Cô gái trong bức tranh đang cầm thứ gì trên tay? Đây là câu hỏi gây nhiều xôn xao trong dư luận trên các trang mạng.
Mỗi người nếu chỉ nhìn vào bức tranh mà không quan tâm đến thời gian hoàn thành bức tranh năm 1850, cách đây 167 năm thì chắc hẳn ai cũng có thể cho rằng cô gái đang cầm một chiếc điện thoại thông minh. Nhưng trên thực tế, cô gái đang cầm trên tay là một quyển Kinh Thánh hoặc một quyển Thánh Ca.
Điều này cho thấy, ngày nay danh từ điện thoại thông minh hay smartphone đã trở thành một quan niệm phổ thông và nhu cầu không thể thiếu trong cuộc sống của mỗi người. Ích lợi và sự thuận tiện mà điện thoại thông minh mang lại là điều mỗi chúng ta không thể phủ nhận. Tuy nhiên, là một Cơ Đốc Nhân mỗi chúng ta cần nhìn nhận thực trạng ngày nay trong Hội Thánh, Kinh Thánh và Thánh Ca đã dần dần được thay thế bằng chiếc điện thoại thông minh. Vậy, smartphone có thể thay thế được Kinh Thánh trong nếp sống hằng ngày của Cơ Đốc Nhân hay không? Ích lợi, tác hại của điện thoại thông minh và Kinh Thánh là gì?
1/ Tác hại của smartphone và ích lợi của Kinh Thánh:
Theo nghiên cứu khoa học thì smartphone gây ra ít nhất 6 tác hại cho con người:
Nguy cơ bị cận thị: Ánh sáng từ các thiết bị công nghệ này vô cùng có hại cho mắt. Các hình ảnh và chữ quá nhỏ khiến mắt phải điều tiết liên tục, gây ra chứng cận thị, loạn thị đối với trẻ em và cả người lớn. Ngược lại, “Lời Chúa là ngọn đèn cho chân tôi, Ánh sáng cho đường lối tôi” (Thi Thiên 119:105). Chính Kinh Thánh là nguồn ánh sáng, giúp chúng ta thấy đường ngay nẻo chánh, không còn phải bị cận thị và đuôi mù thuộc linh.
Khiến trở nên cáu kỉnh, dễ thịnh nộ: nếu cứ liên tục dùng điện thoại, máy tính bảng và các thiết bị công nghệ để giảm stress thì ngược lại sẽ trở nên căng thẳng hơn, thường xuyên cáu kỉnh và dễ thịnh nộ. Bản chất căn bệnh cáu gắt là vì bị ức chế tâm lý, sợ hãi do áp lực trong làm việc, học tập, tình cảm, …nên cách duy nhất để không cáu gắt và thạnh nộ là bản thân phải được tự do từ tâm linh đến thân thể. Đọc Kinh Thánh là phương pháp duy nhất để được thong dong,tự do từ tâm linh đến thân thể vì sẽ nói và làm theo đường lối Chúa “Tôi cũng sẽ bước đi thong dong, Vì đã tìm kiếm các giềng mối Chúa” (Thi Thiên 119:45).
Tăng khả năng bệnh tâm thần: thường xuyên chơi smartphone hoặc máy tính bảng là một yếu tố làm tăng trầm cảm, lo âu, rối loạn phản ứng gắn bó, rối loạn thiếu tập trung, rối loạn tâm thần. Nhưng một đời sống siêng năng đọc và giữ lời Chúa chắc chắn có sự khôn ngoan và trí hiểu “Các điều răn Chúa làm cho tôi khôn ngoan hơn kẻ thù nghịch tôi,… Tôi có trí hiểu hơn hết thảy kẻ dạy tôi, Vì tôi suy gẫm các chứng cớ Chúa” (Thi Thiên 119:98-99).
