Ru-tơ 2:18-23
“Na-ô-mi đáp cùng dâu mình rằng: Nguyện Đức Giê-hô-va ban phước cho người, vì Ngài không dứt làm ơn cho kẻ sống và kẻ chết!” (câu 20a).
Câu hỏi suy ngẫm: Bà Na-ô-mi đã phản ứng thế nào khi thấy bà Ru-tơ trở về từ ruộng lúa (câu 19)? So sánh với thái độ của bà Na-ô-mi trong 1:15, 20-21, bạn nhận thấy có chuyển biến nào trong bà Na-ô-mi? Theo bạn, do đâu có sự thay đổi này? Chúa có thể dùng những việc lành của chúng ta để đem đến những kết quả nào?
Ngày đầu tiên bà Ru-tơ đi mót lúa chỉ với mục đích kiếm miếng ăn cho hai mẹ con. Tại thời điểm này, bà Na-ô-mi cũng chỉ nói với bà Ru-tơ: “Hỡi con, hãy đi đi” (2:2). Bà không có thêm bất cứ một chỉ dẫn nào khác cho dù bà biết bà Ru-tơ hoàn toàn xa lạ với môi trường và cộng đồng mới. Dường như những muộn phiền vẫn còn theo đuổi bà Na-ô-mi và những tổn thương, đổ vỡ trong bà vẫn chưa được chữa lành.
Sau một ngày làm việc cực nhọc, bà Ru-tơ đem về nhà gần một ê-pha lúa mạch (câu 17, tương đương với khoảng 36 lít gạo) và một bữa ăn dư (câu 18b). Nhưng một kết quả lớn hơn mà bà Ru-tơ đã đạt được qua công khó của bà là sự thay đổi thái độ của bà Na-ô-mi.
Khi nhìn thấy bà Ru-tơ trút lúa ra trước mặt mình, bà Na-ô-mi hiểu công khó của con dâu, nhưng khi nhìn thấy bữa ăn dư mà bà Ru-tơ trao cho mình, bà Na-ô-mi hiểu được tình yêu của con dâu dành cho mình. Bà Na-ô-mi đã quen với cảnh ngộ của một người bị bỏ rơi: Chồng và các con trai qua đời để bà lại một mình trên đời, một con dâu cũng rời bỏ bà, không một người bà con nào được cho biết là đã đến giúp đỡ gia đình bà từ ngày bà trở về. Nhưng tấm lòng buồn phiền và đau đớn của bà bắt đầu được chữa lành bởi tình yêu và sự quan tâm của bà Ru-tơ. Bà Ru-tơ không chỉ làm một công việc, nhưng tình yêu của bà luôn hướng về mẹ chồng mình. Chính điều này đã đem đến sự cởi mở tâm sự của hai mẹ con (câu 19).
Bà Ru-tơ không chỉ làm thay đổi thái độ của bà Na-ô-mi dành cho mình nhưng cũng làm thay đổi thái độ của bà Na-ô-mi với Đức Chúa Trời. Ngày trở về Bết-lê-hem, bà Na-ô-mi từng cay đắng với Đức Chúa Trời vì Ngài đã cất hết mọi hy vọng của bà trong cuộc sống (1:20-21), nhưng giờ đây, qua bà Ru-tơ, bà Na-ô-mi đã nhận ra sự nhân từ, thành tín, và quan phòng của Đức Chúa Trời trên gia đình bà (câu 20). Chúa đã dùng một người như bà Ru-tơ để khiến một Na-ô-mi cay đắng trở nên một Na-ô-mi ngợi khen Chúa.
Có lẽ, bà Ru-tơ cũng không ngờ được kết quả mà bà đã gặt hái được qua việc làm yêu thương của mình. Bà đã gieo ra một “hạt giống” nhỏ bé của việc lành và gặt hái được cả một kết quả to lớn. Sứ đồ Phao-lô khuyên chúng ta: “Chớ mệt nhọc về sự làm lành, vì nếu chúng ta không trễ nải, thì đến kỳ, chúng ta sẽ gặt. Vậy, đương lúc có dịp tiện, hãy làm điều thiện cho mọi người, nhứt là cho anh em chúng ta trong đức tin” (Ga-la-ti 6:9-10).
Chúng ta từng thuộc lòng Ê-phê-sô 2:8-9 nói về ân sủng cứu chuộc của Đức Chúa Trời dành cho chúng ta. Nhưng cũng đừng quên kết quả của một đời sống kinh nghiệm sự cứu rỗi được chép trong câu 10: “Vì chúng ta là việc Ngài làm ra, đã được dựng nên trong Đức Chúa Giê-xu Christ để làm việc lành mà Đức Chúa Trời đã sắm sẵn trước cho chúng ta làm theo.”
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin Chúa dùng con như một Ru-tơ cho những người chung quanh để con có thể đem đến cho họ tình yêu, sự an ủi, và nhất là niềm hy vọng trong Chúa Cứu Thế.
Đọc Kinh Thánh trong ba năm: Phục Truyền 13.