I Cô-rinh-tô 2:3-5
3 Chính tôi đã ở giữa anh em, bộ yếu đuối, sợ hãi, run rẩy lắm. 4 Lời nói và sự giảng của tôi chẳng phải bằng bài diễn thuyết khéo léo của sự khôn ngoan, nhưng tại sự tỏ ra Thánh Linh và quyền phép; 5 hầu cho anh em chớ lập đức tin mình trên sự khôn ngoan loài người, bèn là trên quyền phép Đức Chúa Trời.
Câu gốc: “Lời nói và sự giảng của tôi chẳng phải bằng bài diễn thuyết khéo léo của sự khôn ngoan, nhưng tại sự tỏ ra Thánh Linh và quyền phép; hầu cho anh em chớ lập đức tin mình trên sự khôn ngoan loài người, bèn là trên quyền phép Đức Chúa Trời” (câu 4-5).
Câu hỏi suy ngẫm: Việc “lập đức tin mình trên sự khôn ngoan loài người” được hiểu như thế nào? Sứ đồ Phao-lô xác định rõ ràng mục đích rao giảng Phúc Âm của ông là gì? Mục đích ấy giống và khác mục đích của chúng ta thế nào?
Sứ đồ Phao-lô đã khẳng định với tín hữu tại Cô-rinh-tô rằng ông trình bày sứ điệp Phúc Âm không “bằng bài diễn thuyết khéo léo của sự khôn ngoan”, nhưng lời nói và sứ điệp ông công bố có sự hướng dẫn của Đức Thánh Linh và quyền phép của Ngài (câu 4). Vì như thế mới có đủ năng quyền bắt phục tấm lòng người nghe tin nhận Phúc Âm. Mục đích Sứ đồ Phao-lô khi rao giảng Phúc Âm không nhằm giúp con người có thêm tri thức để khoe mình, vì thế ông không dùng lý luận triết học đời này, hoặc tranh luận bằng sự khôn ngoan của xác thịt để hơn thua. Song ông mong muốn rằng sau những lời rao giảng thì người nghe sẽ đặt đức tin nơi Đức Chúa Giê-xu vì họ bị bắt phục bởi quyền phép của Đức Chúa Trời (câu 5). Nghĩa là họ tin cậy nơi quyền phép của Đức Chúa Trời đã bày tỏ qua chương trình cứu chuộc mà Đức Chúa Giê-xu Christ đã thực hiện. Quyền phép ấy đem đến sự cứu rỗi cho những ai đặt lòng tin nơi Ngài. Nếu muốn những đối tượng nghe Sứ đồ Phao-lô rao giảng đặt đức tin nơi sự khôn ngoan của xác thịt thì có lẽ ông đã không ngần ngại dùng “bài diễn thuyết khéo léo của sự khôn ngoan” để trình bày sứ điệp. Nhưng ông ý thức rằng niềm tin đặt nơi sự khôn ngoan của con người thì không vững bền, và quan trọng hơn là sẽ không giúp cho người tin hưởng được ân điển cứu rỗi của Đức Chúa Trời.
Đây chính là điều mỗi chúng ta cần học hỏi và áp dụng trong công tác rao truyền Tin Lành. Nhiều khi chúng ta chỉ rao giảng về ông Trời; hoặc quá nhấn mạnh về ơn phước mà không giới thiệu về Chúa Giê-xu và sự chết chuộc tội của Ngài. Cũng có thể chúng ta quá cậy vào một phương pháp hoặc kiến thức của mình mà thiếu nhờ cậy quyền phép của Đức Thánh Linh. Nếu có người “tin Chúa,” coi chừng họ chỉ mới gia nhập tổ chức mà chưa được làm con Đức Chúa Trời (Giăng 1:12). Cần nhớ mục đích rao giảng Phúc Âm của Sứ đồ Phao-lô là giúp cho đức tin của mọi người đặt trên quyền năng của Đức Chúa Trời để ai nấy nhận được sự cứu rỗi. Do đó ông không rao giảng điều gì khác ngoài Đức Chúa Giê-xu và Chúa Giê-xu bị đóng đinh trên cây thập tự (câu 2).
Bạn rao giảng Phúc Âm cho người chưa biết Chúa với mục đích gì?
Cầu nguyện: Kính lạy Đức Chúa Trời! Đấng dò xét và thử nghiệm lòng con, xin giúp con nhắm mục đích mà chuyên tâm thực hiện công tác chứng nhân cho Ngài với mục đích duy nhất là giúp người nghe đặt đức tin nơi chính Đức Chúa Giê-xu.
Đọc Kinh Thánh trong ba năm: II Cô-rinh-tô 11.
Phòng Truyền Thông phối hợp UB. Cơ Đốc Giáo Dục thực hiện