Chúa Dùng Người Tầm Thường

7547

Sáng 26:1-35

Có bao giờ quí vị cảm thấy Đức Chúa Trời không thể dùng quí vị hầu việc Ngài vì quí vị là quá tầm thường không? Tôi thỉnh thoảng có ý nghĩ đó. Nhưng tôi được khích lệ rất nhiều vì biết rằng Đức Chúa Trời vui lòng dùng người tầm thường.

Một lý do khiến câu chuyện về Y-sác được ghi ở trong Kinh Thánh là để chúng ta thấy cách Đức Chúa Trời có thể dùng một người tầm thường. Y-sác là một đứa con tầm thường của một người cha danh tiếng, và là người cha tầm thường của một đứa con danh tiếng. Một nhà giải kinh, Alexander Maclaren đã nói, “đặc điểm nổi bật của cuộc đời Y-sác là không có đặc điểm nổi bật nào”. Mặc dù ông sống lâu hơn Áp-ra-ham, Gia-cốp và Giô-sép, nhưng đời sống của Y-sác chỉ được gói gọn trong một chương, trong đó đặc điểm thú vị nhất là cuộc cãi nhau ầm ĩ về một vài cái giếng.

Y-sác là một người tầm thường, ông không can đảm như cha ông là Áp-ra-ham, là người đã thực hiện một cuộc đột kích táo bạo vào các vua đông phương. Ông không lanh lợi như con trai ông, Gia-cốp, hay là một nhà lãnh đạo tài ba như cháu nội ông là Giô-sép. Thế nhưng, Đức Chúa Trời đã dùng ông để thực hiện những lời hứa giao ước của Ngài. Cuộc đời của ông cho chúng ta thấy rằng có hy vọng trong Chúa cho tất cả chúng ta là những người tầm thường!

Chúa Giê-xu đã hứa rằng Ngài sẽ lập Hội Thánh Ngài. Bất chấp sự chậm chạp của chúng ta – và thậm chí tội lỗi nữa – Đức Chúa Trời sẽ ban phước và dùng chúng ta để làm thành ý định của Ngài là ban phước cho mọi dân tộc qua Chúa Giê-xu, vì cớ mối quan hệ của chúng ta với Đức Chúa Cha qua Đức Chúa Con. Nhưng chúng ta cần phải lớn lên trong đức tin và sự vâng lời. Vì vậy, điểm nhấn mạnh của chương nầy là Đức Chúa Trời thực hiện ý định của Ngài qua những con người tầm thường biết vâng lời Ngài.

I. Đức Chúa Trời dùng những người tầm thường

Hãy lưu ý Y-sác là một người tầm thường như thế nào với những nan đề thông thường:

  1. Người tầm thường có những thử thách thông thường

Y-sác có những thử thách thông thường. Câu 1 cho chúng ta biết rằng “có một cơn đói kém trong xứ”. Xứ nào? Đất hứa! Xứ mà Đức Chúa Trời đã hứa cho Áp-ra-ham và con cháu ông, về sau được mô tả là đượm sữa và mật. Có một cơn đói kém trong xứ đó. Trong khi Đức Chúa Trời có thể dễ dàng cung cấp cho Y-sác dư dật lương thực bất chấp cơn đói kém xung quanh ông thì Ngài đã không làm điều đó. Người được chọn của Đức Chúa Trời phải chịu khổ cùng với mọi dân Ca-na-an ngoại giáo lân cận với ông.

Thử thách là kinh nghiệm bình thường của con dân Đức Chúa Trời, thậm chí khi họ ở đúng nơi Ngài muốn họ ở. Vì lý do nào đó chúng ta có ý niệm là nếu Đức Chúa Trời gọi chúng ta đến một nơi hay đến một công tác nào đó, thì chúng ta sẽ không hề đối đầu với nan đề nào cả. Mọi sự sẽ là “sữa và mật”. Khi con đường trở nên gồ ghề thì chúng ta thắc mắc không biết có gì sai trật không. “Có lẽ mình không ở trong ý Chúa”.

Đức Chúa Trời cao cả của chúng ta đã luôn luôn dùng thử thách, thậm chí đối với những đầy tớ của Ngài đang ở giữa ý muốn của Ngài, để đẩy chúng ta đến sự nương cậy Ngài nhiều hơn. Thử thách là kinh nghiệm bình thường của con dân Đức Chúa Trời.

2. Người tầm thường có những nỗi sợ thông thường

Y-sác có những mối lo sợ thông thường. Những người bình thường làm gì khi họ gặp thử thách? Họ hoảng sợ. Y-sác đã làm gì? Ông hoảng sợ. Thật tuyệt vời nếu đọc thấy, “Có cơn đói kém trong xứ, vì vậy Y-sác tìm kiếm Chúa.” Nhưng phân đoạn Kinh Thánh nói một cách đơn giản, “Y-sác bèn đi đến A-bi-mê-léc, vua Phi-li-tin, tại Ghê-ra.” Rõ ràng là ông không hoạch định dừng lại tại đó. Ông đang tiến đến Ai Cập thì Đức Chúa Trời chặn đứng ông ở Ghê-ra.

Chúng ta cũng thấy sự sợ hãi của Y-sác khi ông nói Rê-be-ca là em gái của ông (26:7). Ông đi theo bước chân của cha ông. Tại sao làm một điều hèn hạ như vậy? Ông lo sợ cho mạng sống của ông. Sau đó, Chúa đã hiện ra cho Y-sác và phán rằng (26:24), “Chớ sợ chi, ta ở cùng ngươi.” Chúa không bao giờ phán “Đừng sợ” trừ phi có người nào đó sợ. Y-sác có nhiều nỗi lo sợ.

