Xuất Ê-díp-tô Ký 5:10-18
10 Các đốc dịch và phái viên bèn ra, nói cùng dân chúng rằng: Pha-ra-ôn có phán như vầy: Ta chẳng cho các ngươi rơm nữa. 11 Hãy tự đi kiếm lấy rơm ở đâu thì đi; song chẳng trừ bớt công việc các ngươi chút nào. 12 Bấy giờ, dân chúng bèn đi rải khắp xứ Ê-díp-tô, đặng góp gốc rạ thế cho rơm. 13 Các đốc dịch lại hối rằng: Hãy làm cho xong phần việc các ngươi, y số định, ngày nào cho rồi ngày nấy, cũng như khi có phát rơm. 14 Những phái viên trong vòng dân Y-sơ-ra-ên mà các đốc dịch của Pha-ra-ôn đã lập lên trên dân đó, bị đánh và quở rằng: Sao hôm qua và ngày nay, các ngươi chẳng làm xong phần định về việc mình làm gạch y như trước?
15 Các phái viên của dân Y-sơ-ra-ên bèn đến kêu cùng Pha-ra-ôn rằng: Sao bệ hạ đãi kẻ tôi tớ như vậy? 16 Người ta chẳng phát rơm cho, lại cứ biểu chúng tôi rằng: Hãy làm gạch đi! Nầy tôi tớ của bệ hạ đây bị đòn; lỗi tại dân của bệ hạ.⚓ 17 Nhưng vua đáp rằng: Các ngươi là đồ biếng nhác, đồ biếng nhác! Bởi cớ đó nên nói với nhau rằng: Hè! đi tế Đức Giê-hô-va! 18 Vậy bây giờ, cứ đi làm việc đi, người ta chẳng phát rơm cho đâu, nhưng các ngươi phải nộp gạch cho đủ số.
Câu gốc: “Hãy yên lặng và biết rằng Ta là Đức Chúa Trời; Ta sẽ được tôn cao trong các nước, cũng sẽ được tôn cao trên đất” (Thi Thiên 46:10).
Câu hỏi suy ngẫm: Trước lệnh truyền của Pha-ra-ôn, những người đại diện dân Chúa làm gì? Tại sao họ tìm đến với vua? Bạn thường làm gì khi ở trong hoàn cảnh dường như không lối thoát?
Trước lệnh truyền của Pha-ra-ôn, không được cung cấp rơm nhưng vẫn đòi phải sản xuất đủ số lượng gạch, các đốc công người Ai Cập và những đại diện của người Y-sơ-ra-ên lui ra và thuật lại với người Y-sơ-ra-ên mọi lời vua đã truyền. Không được cung cấp rơm để nung gạch nữa, người Y-sơ-ra-ên phải đi tản mác khắp xứ Ai Cập để cắt những gốc rạ còn sót trên các cánh đồng. Công việc này làm dân Chúa thêm bội phần cực khổ, hao tốn nhiều sức lực, và thời gian của họ.
Hơn ai hết, các đại diện của người Y-sơ-ra-ên biết rõ nỗi cực nhọc của dân Chúa trong việc làm gạch. Nhưng khi vua triệu họ vào truyền một lệnh rất phi lý, thế mà họ đã yên lặng lui ra mà không dám lên tiếng để bênh vực cho dân mình. Hiển nhiên dân Chúa không thể nộp đủ số gạch như khi còn được phát rơm. Uất ức vì vừa bị dân Chúa phàn nàn, oán trách, vừa bị các đốc công quở mắng và đánh đập vì số lượng gạch không đạt chỉ tiêu, họ quay lại thưa kiện với vua về cư xử bất công của các đốc dịch. Họ xưng là đầy tớ của vua nhưng họ chẳng được vua thương xót (câu 15-16)! Thế nhưng, họ bị vua mắng họ là những người biếng nhác, lấy cớ đi tế lễ Đức Giê-hô-va để tránh công việc. Việc yết kiến vua thất bại khiến họ cảm thấy tệ hại hơn vì nhận thức được giá trị của họ không là gì trong mắt vua, và cuối cùng, dân Chúa vẫn phải bị bắt nộp đủ số gạch mỗi ngày.
Lâm vào tình cảnh bí lối, các đại diện của dân Chúa đã vô cùng sai lầm khi đặt niềm tin nơi Pha-ra-ôn mà họ nghĩ rằng vua sẽ thương xót và phán xét công bình. Nhiều lúc chúng ta rơi vào hoàn cảnh tuyệt vọng, nhưng cũng mong tìm ra tình yêu và công lý ở đời này. Chúng ta mãi xoay sở đến kiệt sức mà không thoát khỏi vũng bùn lầy lội. Chúng ta tìm cầu sự giải cứu từ những người có thế lực rồi lại rơi vào sự thất vọng càng hơn. Trong hoàn cảnh này, chúng ta phải ngửa trông sự giải cứu nơi Vua trên muôn vua, Đấng hết lòng yêu thương mình và có quyền lực trên cả vua chúa. “Chớ nhờ cậy nơi các vua chúa, cũng đừng nhờ cậy nơi con loài người, là nơi không có sự tiếp trợ” (Thi Thiên 146:3). Chúng ta cần thời gian tĩnh lặng, quỳ gối, và cúi đầu trước Chúa để sau đó có thể đứng thẳng với đời. Chúa đang tể trị và Ngài làm việc có kế hoạch, đúng thời điểm. Hãy tin cậy tuyệt đối nơi Ngài.
Bạn có đặt lòng tin tuyệt đối nơi Chúa dù trong hoàn cảnh nào không?
Lạy Chúa, cảm tạ ơn Ngài vì con được làm dân của Chúa. Xin cho con luôn kêu cầu và tin cậy nơi sự thương xót, sự giải cứu của Chúa, đặc biệt là lúc ở trong hoàn cảnh khốn cùng.
Đọc Kinh Thánh trong ba năm: Phục Truyền Luật Lệ Ký 4.
Phòng Truyền Thông phối hợp UB. Cơ Đốc Giáo Dục thực hiện.
Mọi ý kiến đóng góp xây dựng, xin quí vị vui lòng gởi về địa chỉ: radio@httlvn.org