Giáng Sinh Với Người Phung Cùi.

671

HTTLVN.ORG – Có lẽ là người ai trong chúng ta cũng muốn có một thân thể lành lặng, khỏe mạnh và dễ coi. Thế nhưng ở đời, đâu phải điều gì ta muốn thì luôn được toại nguyện phải không? Có những thẹo tích muôn đời vẫn là thẹo tích, dù cho ngành thẩm mỹ ngày nay có hiện đại cỡ nào cũng đành bó tay. Có lẽ bạn đọc rất ngạc nhiên và hỏi rằng tại sao? Thưa bạn, điều tôi muốn nói đến đó những thẹo tích bên trong, đó là những thương tổn tận sâu trong đáy lòng, đó là di chứng phung, đó là những định kiến mà con người đã vô tình đẩy dạt những mãnh đời bất hạnh này sang bên lề cuộc sống.

 

Họ là ai? Họ là những con người bình thường bằng xương bằng thịt, vẫn khối óc, con tim cùng với tâm hồn khao khát sống và được sống trong yêu thương,được chan hòa trong tình người và được cùng chung một dòng chảy của cộng đồng, xã hội và nhân loại. Họ là những con người đã mang phải di chứng phung. Di chứng đó đã làm cho thân thể của họ không còn nguyện vẹn hoặc là bị biến dạng theo dòng thời gian.

 

Di chứng phung có thể làm cho bệnh nhân đui mù và mất cả cảm giác. Vi khuẩn đó làm cho thân thể lở loét và có thể dẫn đến tàn phế. Khi vi khuẩn này đi vào thân thể thì luôn để lại những thẹo tích rất khó coi. Nếu người bệnh không được chăm sóc đúng mức thì từ những chỗ lở loét đó có thể tiết ra một thứ nước rất tanh và hôi. Dù mức độ lây lan từ người này sang người kia không cao như ho lao hay là những bịnh khác. Nhưng với định kiến ngàn đời, nhiều người rất ngại tiếp xúc với người phung. Dĩ nhiên việc đó đến từ nhiều lý do, nhưng một trong những lý do rất phổ quát đó là vì sợ bị lây bịnh.

 

Ở tại Việt Nam, ngoài những bệnh viện lớn, những trung tâm tốt để phục vụ cho những người phung thì rải rác đây đó trên vùng cao nguyên có nhiều người phung, họ sống co cụm lại thành nhóm, họ đùm bọc, lo lắng cho nhau nhưng hoàn toàn cách biệt với cộng đồng bên ngoài. Tại làng cùi Hòa Vân, có người gọi đó là đảo Hòa Vân cũng na ná như vậy, bởi vì nó biệt lập với cộng đồng bên ngoài.

 

Tôi đã đến thăm họ rất nhiều lần, đã nghe những mẩu tâm sự thật buồn của những cuộc đời thật đáng thương. Cũng là một kiếp người nhưng ước mơ của họ thật rất đơn sơ, họ thèm được một cái siết tay thân ái, một cái choàng vai thân tình, một cử chỉ của sự cảm thông. Để rồi trong họ được gieo trồng một niềm tin, tin rằng vẫn còn đây có những con người sẵn sàng cởi bỏ mọi sợ sệt, mọi bờ rào định kiến để đến với họ trong bác ái và bao dung.

 

Có những đứa bé mơ ước được đến trường, để được hòa vào dòng chảy tri thức của nhân loại. Có em đã cố gắng vượt qua rất nhiều khó khăn để đến trường học cùng với những đứa bé lành lặng khác trong đất liền hoặc tại đồng bằng. Thế nhưng cũng có một số trường hợp lặng lẽ bỏ trường trong tiếc nuối, trong tủi phận. Tại sao? Vì thái độ nông nổi của các bạn cùng lớp cùng trường khi biết được gia cảnh của những em lớn lên trong gia đình phung.

 

Tôi cũng nghe những tiếng nấc nghẹn ngào của những người phung sống lâu năm tại làng phung hoặc đảo phung. Họ khóc vì nhớ những người thân yêu, họ khóc vì bị đùn đẩy, họ khóc vì sự thị phi của con người đã đẩy dạt họ ra bên lề cuộc sống.

1 

Khi bạn đọc những dòng chữ này thì không khí Giáng Sinh đang tràn về, rộn rực khắp nơi. Các cửa hàng bày ra đủ mọi đồ dùng về Giáng Sinh, người người, nhà nhà đang chuẩn bị mua sắm để đón mừng một Đại Lễ Giáng Sinh. Âu đó cũng là điều rất cần thiết và phải lẽ. Chúng ta có thể "Tôn Ngợi Chúa Giáng Sinh" qua nhiều hình thức khác nhau, nhưng không kém phần ý nghĩa. Tôi trộm nghĩ rằng, "Tôn Ngợi Chúa Giáng Sinh" cần được thể hiện qua những hành động thật cụ thể và thực tế, đó là sự chia sớt chiếc bánh yêu thương cho người kém may mắn quanh ta.

 

 

2Có lẽ bạn đang nôn nào chuẩn bị cho Đại Lễ Giáng Sinh cùng với bao trang hoàng nào đèn, nào hoa, nào quà. Nhưng bạn ơi! Hãy nhớ rằng rải rác trên khắp chữ S thân yêu – quê hương của chúng ta vẫn có hàng ngàn, hàng ngàn người phung cùi. Họ đang cần, đang đói và đang thèm- thèm một tình yêu chân thật của tình người quanh ta, nhất là tình thương từ những con người Cơ đốc. Và tôi nghĩ rằng bạn có thể nghĩ suy và làm được một điều gì đó cho người phung cùi trong mùa kỷ niệm Cứu Chúa Giáng Sinh năm nay!

 

 

CTV. MS. Huỳnh Trung Thiên

Bài trướcBản Tin Mục Vụ Số 26 Phát Hành.
Bài tiếp theoBài 336: Thế Gian