Chuẩn Mực Tuyệt Vời – 4/7/2018

4057

 

Lu-ca 6:36-38                       

36 Hãy thương xót như Cha các ngươi hay thương xót. 37 Đừng đoán xét ai, thì các ngươi khỏi bị đoán xét; đừng lên án ai, thì các ngươi khỏi bị lên án; hãy tha thứ, người sẽ tha thứ mình. 38 Hãy cho, người sẽ cho mình; họ sẽ lấy đấu lớn, nhận, lắc cho đầy tràn, mà nộp trong lòng các ngươi; vì các ngươi lường mực nào, thì họ cũng lường lại cho các ngươi mực ấy.

Câu gốc: “Hãy thương xót như Cha các ngươi hay thương xót. Đừng đoán xét ai, thì các ngươi khỏi bị đoán xét; đừng lên án ai, thì các ngươi khỏi bị lên án; hãy tha thứ, người sẽ tha thứ mình” (câu 36-37).

Câu hỏi suy ngẫm: Chúa Giê-xu dạy các môn đệ điều gì? Ngài dựa vào chuẩn mực nào để dạy dỗ họ? Những lời dạy của Chúa nhắc chúng ta điều gì về nếp sống yêu thương, tha thứ?

Sau khi Chúa Giê-xu khuyên dạy các môn đệ về cách sống với người như hãy yêu kẻ thù, làm ơn cho người ghét mình, cầu nguyện cho người sỉ nhục mình, hãy ban cho… (câu 27-31), Chúa Giê-xu kêu gọi các môn đệ “hãy thương xót.” Nhưng không phải chỉ thương xót nhất thời theo cảm xúc mà “hãy thương xót như Cha các ngươi hay thương xót” (câu 36). Chúa đã dùng chuẩn mực tuyệt vời của Đức Chúa Cha là Đấng có lòng thương xót, hay làm ơn (Thi Thiên 103:8) để dạy các môn đệ làm nền tảng sống yêu thương, tha thứ. Lòng thương xót của Đức Chúa Trời xuất phát từ tình yêu Ngài dành cho nhân loại và không thể so sánh được. Ngài yêu vô điều kiện, sẵn sàng tha thứ, và vui lòng hy sinh vì chúng ta. Vì thế, Chúa Giê-xu kêu gọi chúng ta hãy nhớ lại ơn thương xót ấy mà đối đãi với người khác cũng bằng lòng thương xót. Chúng ta được nhận từ Chúa những gì, hãy ban cho những điều ấy.

Một trong những kết quả của lòng thương xót đó là tha thứ. Khi chúng ta nghĩ đến người khác bằng tình yêu thương thì dù họ có làm tổn thương, xúc phạm chúng ta, chúng ta cũng sẵn sàng tha thứ. Và một khi đã tha thứ được thì chúng ta sẽ không lên án và không nghĩ cách trả thù người đó. Từ đó, chúng ta sẽ dễ dàng ban cho mà không cần nhận lại. Từ “tha thứ” trong nguyên ngữ là “apoluo” có nghĩa là trả tự do, tha bổng, không bắt tội. Vì thế, khi tha thứ cho ai có nghĩa là chúng ta không ôm giữ lỗi lầm của người đó trong lòng nữa mà sẽ nghĩ đến điều tốt và cầu nguyện cho họ.

Chúng ta cũng học được bài học về quy luật gieo và gặt ở đây. Chúa Giê-xu dạy đừng đoán xét để khỏi bị đoán xét… hãy tha thứ để được tha thứ… và hãy cho thì sẽ được cho… lường cho người ta mực nào thì họ sẽ lường lại mực ấy (câu 38). Chúng ta đối xử với người khác thể nào thì sẽ nhận lại cách đối xử như thế. Chính Sứ đồ Phao-lô đã thấm nhuần lời dạy của Chúa, ông cũng viết trong các thư tín của ông rằng: “Hễ ai gieo ít thì gặt ít, ai gieo nhiều thì gặt nhiều” (II Cô-rinh-tô 9:6) và “vì ai gieo giống chi, lại gặt giống ấy” (Ga-la-ti 6:7). Tình yêu và lòng thương xót của Chúa dành cho chúng ta quá lớn. Hãy cảm tạ Chúa về ơn lớn lao này mỗi ngày để chúng ta có thể sống yêu thương và tha thứ nhau theo chuẩn mực tuyệt vời của Đức Chúa Cha.

Bạn đang sống yêu thương tha thứ theo chuẩn mực của luân lý đời này hay chuẩn mực của Chúa?

Lạy Chúa, xin giúp con ghi nhớ ơn thương xót lớn lạ của Chúa ban cho con để con luôn bày tỏ lòng thương xót người khác theo chuẩn mực của Cha trên trời.

 

Đọc Kinh Thánh trong ba năm: Dân Số Ký 26.

Phòng Truyền Thông phối hợp UB. Cơ Đốc Giáo Dục thực hiện.

Mọi ý kiến đóng góp xây dựng, xin quí vị vui lòng gởi về địa chỉ: radio@httlvn.org

Bài trướcĐêm Bồi Linh Đại HĐGP Với MS Ken Graham
Bài tiếp theoBình Định: Thánh Kinh Căn Bản Khóa IV, Năm III