Méo mó mối quan hệ với mọi người: smartphone đã khiến con người rất hạn chế trong giao tiếp bằng lời nói, từ đó những mối quan hệ giữa người với người trở nên méo mó và rạn nứt. Nhưng trách nhiệm của Cơ Đốc Nhân là dạy dỗ, khích lệ hướng dẫn người khác bằng lời nói, và cách duy nhất để trở thành người có lời nói nâng đỡ kẻ mệt mỏi thì chính mỗi chúng ta phải đến với Lời Chúa trong tinh thần khao khát và khiêm nhường “Chúa Giê-hô-va đã ban cho ta cái lưỡi của người được dạy dỗ, hầu cho ta biết dùng lời nói nâng đỡ kẻ mệt mỏi. Ngài đánh thức ta mỗi buổi sớm mai, đánh thức tai ta để nghe lời Ngài dạy, như học trò vậy” (Ê-sai 50:4)
Có thể gây nghiện: một mặt thái độ nghiện smartphone cũng là một tội thờ thần tượng. Mặt khác, đó là một dạng bệnh lí mang tên “nomophobia” (không điện thoại) mà hậu quả là tự kỷ, cô độc, tự tạo vỏ bọc bình an, chủ nghĩa cá nhân, …đó là nếp sống không đẹp lòng Chúa. Nhưng “Phàm kẻ nào yêu mến luật pháp Chúa được bình yên lớn; Chẳng có sự gì gây cho họ sa ngã” (Thi Thiên 119:165), nghĩa là sự ham mến Lời Chúa mang lại sự an ninh thật, phước hạnh trọn vẹn và không phạm tội cùng Chúa.
Ảnh hưởng đến giấc ngủ: Dùng điện thoại thông minh, máy tính bảng hay các thiết bị đọc điện tử trước khi đi ngủ sẽ khiến khó đi vào giấc ngủ. Ánh sáng phát ra từ màn hình ức chế hoóc môn gây buồn ngủ và làm thay đổi chu kỳ ngủ – thức tự nhiên của cơ thể. Thay vì dành cả ngày lẫn đêm tiếp xúc với smartphone rồi nhận lấy hậu quả là sự mất ngủ thì hãy dành thời gian trước rạng đông và khi chưa khuya đến với Lời Chúa là nguồn khôn ngoan, nguồn sự sống, nguồn sự giải cứu hầu cho đời sống tràn đầy phước hạnh không chỗ chứa được “Tôi thức trước rạng đông và kêu cầu; Tôi trông cậy nơi lời Chúa. Canh đêm chưa khuya, mắt tôi mở tỉnh ra,Đặng suy gẫm lời Chúa” (Thi Thiên 119:147-148).
Dù vậy, chúng ta cũng không thể phủ nhận những ích lợi mà smartphone mang lại. Tuy nhiên, giữa ích lợi của smartphone và ích lợi của Kinh Thánh thì đâu là sự cứu tinh cho đời sống của chúng ta và đâu là kẻ tội đồ mang lại tác hại cả thuộc thể và thuộc linh nếu quá lạm dụng?
2/ Ích lợi của smartphone và ích lợi của Kinh Thánh:
Trước nhất, sự ra đời của smartphone đã đưa con người đến gần nhau hơn, không gian và vị trí địa lý không còn là sự ngăn trở thông tin liên lạc giữa mọi người. Nhưng nếu smartphone trở thành thứ không thể thiếu đối với chúng ta thì mặc nhiên chúng ta sẽ không còn thời gian để liên lạc với Chúa, dần dà chúng ta mất mối liên hệ với Chúa lúc nào cũng không hay. Kinh Thánh giúp liên lạc với Chúa)
Thứ hai, smartphone giúp chúng ta nghe những bản nhạc hay mang lại tinh thần sảng khoái. Chúng ta cũng biết rằng Kinh Thánh khiến linh hồn chúng ta hết ưu sầu, tuôn chảy giọt lệ mà vững bền tiến bước trong cuộc đời đầy thử thách “Linh hồn tôi, vì ưu sầu, chảy tuôn giọt lệ; Xin hãy làm cho tôi vững bền tùy theo lời Chúa”(Thi Thiên 119:28)
