Nê-hê-mi 6:15-19
15 Vậy, ngày hai mươi lăm tháng Ê-lun, vách thành sửa xong, hết năm mươi hai ngày. 16 Khi những thù nghịch chúng tôi hay được điều đó, thì các dân tộc chung quanh chúng tôi đều sợ hãi và lấy làm ngã lòng; vì chúng nó nhìn biết rằng công việc nầy thành được bởi Đức Chúa Trời của chúng tôi. 17 Cũng trong những ngày ấy, có các người tước vị của xứ Giu-đa gởi lắm thơ từ cho Tô-bi-gia, và Tô-bi-gia đáp thơ gởi lại cho chúng. 18 Vì tại Giu-đa có nhiều kẻ đã thề kết hiệp với người, bởi người là rể của Sê-ca-nia, con trai của A-ra; và Giô-ha-nan, con trai người, đã cưới con gái của Mê-su-lam, là con trai của Bê-rê-kia. 19 Chúng cũng nói trước mặt tôi những việc tốt lành của người và chúng học lại cho người các lời của tôi. Còn Tô-bi-gia gởi thơ để làm cho tôi sợ hãi.
Câu gốc: “Khi những thù nghịch chúng tôi hay được điều đó, thì các dân tộc chung quanh chúng tôi đều sợ hãi và lấy làm ngã lòng; vì chúng nó nhìn biết rằng công việc này thành được bởi Đức Chúa Trời của chúng tôi” (câu 16).
Câu hỏi suy ngẫm: Vách thành Giê-ru-sa-lem đã hoàn thành sau bao nhiêu ngày? Công trình này có ý nghĩa như thế nào? Ông Nê-hê-mi đã thừa nhận sự thành công đến từ đâu (câu 16)? Điều gì tiếp tục xảy ra sau khi công trình đã hoàn tất? Điều này cho chúng ta hiểu gì về bản chất của cuộc chiến thuộc linh? Chúng ta cần đối phó như thế nào?
Với sự khởi đầu bằng hai bàn tay trắng, giặc ngoài, thù trong, có những khi phải làm việc trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu, năm lần bảy lượt kẻ thù ngăm đe lấy mạng sống ông Nê-hê-mi (chương 2-4), nhưng rồi công trình xây sửa cũng đã hoàn thành trong 52 ngày. Việc vách thành hoàn thành không chỉ đem đến sự bảo vệ, an toàn cho cư dân Giê-ru-sa-lem, nhưng còn làm kinh động các dân tộc lân bang (câu 16a). Là một người được Đức Chúa Trời sử dụng cho công trình này, nhưng khi nhìn lại tất cả những gì đã trải qua, ông Nê-hê-mi đã khiêm cung, hạ mình mà nói rằng “công việc này thành được bởi Đức Chúa Trời của chúng tôi” (câu 16b). Trong niềm vui mừng lớn, ông Nê-hê-mi vẫn ý thức đây là việc Đức Chúa Trời làm và dâng vinh hiển cho Ngài. Trong suốt cuộc chiến, chúng ta có thể phải đối diện với nhiều kẻ thù đến từ thế gian, chúng ta dễ tìm kiếm sự cứu giúp của Đức Chúa Trời; nhưng khi thành công thì chúng ta sẽ phải đối diện với một kẻ thù vô cùng nguy hiểm: sự kiêu ngạo của chính mình (Châm Ngôn 16:18).
Vách thành đã xây sửa xong, âm mưu của kẻ thù đã thất bại, nhưng chúng vẫn chưa dừng cuộc chiến với dân Giu-đa tại đây. Tổng trấn Tô-bi-gia, người cùng với ông San-ba-lát trong liên minh chống việc xây sửa vách thành (4:1-3) tiếp tục liên lạc và lôi kéo những người Giu-đa để chống phá ông Nê-hê-mi. Những người đã liên lạc với ông Tô-bi-gia là “các người tước vị của xứ Giu-đa” (câu 17a), đây là những người quý tộc, có chức quyền trong dân Do Thái. Những người Giu-đa này thay vì đứng cùng với dân Chúa và ông Nê-hê-mi, thì lại đi nói tốt cho ông Tô-bi-gia (Châm Ngôn 28:4), người chỉ muốn làm ông Nê-hê-mi phải run sợ (câu 19b).
Cuộc chiến với điều ác là một cuộc chiến không có hồi kết cho đến chừng chúng ta bước vào sự hiện diện vinh hiển của Đức Chúa Trời. Do đó chúng ta cần phải luôn giữ kỷ luật thuộc linh, nuôi dưỡng mối liên hệ gần gũi với Đức Chúa Trời, siêng năng trang bị Lời Chúa, nhạy bén với ý muốn của Chúa Thánh Linh, kiên định với những thói quen thuộc linh, và trông đợi ân điển đến từ Đức Chúa Trời để sống đắc thắng cho Chúa.
Qua chủ đề “Kỷ luật thuộc linh,” bạn thấy mình còn thiếu sót điều gì? Bạn có những quyết định nào?
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con luôn cam kết giữ những kỷ luật thuộc linh để con không sa vào sự cám dỗ và tấn công của ma quỷ. Xin cho con luôn sống khiêm nhường và luôn dâng vinh hiển lên cho Đức Chúa Trời.
Đọc Kinh Thánh trong ba năm: Ê-xê-chi-ên 42.