quyền khinh lờn, dễ phạm lỗi và chèn ép thuộc cấp. Thực tế, lời xin lỗi chân thành làm dịu đi cơn tức giận, những đau thương và mất mát do hậu quả của tội lỗi mình gây ra. Xin lỗi là lối sống văn minh mà mọi người đều phải thực hiện trong nếp sống hằng ngày. Kết thúc một ngày, chúng ta cần nhìn lại những gì mình đã hành động, nói hay suy nghĩ trong ngày gây tổn hại hay buồn khổ cho ai để có lời xin lỗi kịp thời, hầu cho chúng ta có được sự an vui và hòa thuận trong cuộc sống.

 

Hôm nay Chúa nhắc nhở bạn cần phải xin lỗi những ai?

 

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin tra xét con, nhắc con nhớ những điều con đã sai phạm với Ngài và với anh chị em của con hôm nay, và cho con can đảm nói lời xin lỗi chân thành với Chúa và với họ.

 

 

Đọc Kinh Thánh trong ba năm: Giê-rê-mi 13.

 

Bài trướcLễ Công Bố Quyết Định Thành Lập Điểm Nhóm Bình Định Nam – Tỉnh Quảng Nam
Bài tiếp theoBồi Linh, Thông Công Các Ban Trung Tráng Niên Trong Tỉnh Cà Mau