Cơ Đốc Nhân Nên Ăn Mặc Như Thế Nào?

12033

Một Chúa nhật nọ, khi đang bước lên các bậc thang để vào thánh đường, tôi bắt gặp hai em thiếu niên nữ đang ngồi trên cầu thang. Các em không chỉ cản đường, mà còn ngồi với tư thế vô cùng bất lịch sự trong chiếc váy ngắn, để lộ nhiều hơn những gì các em biết. Tôi thấy đau lòng. Thật là khó xử cho quý ông và các em trai khi đi lên những bậc thang này.

Một Chúa nhật khác, một phụ nữ mặc chiếc áo kiểu khoét cổ sâu chào hỏi mọi người trên lối đi giữa các hàng ghế trước giờ nhóm. Mỗi lần cô cúi người bắt tay, cánh đàn ông phải nhìn về hướng khác.

Chúng ta không có “bộ luật trang phục” khi đi nhóm, nhưng rõ ràng nhiều người hoàn toàn không có chút khái niệm gì về sự ăn mặc đứng đắn.

Đây không phải là lúc để chúng ta hỏi “Chúa Giê-xu sẽ mặc gì?” Nhưng tôi tin Kinh Thánh nói rõ rằng một vài vấn đề liên quan đến trang phục là vấn đề của tấm lòng. Một số khác, phần nhiều liên quan đến văn hóa.

Ví dụ, Cựu Ước nhận biết những điểm khác biệt tự nhiên giữa hai phái (Sáng Thế Ký 1:27) và căn dặn không được mặc quần áo của người khác phái (Phục Truyền 22:5). Một số học giả cho rằng lệnh cấm này bắt nguồn từ việc lạm dụng quần áo cụ thể giữa vòng dân sự Chúa, có lẽ liên quan đến sự lệch lạc giới tính hay học theo sự thờ phượng ngoại giáo.

Liên quan đến việc này, việc mặc quần dài đã gây nên vấn đề tranh cãi ở một vài nơi. Một vài lãnh đạo Hội Thánh dạy rằng phụ nữ không bao giờ được mặc quần tây dài vì đó là trang phục nam giới mặc lâu nay, khi mặc như vậy là đang mặc quần áo của người khác phái. Nhưng điều buồn cười là ngay cả trong thời Kinh Thánh nam giới cũng không mặc quần dài. Do đó, chúng ta thấy việc áp dụng Lời Chúa cũng không được quá máy móc và phải phù hợp với văn hóa nữa. Việc phụ nữ nên mặc gì hay không nên mặc gì là vấn đề thuộc về lương tâm của người nữ đó trước mặt Chúa (Rô-ma 14:23; Ga-la-ti 2:20).

Cũng có nhiều sự ngăn cấm liên quan đến văn hóa trong thời Cựu Ước chỉ dành cho người Do Thái. Ví dụ: người Do Thái không được mặc quần áo dệt bằng len và ny-lông chung với nhau (Phục Truyền 22:11). Người ta cho rằng lý do là tượng trưng cho sự biệt riêng cho Chúa, nhưng không ai biết chắc tại sao.

Có một điều rõ ràng, đó là với Cơ Đốc nhân, Giao ước mới đã thay thế luật Cựu Ước quy định về lễ nghi. Những người theo Đấng Christ được tự do khỏi sự ràng buộc cứng nhắc vào các luật lệ được áp đặt trên người Do Thái (Rô-ma 8:1-2; Ga-la-ti 5:13-14).

Tân Ước có đưa ra vài nguyên tắc về trang phục. Trong I Ti-mô-thê 2:9-10 (Bản Truyền Thống Hiệu Đính), Phao-lô nói với Ti-mô-thê “…phụ nữ nên ăn mặc đứng đắn, trang điểm giản dị và lịch sự, không bới tóc cầu kỳ hay đeo vàng, ngọc hoặc dùng quần áo đắt tiền, nhưng làm các việc thiện, là điều phù hợp với người phụ nữ tin kính.”

Phi-e-rơ cũng nêu lên một khái niệm tương tự ở I Phi-e-rơ 3:2-5, và nhiều khả năng hai sứ đồ viết hai phân đoạn này là nhằm tránh hành vi khiếm nhã trong Hội Thánh. Bím tóc, trang sức và áo quần lòe loẹt là kiểu mẫu trong cung điện Hy Lạp – La Mã. Chúa Giê-xu đã thách thức nền văn hóa trọng nam khinh nữ khi đối xử với người nữ một cách bình đẳng, còn Phao-lô tuyên bố rằng mọi tín hữu đều như nhau trong gia đình Đức Chúa Trời (Ga-la-ti 3:26-29). Nhưng có lẽ một vài người nữ đã đi quá xa với sự tự do mới của mình. Có lẽ họ chấp nhận những kiểu trang phục khiếm nhã và tập chú quá nhiều vào thời trang, gây tổn hại đến tư cách và lời chứng của họ.

Dù tiêu chuẩn phục trang thay đổi theo thời gian, nhưng khuôn mẫu Kinh Thánh sẽ mãi mãi “hợp thời”, đó là sự thùy mì, trang nhã và đúng mực – cùng sự nhạy bén với những chuẩn mực và giá trị của cộng đồng Hội Thánh.

