Hằng Khẩn Cầu, Ca Ngợi và Cảm Tạ – 26/9/2019

2791

 

 I Sử Ký 16:4-6

4 Người lập mấy người Lê-vi hầu việc trước hòm của Đức Giê-hô-va, ngợi khen, cảm tạ, và ca tụng Giê-hô-va Đức Chúa Trời của Y-sơ-ra-ên: 5 A-sáp làm chánh, Xa-cha-ri làm phó, rồi thì Giê-i-ên, Sê-mi-ra-mốt, Giê-hi-ên, Ma-ti-thia, Ê-li-áp, Bê-na-gia, Ô-bết-Ê-đôm, và Giê-i-ên, đều cầm nhạc khí, đàn cầm và đàn sắt; còn A-sáp nổi chập chỏa vang lên. 6 Bê-na-gia và thầy tế lễ Gia-ha-xi-ên đều hằng thổi kèn ở trước hòm giao ước của Đức Chúa Trời.

Câu gốc:  “Bốn con sinh vật ấy mỗi con có sáu cánh, chung quanh mình và trong mình đều có mắt; ngày đêm lúc nào cũng nói luôn không dứt: Thánh thay, thánh thay, thánh thay là Chúa, là Đức Chúa Trời, Đấng Toàn năng” (Khải Huyền 4:8a).

Câu hỏi suy ngẫm: Vua Đa-vít lập những người Lê-vi hầu việc trước Hòm Giao Ước sau sự kiện gì? Công việc hằng ngày của họ là gì? Vì sao Vua Đa-vít làm điều này? Trong đời sống hằng ngày, hoạt động nào được bạn xem là quan trọng nhất?

Sau khi rước Hòm Giao Ước về Giê-ru-sa-lem thì Vua Đa-vít phân công người Lê-vi hầu việc trước Hòm. Họ chịu trách nhiệm thờ phượng bằng âm nhạc, đó là dâng lên lời khẩn cầu và cảm tạ qua những Thi Thiên và dùng những bài hát để ca ngợi Chúa. Nhiệm vụ chính của họ là cầu nguyện, cảm tạ và ca ngợi Chúa hằng ngày trước Hòm Giao Ước. Ở đây, chúng ta thấy những người Lê-vi được giao nhiệm vụ này cũng là những người có tên trong danh sách ca ngợi Chúa khi đi thỉnh Hòm Giao Ước từ nhà ông Ô-bết Ê-đôm về Giê-ru-sa-lem (I Sử Ký 15). Điều này cho thấy đối với Vua Đa-vít, việc khẩn cầu, cảm tạ và ca ngợi Chúa không chỉ diễn ra vào những ngày đặc biệt nào đó mà là hoạt động thường xuyên, diễn ra hằng ngày trước sự hiện diện của Chúa. Đối với ông, đây là điều quan trọng nhất trong đời sống của người thờ phượng Chúa.

Trong câu 6 chúng ta cũng thấy “Bê-na-gia và thầy tế lễ Gia-ha-xi-ên đều hằng thổi kèn ở trước hòm giao ước của Đức Chúa Trời.” “Hằng thổi kèn” còn được dịch là “thường xuyên thổi kèn”. Trong tiếng Hê-bơ-rơ, chữ tamid, được dịch là “thường xuyên”. Chữ này chỉ được sử dụng tám lần trong các sách Sử Ký nhưng lại được dùng đến bốn lần trong chương 16 này (câu 4, 11, 37, 40) để chỉ về sự hầu việc, thờ phượng thường xuyên trước Hòm của Chúa.

Sách Khải Huyền cũng có nói về bốn con sinh vật “ngày đêm lúc nào cũng nói luôn không dứt: Thánh thay, thánh thay, thánh thay là Chúa,… các sinh vật lấy những sự vinh hiển, tôn quý, cảm tạ mà dâng cho Đấng ngự trên ngôi…” (Khải Huyền 4:8-9). Sự thờ phượng Chúa, dâng lên Ngài những ca ngợi và cảm tạ là điều Chúa đẹp lòng vì Ngài xứng đáng được ca ngợi, tôn vinh như vậy. Đây là hoạt động ngày đêm không dứt ở thiên đàng.

Khác với tương lai ở thiên đàng, nơi đó chỉ có sự ca ngợi và cảm tạ Chúa, ngày nay trên đất này, cũng giống như người Lê-vi ngày xưa, chúng ta còn đến với Chúa qua sự khẩn cầu, dâng lên Ngài những lời cầu nguyện tha thiết. Sự dâng lên Chúa lời khẩn cầu, ca ngợi, cảm tạ không chỉ được thực hiện vào ngày Chúa nhật nhưng phải được thực hiện mỗi ngày trong đời sống chúng ta.

Đời sống hằng ngày của bạn có phải là đời sống khẩn cầu, cảm tạ, ca ngợi Chúa không? Bạn có tổ chức, tham dự gia đình lễ bái để cùng với những người thân của mình khẩn cầu, cảm tạ, ca ngợi Chúa mỗi ngày không?

Lạy Chúa, xin cho con trung tín đến với Chúa qua thì giờ cầu nguyện, cảm tạ, ca ngợi Ngài mỗi ngày cho chính bản thân cũng như gia đình con.

 

Đọc Kinh Thánh trong ba năm: II Sử Ký 30.

Phòng Truyền Thông phối hợp UB. Cơ Đốc Giáo Dục thực hiện.

Mọi ý kiến đóng góp xây dựng, xin quí vị vui lòng gởi về địa chỉ: radio@httlvn.org

Bài trướcChi Hội Tân Hiệp, Bắc Trà My, Quảng Nam: Hội Thánh Người Cadong Lần Đầu Có Quản Nhiệm
Bài tiếp theoThơ: Một Đời Hai Ngã