Thứ ba, smartphone giúp gia tăng kiến thức, thì Kinh Thánh lại là nguồn của sự khôn ngoan “và từ khi con còn thơ ấu đã biết Kinh thánh vốn có thể khiến con khôn ngoan để được cứu bởi đức tin trong Đức Chúa Jêsus Christ” (II Ti-mô-thê 3:15). Bởi vậy, trong chúng ta ai là người thấy mình kém khôn ngoan “hãy cầu xin Đức Chúa Trời, là Đấng ban cho mọi người cách rộng rãi, không trách móc ai, thì kẻ ấy sẽ được ban cho” (Gia-cơ 1:5)
Thứ tư, điện thoại giúp chúng ta thể hiện phong cách. Theo quan niệm nhiều người thì đẳng cấp của doanh nhân là chiếc Iphone, với các bạn trẻ phong cách trẻ trung năng động được thì chiếc điện thoại android là sự lựa chọn tốt nhất. Nhưng thực tế smartphone không thể giúp chúng ta củng cố và xây dựng nhân cách, ngược lại smartphone có thể phá hỏng nhân cách nếu chúng ta quá lạm dụng. Chỉ có Kinh Thánh mới là nền tảng để củng cố và xây dựng nhân cách Cơ Đốc của mỗi chúng ta “vì lời của Đức Chúa Trời là lời sống và linh nghiệm, sắc hơn gươm hai lưỡi, thấu vào đến đỗi chia hồn, linh, cốt, tủy, xem xét tư tưởng và ý định trong lòng” (Hê-bơ-rơ 4:12)
Thứ năm, điện thoại thông minh có thể thay thế Kinh Thánh hay không? Đây là một câu hỏi tưởng chừng khó trả lời nhưng thật ra chính câu hỏi cũng là câu trả lời. Nếu chúng ta trả lời được câu hỏi: vật chất tạm bợ của thế gian có thể thay thế cho lời sự sống đời đời hay không? Sự khôn ngoan đời này có thể thay thế cho sự khôn ngoan thiên thượng hay không?
Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng: “em thấy việc sử dụng smartphone để đọc và nghiên cứu Kinh Thánh cũng rất tốt mà, vì em thấy nhiều Mục sư cũng cầm smartphone để giảng thay vì cầm Kinh Thánh!” Dù việc sử dụng công nghệ hiện đại sẽ giúp ích cho chúng ta rất nhiều trong việc nghiên cứu Lời Chúa, nhưng quyển Kinh Thánh vẫn là nền tảng để chúng ta sử dụng. Nếu một ngày nào đó Hội Thánh không còn nhìn thấy những quyển Kinh Thánh thì sao? Thay vào đó toàn là những chiếc smartphone, trường hợp nếu không có điện trong một khoảng thời gian dài thì sao? Lúc đó dù có quyển Kinh Thánh trong tay cũng không biết lật, thì đâu là cơ sở để chúng ta làm chứng cho tha nhân, đâu là cơ sở để giảng Lời Chúa với Hội Thánh. Một Mục sư, Truyền Đạo mà không biết lật Kinh Thánh thì sao? Một tín đồ mà không biết sách Ma-thi-ơ ở Cựu Ước hay Tân Ước thì thế nào? hay sách A-ghê nằm ở phần nào trong Kinh Thánh? Bởi sử dụng smartphone để xem Kinh Thánh mà không biết vị trí của các sách đó nằm ở phần Cựu ước hay Tân ước, mục lục Kinh Thánh không còn thuộc nữa thì nguy to.
Smartphone là trí tuệ của nhân loại mang lại nhiều tiện ích cho cuộc sống hiện đại đầy năng động. Nhưng đối với Cơ Đốc Nhân thì Kinh Thánh vẫn mãi là nguồn của sự khôn ngoan, nguồn của sự sống. Chúng ta không hoàn toàn chống đối việc sử dụng smartphone, nhưng “mọi sự đều có phép làm nhưng chẳng phải mọi sự đều có ích; mọi sự đều có phép làm, nhưng chẳng phải mọi sự đều làm gương tốt” (I Cô-rinh-tô 10:23). Trong việc sử dụng smartphone cần nhắc nhở chính bản thân “thêm cho học thức sự tiết độ, thêm cho tiết độ sự nhịn nhục, thêm cho nhịn nhục sự tin kính” (II Phi-e-rơ 1:6), hãy luôn có chừng mực và tiết độ để trao dồi một đời sống tin kính đẹp lòng Đức Chúa Trời.
Ti-mô-thê Tạ