Được Yêu Để Yêu – 8/6/2018

2812

 

I Giăng 4:11-16

11 Hỡi kẻ rất yêu dấu, nếu Đức Chúa Trời đã yêu chúng ta dường ấy, thì chúng ta cũng phải yêu nhau. 12 Chưa hề có ai thấy Đức Chúa Trời; nếu chúng ta yêu nhau, thì Đức Chúa Trời ở trong chúng ta, và sự yêu mến Ngài được trọn vẹn trong chúng ta. 13 Bởi điều nầy chúng ta biết mình ở trong Ngài và Ngài ở trong chúng ta, là Ngài đã ban Thánh Linh Ngài cho chúng ta. 14 Chúng ta lại đã thấy và làm chứng rằng Đức Chúa Cha đã sai Đức Chúa Con đặng làm Cứu Chúa thế gian. 15 Ví bằng có ai xưng Đức Chúa Jêsus là Con Đức Chúa Trời, thì Đức Chúa Trời ở trong người, và người ở trong Đức Chúa Trời. 16 Chúng ta đã biết và tin sự yêu thương của Đức Chúa Trời đối với chúng ta. Đức Chúa Trời tức là sự yêu thương, ai ở trong sự yêu thương, là ở trong Đức Chúa Trời, và Đức Chúa Trời ở trong người ấy. 

Câu gốc: “Hỡi kẻ rất yêu dấu, nếu Đức Chúa Trời đã yêu chúng ta dường ấy, thì chúng ta cũng phải yêu nhau” (câu 11).

Câu hỏi suy ngẫm: Động lực nào thúc đẩy Cơ Đốc nhân sống yêu thương? Câu 12-16 cho thấy những đặc tính nào của việc Đức Chúa Trời bày tỏ tình yêu khiến động lực này trở nên mạnh mẽ? Bạn nhận biết thế nào về sức mạnh của tình yêu thương?

Từ “dường ấy” trong câu 11 cho thấy Chúa yêu chúng ta quá nhiều! Nhiều bao nhiêu? Chúng ta chỉ biết rằng tình yêu đó nhiều đến nỗi Ngài phải ban Con Một Ngài cho chúng ta (câu 14). Thất bại trong việc nhận biết giá trị và phẩm chất của tình yêu Chúa dẫn chúng ta đến thất bại trong việc đáp ứng thích đáng với tình yêu đó. Hơn thế nữa, “nếu chúng ta yêu nhau, thì Đức Chúa Trời ở trong chúng ta… Bởi điều này chúng ta biết mình ở trong Ngài và Ngài ở trong chúng ta, là Ngài đã ban Thánh Linh Ngài cho chúng ta” (câu 12a,13). Chúng ta có thể cho tiền, quần áo, hoặc đến thăm những người nghèo khổ, neo đơn… Nhưng chắc không ai đem họ về nhà mình để chăm sóc, hoặc bỏ nhà mình đến sống với họ. Nhưng đó là điều Chúa đã làm cho chúng ta! Chúa không chỉ cứu chúng ta mà còn muốn “ở trong” chúng ta và chúng ta “ở trong” Ngài. Qua chức vụ và sự hiện diện của Đức Thánh Linh, Chúa muốn có một mối liên hệ không bao giờ bị phá vỡ giữa Ngài và chúng ta.

Không phải quy định của luật pháp, hay sợ hình phạt, nhưng chính tình yêu “dường ấy” của Đức Chúa Trời khiến cho những người nhận được món quà cứu rỗi phải sống cuộc đời yêu thương (câu 11). “Khi một người cho mình là con cái Chúa, nhưng không có thời gian để thông công với anh em, chỉ trích và coi thường Hội Thánh, thực hành sự tận hiến cô độc, chúng ta cần phải hỏi xem Chúa có thật sự sống trong người đó hay không? Nơi đâu sự sống của Chúa đang tác động, nó sẽ làm dịu đi sự cay đắng, làm tan đi sự cứng cỏi, và làm nảy nở tình yêu” (theo John R. W. Stott).

Không những thế, sống yêu thương còn là phương cách bày tỏ Đức Chúa Trời cho người khác. Những người quanh ta không nhìn thấy Đức Chúa Trời và họ cũng sẽ không nhận biết Ngài yêu thương họ cho đến khi chính chúng ta bày tỏ tình yêu của Ngài cho họ (câu 12).

Mục sư John MacArthur viết rằng: “Tình yêu thương đã bắt nguồn trong Đức Chúa Trời và đã được bày tỏ rõ ràng trong Con Ngài, thì ngày nay được thể hiện trong con dân Ngài. Đức Chúa Trời vô hình được bày tỏ chính Ngài thông qua tình yêu hữu hình của những tín hữu.”

Tình yêu của Đức Chúa đã thay đổi cuộc đời của tôi và bạn, và Ngài cũng muốn dùng tình yêu mà chúng ta nhận được từ Ngài để thay đổi nhiều cuộc đời quanh ta. Chúng ta có đang sẵn sàng để bày tỏ tình yêu Chúa không?

Tạ ơn Chúa vì Ngài đã yêu con, chọn con, hy sinh vì con, để con trở nên con cái Ngài, và để con được sống trong Ngài. Xin cho con bày tỏ tình yêu mà con đã nhận nơi Chúa đến cho người khác.

 

Đọc Kinh Thánh trong ba năm: Châm Ngôn 10.

Phòng Truyền Thông phối hợp UB. Cơ Đốc Giáo Dục thực hiện.

Mọi ý kiến đóng góp xây dựng, xin quí vị vui lòng gởi về địa chỉ: radio@httlvn.org

Bài trướcBày Tỏ Bằng Hành Động – 7/6/2018
Bài tiếp theoBồi Dưỡng Chấp Sự Tỉnh Kon Tum