Nàng Dâu Thảo – 12/12/2019

3437

 

Ru-tơ 2:17-23

“Nàng vác đem trở vào trong thành; bà gia nàng thấy lúa nàng đã mót. Đoạn, Ru-tơ trút phần bữa ăn dư ra mà trao cho người” (câu 18).

Câu hỏi suy ngẫm: Kết thúc một ngày làm việc, cô Ru-tơ làm gì? Cô Ru-tơ đối xử với mẹ chồng như thế nào? Mối quan hệ giữa bà Na-ô-mi và cô Ru-tơ như thế nào? Làm thế nào để từng thành viên trong gia đình sống yêu thương theo Lời Chúa dạy?

Phân đoạn Kinh Thánh này thể hiện tình cảm thắm thiết giữa cô Ru-tơ và bà Na-ô-mi. Có thể nói đây là mối quan hệ mẹ chồng và nàng dâu đẹp nhất trong Kinh Thánh. Ngay từ trong chương một, cô đã thể hiện hình ảnh một cô con dâu vô cùng đặc biệt, chấp nhận từ bỏ quê hương của mình để đi theo mẹ chồng là bà Na-ô-mi về lại Bết-lê-hem. Vừa về đến nơi, cho dù phải khởi đầu cuộc sống nơi vùng đất xa lạ, nhưng không vì thế mà cô trở nên thụ động, phải phụ thuộc vào sự giúp đỡ của mẹ chồng. Trái lại, cô tỏ ra là một người hết sức đảm đang, xin mẹ chồng cho mình đi mót lúa để giúp gia đình có miếng ăn.

Chi tiết trong phần Kinh Thánh hôm nay khiến người đọc không thể không ngưỡng mộ tình cảm chân thành của cô Ru-tơ dành cho bà Na-ô-mi. Vừa về đến nhà cô đã lấy phần bánh để dành ban trưa ra mời mẹ dùng. Có thể nói, Chúa đã dùng cô Ru-tơ để an ủi cho những mất mát của bà Na-ô-mi. Trong góc độ khác, chúng ta cũng nhìn thấy được cách bà Na-ô-mi đối xử với con dâu cũng rất nhân hậu. Bà hỏi han công việc thế nào, quan tâm đến một ngày làm việc vất vả của cô con dâu mình, giới thiệu về ông Bô-ô cho cô nghe, và bà cũng chúc phước những người đã đối đãi tử tế với con dâu mình. Trong cuộc đối thoại giữa hai người, chúng ta không hề cảm nhận được sự hà khắc của người mẹ chồng và sự dè dặt của người con dâu. Ngược lại, họ nói chuyện với nhau cách thân tình như mẹ với con gái vậy.

Mối quan hệ mẹ chồng nàng dâu là mối quan hệ mang nhiều điều tiếng không hay trong nền văn hóa Việt. Đặc biệt là trong trường hợp phải ở chung nhà. Nói yêu thương thì dễ, nhưng trên thực tế đó lại là chuyện vô cùng khó khăn, vì trong giao tiếp, ai cũng nghĩ mình có lý nên thường xảy ra xung đột. Hậu quả là “bằng mặt mà không bằng lòng,” hay cố gắng chịu đựng nhau. Tuy nhiên, qua mối quan hệ giữa cô Ru-tơ và bà Na-ô-mi, chúng ta có thể thấy được yếu tố kính sợ Chúa, biết yêu thương và hy sinh lợi ích của mình vì người khác là bí quyết giúp cho mối quan hệ gia đình tránh khỏi những xung đột để có thể sống yêu thương nhau. Hãy nhớ, tình yêu, sự chấp nhận hy sinh cho nhau là phương cách tốt nhất để xoa dịu sự căng thẳng trong mối quan hệ giữa mẹ chồng nàng dâu nói riêng và trong gia đình nói chung.

Bạn thường bày tỏ tình yêu thương đối cùng mỗi thành viên trong gia đình cách nào?

Lạy Đức Chúa Trời là Đấng yêu thương, xin giúp con cũng có thể yêu thương nhau trong gia đình con như cách Ngài đã yêu con. Xin cho con luôn biết quan tâm chăm sóc lẫn nhau như điều Chúa muốn con làm.

 

Đọc Kinh Thánh trong ba năm: Châm Ngôn 31.

Phòng Truyền Thông phối hợp UB. Cơ Đốc Giáo Dục thực hiện.

Mọi ý kiến đóng góp xây dựng, xin quí vị vui lòng gởi về địa chỉ: radio@httlvn.org

Bài trướcHiệp Nguyện Giáo Phẩm, Chấp Sự Cần Thơ Tháng 12/2019
Bài tiếp theoBài 138: Giới Thiệu Sách Tin Lành Mác