Nê-hê-mi 7:1-7
1 Khi vách thành đã xây xong, và tôi đã tra các cánh cửa, lập những người giữ cửa, kẻ ca hát, và người Lê-vi trong chức việc của họ, 2 thì tôi giao phó việc cai trị Giê-ru-sa-lem cho Ha-na-ni, em tôi, và cho Ha-na-nia, quan tể cung; vì là một người trung tín và kính sợ Đức Chúa Trời hơn nhiều kẻ khác. 3 Tôi dặn chúng rằng: Chớ mở các cửa Giê-ru-sa-lem trước khi mặt trời nắng nóng; người ta phải đóng cánh cửa, và gài then lại trong lúc kẻ giữ cửa còn ở tại đó; lại phải đặt người trong dân Giê-ru-sa-lem thay phiên mà canh giữ, mỗi người đứng canh nơi đối ngang nhà mình. 4 Vả, thành thì rộng rãi lớn lao, còn dân sự ở trong nó lại ít, và nhà mới thì chưa có cất.
5 Đức Chúa Trời tôi có cảm động lòng tôi chiêu tập những người tước vị, các quan trưởng, và dân sự, đặng đem chúng vào sổ từng gia phổ. Tôi có tìm đặng một cuốn bộ gia phổ của những người trở lên lần đầu, và trong đó tôi thấy có ghi rằng: 6 Nầy là các người tỉnh Giu-đa từ nơi làm phu tù được trở lên, tức những kẻ thuộc trong bọn bị Nê-bu-cát-nết-sa bắt dẫn tù; chúng trở lại Giê-ru-sa-lem và xứ Giu-đa, ai nấy đều về bổn thành mình; 7 chúng trở về với Xô-rô-ba-bên, Giê-sua, Nê-hê-mi, A-xa-ria, Ra-a-mia, Na-ha-ma-ni, Mạc-đô-chê, Binh-san, Mích-bê-rết, Biết-vai, Nê-hun, và Ba-a-na.
Câu gốc: “Đức Chúa Trời tôi có cảm động lòng tôi chiêu tập những người tước vị, các quan trưởng, và dân sự, đặng đem chúng vào sổ từng gia phổ” (câu 5a).
Câu hỏi suy ngẫm: Câu 4 cho thấy tình hình dân cư Y-sơ-ra-ên thế nào? Ông Nê-hê-mi đã làm gì để củng cố lại tình hình dân Y-sơ-ra-ên lúc bấy giờ? Những việc làm đó giúp ích gì cho dân Y-sơ-ra-ên? Bạn học được gì qua cách lãnh đạo của ông Nê-hê-mi?
Dù tường thành Giê-ru-sa-lem đã hoàn tất nhưng tình hình dân cư Y-sơ-ra-ên lúc bấy giờ còn thưa thớt, nhà cửa chưa được xây cất nhiều (câu 4), nên họ có thể bị các dân tộc chung quanh tấn công bất cứ lúc nào. Dưới sự hướng dẫn của Đức Chúa Trời, ông Nê-hê-mi là một người lãnh đạo khôn ngoan luôn biết rõ cần phải làm gì trong những giai đoạn khác nhau. Dân Y-sơ-ra-ên cần củng cố tình hình dân cư trong thành Giê-ru-sa-lem, cũng như thận trọng trong công tác đề phòng giặc ngoại xâm. Đây là một trong những công việc quan trọng không thể lơ là, bởi chúng ta đừng quên trong vòng dân Y-sơ-ra-ên có những người sẵn sàng cung cấp tin tức cho kẻ thù của họ (6:17). Thật không hề thừa hay lo xa khi ông Nê-hê-mi phân công những nhóm người khác nhau phụ trách những công việc khác nhau (câu 1). Hơn nữa, ông còn căn dặn từng chi tiết cụ thể về thời gian đóng và mở cửa thành, hay về việc cửa thành lúc nào cũng phải có người canh giữ. Không dừng lại tại đó, ông còn được sự thúc giục từ Chúa rằng cần phải soát xét lại từng gia phổ của từng dòng tộc trong dân Y-sơ-ra-ên, để đưa mọi thứ vào đúng trật tự của guồng máy làm việc. Có thể nói ông Nê-hê-mi đang thiết lập lại hệ thống an ninh và đồng thời cũng quan tâm đến việc tổ chức lại đời sống trong dân Y-sơ-ra-ên, nhằm bảo vệ dân Chúa để họ có thể sống yên bình đằng sau sự che chắn của vách tường thành. Từ cách lãnh đạo của ông Nê-hê-mi, chúng ta nhận biết mục đích của việc hoàn tất vách tường thành là để bảo vệ dân Chúa sống an bình, có thể trở về nếp sống sinh hoạt như tổ phụ họ trước kia, chứ không phải để khoe khoang hay lên mặt với các dân tộc chung quanh. Với ông Nê-hê-mi, xây dựng vách tường thành là quan trọng, nhưng việc gây dựng lại cộng đồng dân Chúa còn quan trọng hơn nhiều lần.
Bài học về cách lãnh đạo của ông Nê-hê-mi nhắc chúng ta về một phương diện, có thể nói nhu cầu xây cất nhà thờ để phục vụ cho những sinh hoạt của con dân Chúa là quan trọng, nhưng cũng đừng quên, việc gây dựng con người lại càng quan trọng hơn. Có ích chi khi chúng ta sở hữu những cơ sở vật chất to đẹp, mà tình trạng con dân Chúa nhóm lại thờ phượng Chúa thưa thớt, đời sống tâm linh thì èo uột.
Bạn có đang vì những công việc tưởng chừng là quan trọng mà lại lãng quên việc gây dựng đời sống tâm linh của con dân Chúa không?
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con được sự khôn ngoan từ Ngài để con biết rằng đời sống tâm linh của từng con người quan trọng hơn những cơ sở vật chất mà chúng con có hay đang nỗ lực để có.
Đọc Kinh Thánh trong ba năm: Thi Thiên 140-141.
Phòng Truyền Thông phối hợp UB. Cơ Đốc Giáo Dục thực hiện.