Một số người thích theo thời trang, còn một số khác thì ăn mặc đơn giản; nhưng tình yêu thương, chứ không phải sự so sánh, phải ngự trị trong Hội Thánh. Tín hữu có mặt trong mọi tầng lớp xã hội, từ một người công nhân đơn sơ cho đến nhóm doanh nhân thượng lưu, còn Thân thể Đấng Christ được dành cho sự hiệp một (I Cô-rinh-tô 11:20-22; Ga-la-ti 3:28). Con cái Chúa phải cẩn thận để không xem thường hay phân biệt đối xử với nhau vì địa vị và trang phục (Gia-cơ 2:1-9).

Câu hỏi chính mà mỗi Cơ Đốc nhân nên hỏi là “Tôi đang muốn nói gì hay bày tỏ điều gì qua cách tôi chọn trang phục?”

Chúng ta có thể rút ra ít nhất bảy nguyên tắc trong Kinh Thánh về việc lựa chọn trang phục:

  1. Trang phục của tôi có thể hiện tinh thần vâng phục Chúa và cam kết với sự thánh khiết không? (Rô-ma 12:1; Tít 2:11-12; I Ti-mô-thê 2:10). Nói như vậy không có nghĩa là một người “giản dị” thì vâng phục hơn hay “người ăn mặc khác thường” thì không vâng phục. Nhưng Đức Chúa Trời nhìn thấy tấm lòng. Cụ thể với phụ nữ, Phao-lô nói tín hữu nên trang sức bằng sự thanh khiết, sao cho phù hợp để thờ phượng Chúa với lòng tôn kính và trang nghiêm.
  2. Tôi tập chú vào tấm lòng mình hay chỉ là quần áo? (I Sa-mu-ên 16:7; Châm Ngôn 31:30). Chúng ta phải phân biệt giữa cách đánh giá vẻ đẹp và sự quyến rũ của thế gian với vẻ đẹp thật sự của nhân cách bên trong. Trau dồi lòng tin kính phải là ưu tiên của chúng ta.
  3. Cách tôi chọn lựa quần áo có phù hợp với tâm trí được biến đổi không? (Rô-ma 12:2) Một dấu hiệu của sự thay đổi bởi Đức Thánh Linh là tiết độ. Chúng ta học cách làm chủ những điều mình ham thích và những sự bốc đồng (Rô-ma 6:12-13). Lựa chọn khôn ngoan ấy là quyết định dùng sự tự do trong Đấng Christ thay vì cố gắng làm theo đời này rồi trở thành nô lệ cho những sở thích thời trang. Tương tự, môn đồ của Đấng Christ được tạo dựng để làm việc lành (Ê-phê-sô 2:10; Tít 2:14) và nên ăn mặc sao cho thu hút lẫn thiết thực để có thể phục vụ người khác tốt hơn.
  4. Tôi có thỏa lòng về việc mua sắm quần áo cho mình không? (Ma-thi-ơ 6:28-30) Đức Giê-hô-va sẽ chu cấp cho nhu cầu của chúng ta, nhưng không phải cho tất cả những điều chúng ta muốn. Nếu chúng ta cứ bận tâm về tủ quần áo và muốn có thêm, thì chúng ta đang bỏ mất cơ hội đáp ứng nhu cầu của người khác.
  5. Tôi có thể hiện sự khiêm tốn và chín chắn trong cách mình ăn mặc không? (I Phi-e-rơ 5:5b) Khiêm tốn không phải là chống lại thời trang, mà là ủng hộ sự tô điểm theo cách tin kính (I Ti-mô-thê 2:8). Tín hữu nên tô điểm cho chính mình một cách chín chắn và lịch sự. Sự chín chắn theo văn hóa là yếu tố quan trọng. Phao-lô thừa nhận điều được truyền thông bởi nền văn hóa Hy Lạp – La Mã và cảnh báo Cơ Đốc nhân không bắt chước những mẫu thời trang trong thời của ông thể nào, thì chúng ta cũng phải cẩn thận trước những thông điệp và giá trị mà trang phục có thể truyền đạt thể ấy.
  6. Tôi có mặc lấy sức lực và oai phong không? (Châm Ngôn 31:25a) Chúng ta nên tô điểm đời sống mình bằng lòng tôn kính đối với Chúa và tư cách đứng đắn- thể hiện phẩm giá và lòng tôn trọng chính mình cũng như người khác.
  7. Quần áo của tôi có làm cho Chúa được vinh hiển không? (I Cô-rinh-tô 6:19-20; 10:31) Chúng ta không thuộc về chính mình. Những điều chúng ta lựa chọn phải phản chiếu uy quyền của Chúa trong đời sống chúng ta và phản chiếu mong ước của chúng ta là tôn kính Ngài.

Lạy Cha, con được tạo dựng theo hình ảnh của Ngài và con muốn tôn kính Ngài trong mọi việc, ngay cả trong cách con lựa chọn quần áo. Xin ban cho con sự khôn ngoan và lòng sáng suốt để đời sống con làm đẹp lòng Chúa và lời chứng của con sẽ thu hút được nhiều người đang nhìn xem con đến với Ngài.

Khuê Trần dịch
Nguồn: Dawn Wilson/CrossWalk

Bài trước120 Phụ Nữ Tin Chúa Trong Chương Trình Truyền Giảng Tại Lâm Đồng
Bài tiếp theoBầu Cử Tân Ban Đại Diện Tin Lành TP.HCM