Xuất Ê-díp-tô Ký 9:27-35
27 Pha-ra-ôn bèn truyền đòi Môi-se và A-rôn mà phán rằng: Lần nầy trẫm đã phạm tội; Đức Giê-hô-va là công bình; trẫm cùng dân sự trẫm là kẻ phạm tội. 28 Hãy cầu nguyện Đức Giê-hô-va, hầu cho tan sấm sét và mưa đá; rồi trẫm sẽ tha các ngươi đi, không đợi lâu nữa đâu. 29 Môi-se bèn đáp rằng: Vừa khi tôi ra khỏi thành, tôi sẽ giơ tay lên Đức Giê-hô-va, sấm sét sẽ lặng, mưa đá sẽ tan, hầu cho bệ hạ biết rằng trái đất thuộc về Đức Giê-hô-va. 30 Nhưng tôi biết rằng bệ hạ và quần thần chưa kính sợ Giê-hô-va Đức Chúa Trời. ( 31 Vả, trong lúc đó, lúa mạch trổ bông, cây gai có hoa, nên lúa mạch và gai bị đập nát; 32 còn lúa mì và tiểu mạch trổ muộn, nên không bị đập.) 33 Vậy, Môi-se lui khỏi Pha-ra-ôn, đi ra thành, giơ tay lên Đức Giê-hô-va, sấm sét và mưa đá tạnh, mưa bèn ngớt hột trên mặt đất. 34 Khi Pha-ra-ôn thấy mưa, mưa đá và sấm sét đã tạnh rồi, người và quần thần lại rắn lòng, cứ phạm tội nữa. 35 Vậy Pha-ra-ôn cứng lòng, không tha dân Y-sơ-ra-ên đi, y như lời Đức Giê-hô-va đã cậy Môi-se mà phán.
Câu gốc: “Khi Pha-ra-ôn thấy mưa, mưa đá và sấm sét đã tạnh rồi, người và quần thần lại rắn lòng, cứ phạm tội nữa” (câu 34).
Câu hỏi suy ngẫm: Pha-ra-ôn phản ứng ra sao trước cơn mưa đá phá hủy mùa màng trên toàn xứ Ai Cập? Ông Môi-se nhận định lời xưng tội của Pha-ra-ôn như thế nào? Sự xưng tội giả dối dẫn tới những hậu quả tai hại nào?
Pha-ra-ôn đã truyền đòi hai ông Môi-se và A-rôn và phán rằng: “Lần này trẫm đã phạm tội; Đức Giê-hô-va là công bình; trẫm cùng dân sự trẫm là kẻ phạm tội. Hãy cầu nguyện Đức Giê-hô-va, hầu cho tan sấm sét và mưa đá; rồi trẫm sẽ tha các ngươi đi, không đợi lâu nữa đâu.” Đây là lần đầu tiên Pha-ra-ôn xưng nhận Chúa là công bình, và hạ mình nhìn nhận ông và dân tộc của ông đã phạm tội. Tuy nhiên, chúng ta có thể nhìn thấy sự giả dối trong lời xưng tội này. Vua nói “Lần này…”, như vậy ngụ ý rằng ông vô tội trong những lần trước. Ông Môi-se cũng biết rằng vua và quần thần chưa kính sợ Giê-hô-va Đức Chúa Trời (câu 30). Bối cảnh cho biết lúa mạch và cây gai đã trổ hoa nên bị dập nát hết, còn lúa mì và tiểu mạch trổ hoa muộn nên chưa bị hư hại (câu 31-32). Có lẽ động cơ xưng tội của vua nhằm để cứu vãn mùa màng còn sót lại. Và một minh chứng rõ ràng nhất là khi mưa đá ngưng sa xuống thì vua và quần thần lại cứng lòng, cứ tiếp tục phạm tội (câu 34).
Mặc dù ông Môi-se biết lời vua xưng tội không thành thật nhưng ông cũng đã làm theo lời vua yêu cầu, giơ tay cầu nguyện cùng Đức Chúa Trời, và Ngài đã nhậm lời cho sấm sét dừng và mưa đá dứt. Có thể Chúa thương xót người Ai Cập, dừng mưa đá cho họ còn lương thực để sống. Cũng có thể Chúa để cho sự giả dối của Pha-ra-ôn được phơi bày. Sự xưng tội giả dối của Pha-ra-ôn khiến ông và thần dân của ông còn phải hứng chịu thêm nhiều tai vạ giáng xuống trên họ.
Khi một người ăn năn xưng tội thì phải thành thật và xưng nhận đầy đủ sự sai phạm của mình với Chúa, không xưng tội qua loa chiếu lệ. Sự ăn năn thật không chỉ dừng lại ở cảm xúc hối tiếc việc sai phạm mình đã làm, nhưng còn phải tiến xa hơn, là quyết không làm điều sai phạm đó nữa. Con người có thể đóng kịch với nhau và lừa dối nhau, nhưng không ai có thể qua mặt được Đức Chúa Trời là Đấng toàn tri, Đấng nhìn thấy hết mọi mưu kế trong lòng người. Vì thế, lời xưng tội giả dối chỉ làm cho Chúa thêm gớm ghiếc, và phải gánh chịu hậu quả nặng nề hơn. Nhận thức có một Đức Chúa Trời công chính, toàn tại (ở khắp mọi nơi), toàn tri (biết mọi điều) đang ở trong chúng ta, sẽ giúp chúng ta kính sợ Chúa và sống ngay thật trước mặt Ngài.
Khi xưng tội với Chúa, bạn có quyết tâm từ bỏ tội lỗi của mình đã phạm không?
Lạy Chúa Toàn Tri, Toàn Ái và Toàn Tại. Xin tha thứ cho con vì con còn yêu chính mình nhiều quá! Con còn chưa thành thật trong lời xưng tội của con. Xin Chúa ban tình yêu của Ngài cho con để con bước đi trong sự yêu thương và sống ngay thật trước mặt Ngài.
Đọc Kinh Thánh trong ba năm: II Sa-mu-ên 24.
Phòng Truyền Thông phối hợp UB. Cơ Đốc Giáo Dục thực hiện.
Mọi ý kiến đóng góp xây dựng, xin quí vị vui lòng gởi về địa chỉ: radio@httlvn.org