Ngày 11/5/2017: Trông Đợi Kết Quả Cuối Cùng

663

Thi Thiên 37:35-40

35 Tôi từng thấy kẻ ác có thế lực lớn,
Trải ra như cây xanh tươi mọc nơi cố thổ,
36 Song có người đi qua, kìa, hắn chẳng còn nữa;
Tôi tìm hắn, nhưng không gặp.
37 Hãy chăm chú người trọn vẹn, và nhìn xem người ngay thẳng;
Vì cuối cùng người hòa bình có phước.
38 Còn các kẻ vi phạm sẽ cùng nhau bị hủy hoại;
Sự tương lai kẻ ác sẽ bị diệt đi.
39 Nhưng sự cứu rỗi người công bình do Đức Giê-hô-va mà đến;
Ngài là đồn lũy của họ trong thì gian truân.
40 Đức Giê-hô-va giúp đỡ và giải cứu họ;
Ngài giải họ khỏi kẻ ác và cứu rỗi cho,
Bởi vì họ đã nương náu mình nơi Ngài.

 

Câu gốc: “Nhưng sự cứu rỗi người công bình do Đức Giê-hô-va mà đến; Ngài là đồn lũy của họ trong thì gian truân” (câu 39).

 

Câu hỏi suy ngẫm: Phần kết thúc Thi Thiên 37 vẽ ra bức tranh của hai hạng người nào? Kết quả cuối cùng của họ thế nào? Nhận biết điều này sẽ thêm sức mạnh thuộc linh cho chúng ta ra sao?

 

Một học sinh bỏ qua những thú vui để miệt mài học tập vì nghĩ đến một trường đại học danh tiếng mình sẽ được bước vào. Một vận động viên chịu đựng một lịch trình tập luyện đầy gian khổ vì nghĩ đến chiếc huy chương sẽ nhận được. Chúng ta chỉ có thể vượt qua những khó khăn nhờ sức mạnh khi trông đợi vào kết quả chung cuộc. Quả thật vẫn còn đó nhiều nghịch lý trong cuộc đời. Dẫu chúng ta tin cậy nơi Đức Chúa Trời Toàn Năng, Toàn Tri, và Thành Tín, nhưng những điều ác vẫn nhan nhản và kẻ ác vẫn thịnh vượng, khiến lắm khi chúng ta ngã lòng và “ghen tị” với những kẻ làm ác (câu 1). Vua Đa-vít hiểu rõ điều này và đã khích lệ độc giả của mình bằng cách vẽ ra bức tranh của hai hạng người.

 

Bức tranh của “kẻ ác” (câu 35), là những người có thế lực lớn, đang “trải ra”, vươn mình như cây cổ thụ xanh tươi. Người này đã sống cuộc đời gian ác, tước đoạt của người khác, thâu trữ cho mình, kiêu ngạo, nhưng sẽ có lúc “hắn chẳng còn nữa”, hắn biến mất không ai tìm thấy, và cũng không ai còn nhớ đến hắn nữa (câu 36). Sự biến mất của “kẻ ác” không chỉ trên đất này, nhưng cả tương lai trong cõi vĩnh hằng cũng sẽ bị “hủy hoại” và “diệt đi” (câu 38). Cuộc đời của những người này chỉ đeo đuổi những điều tạm bợ, mà không có gốc rễ trong Đức Chúa Trời nên sự hư mất của họ là tất yếu.

 

Đối lập với bức tranh của “kẻ ác” là bức tranh của “người ngay thẳng” (câu 37). Nếu “kẻ ác” dễ thấy vì sừng sững như một cây cổ thụ, thì cần phải “chăm chú” mới có thể nhìn thấy “người ngay thẳng”. Bởi mới nhìn thoáng qua người này chẳng có gì thu hút, người chịu nhiều thiệt thòi, bị cười chê, nhưng “cuối cùng” đó sẽ là người “có phước”. Phước hạnh mà “người ngay thẳng” nhận được đến từ Đức Giê-hô-va, không phải đến từ chính họ, vì thế nên sẽ bền vững và theo họ cho đến lâu dài (Thi Thiên 23:6). “Vậy nên chúng ta chẳng ngã lòng, dầu người bề ngoài hư nát, nhưng người bề trong cứ đổi mới càng ngày càng hơn. Vì sự hoạn nạn nhẹ và tạm của chúng ta sanh cho chúng ta sự vinh hiển cao trọng đời đời, vô lượng vô biên, bởi chúng ta chẳng chăm sự thấy được, nhưng chăm sự không thấy được; vì những sự thấy được chỉ là tạm thời, mà sự không thấy được là đời đời không cùng vậy” (II Cô-rinh-tô 4:16-18).

 

Con dân Chúa nhận được sức mạnh thuộc linh để sống ngay thẳng khi trông đợi và tin cậy vào kết quả chung cuộc Đức Chúa Trời ban cho. Bạn có hướng đời mình vào kết quả cuối cùng không?

 

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con sức mạnh thuộc linh trong Chúa để con dành được chiến thắng cuối cùng. Xin cho con biết hướng về kết quả chung cuộc và phước hạnh đời đời.                                        

 

 

Đọc Kinh Thánh trong ba năm: Khải Huyền 2.

Bài trướcBồi Linh – Thông Công Giới Nữ Khu Vực I (từ Quảng Trị đến Bình Định)
Bài tiếp theoThông Công Trung Tráng Niên Các Hội Thánh Phía Bắc Quảng Nam