Quí vị có nỗi lo sợ nào không? Chúng ta nên đem những nỗi lo sợ của chúng ta đến với Chúa trong sự cầu nguyện, và hãy thật tình cầu nguyện cho những nỗi lo sợ của chúng ta. Người mà Đức Chúa Trời dùng là người tầm thường có những nỗi sợ hãi thông thường.

3. Người tầm thường vì có tội lỗi thông thường

Y-sác có tội lỗi thông thường. Tôi không có ý nói rằng dung dưỡng một chút tội lỗi trong đời sống là không sao. Chúng ta phải xưng nhận tội lỗi và từ bỏ mọi tội mà mình biết. Nhưng chúng ta cần nhớ rằng người duy nhất mà Đức Chúa Trời dùng là những tội nhân được chuộc. Đôi khi kẻ thù khiến chúng ta suy nghĩ rằng Đức Chúa Trời không thể dùng chúng ta nếu chúng ta là người có sự pha trộn giữa thiện và ác. Nhưng tạ ơn Chúa, Ngài dùng chúng ta trong khi chúng ta đang lớn lên, trước khi chúng ta đến đích! Hãy nhìn vào sự pha trộn giữa tội lỗi và sự vâng lời trong đời sống Y-sác. Ông bắt đầu đi đến Ai Cập mà không hề cầu vấn Chúa. Chúa thậm chí tái xác nhận giao ước mà Ngài đã lập với Áp-ra-ham, và áp dụng nó cho Y-sác. Nhưng điều kế tiếp mà Y-sác làm là nói dối về Rê-be-ca vì ông sợ sẽ bị giết!

Một lần nữa, vấn đề không phải là chúng ta dung dưỡng tội lỗi, mà là chúng ta không thất vọng vì nghĩ rằng Đức Chúa Trời không thể dùng chúng ta vì chúng ta vật lộn với tội lỗi. Đôi khi người được Đức Chúa Trời dùng là những tội nhân, tầm thường như quí vị và tôi, nhưng, như một chút nữa tôi sẽ trình bày, những tội nhân đang học tập vâng lời Đức Chúa Trời.

4. Người tầm thường có những rắc rối thông thường

Y-sác có những rắc rối thông thường. Chương nầy cho thấy những rắc rối mà ông có với những người chăn chiên hàng xóm về các giếng nước.

Quí vị có nghĩ rằng Y-sác có bao giờ thắc mắc khi ông bị phủ đầy mồ hôi và bụi đất vì đào một trong những cái giếng nầy, “mọi điều nầy có liên quan gì đến ý định của Đức Chúa Trời?”. Ý định của Đức Chúa Trời nghe có vẻ rất đẹp, rất thuộc linh! Nhưng Y-sác mất thì giờ cãi cọ với những người hàng xóm và đào những cái giếng mà họ đã lấp lại. Điều đó có vẻ không đẹp gì lắm!

Quí vị có biết Đức Chúa Trời dùng những rắc rối nầy như thế nào không? Mỗi cái rắc rối buộc Y-sác phải di chuyển đến gần đất hứa hơn một chút, cho đến khi cuối cùng ông đến rất gần Bê-e-sê-ba mà ông đã quyết định trở về một lần nữa. Đức Chúa Trời dùng những rắc rối để đưa ông trở về nơi ông phải ở.

Quí vị có bao giờ suy nghĩ tại sao Đức Chúa Trời cho phép có những rắc rối trong đời sống quí vị không? Có lẽ đó là một vụ rắc rối về xe cộ, hay về hệ thống nước nôi trong nhà, hay một vụ rắc rối tại chỗ làm. Nếu quí vị vâng phục Chúa và chịu dạy dỗ, quí vị sẽ khám phá rằng Ngài dùng những rắc rối hằng ngày để đưa chúng ta gần hơn đến chỗ Ngài muốn chúng ta ở, tức chỗ ơn phước của Ngài. Y-sác chưa bao giờ dựng một bàn thờ nào cho đến khi Chúa đem ông trở về Bê-e-sê-ba. Nhưng khi ông đến đó, sau mọi rắc rối của ông, ông lập một bàn thờ và cầu khẩn danh Chúa (26:25).

Vậy Y-sác có những thử thách, những nỗi sợ hãi, tội lỗi, và rắc rối thông thường.

5. Người tầm thường có những nan đề gia đình thông thường

Y-sác có những nan đề gia đình thông thường. Chương nầy kết thúc bằng cách thuật lại cuộc hôn nhân của Ê-sau với hai người đàn bà ngoại giáo đã đem lại sự đau buồn cho Y-sác và Rê-be-ca (26:34-35). Đây là gia đình quan trọng bậc nhất trên mặt đất trong khi ý định của Đức Chúa Trời diễn tiến, nhưng họ có nhiều nan đề. Họ khác xa một gia đình gương mẫu.

Một lần nữa, tôi không có ý nói chúng ta có thể nhún vai coi thường tội lỗi. Nếu quí vị đang phạm tội đối với gia đình mình, quí vị cần phải giải quyết nó. Nhưng tôi muốn khích lệ những người có gia đình không hoàn hảo – và đó là tất cả chúng ta! Chúa cho cho chúng ta thấy ở đây rằng người tộc trưởng Y-sác có những thử thách, sự sợ hãi, tội lỗi, những phiền muộn và nan đề gia đình. Tuy nhiên, Chúa vui lòng dùng Y-sác khi ông học vâng lời Chúa.

II. Đức Chúa Trời dùng những người tầm thường biết vâng lời Ngài.

Sự lớn lên của Y-sác trong sự vâng lời là chậm chạp, và không bao giờ trọn vẹn. Ông vẫn thiên vị chúc phước cho Ê-sau thay vì Gia-cốp, bất chấp đường lối không tin kính của Ê-sau. Nhưng, bất kể sự bất toàn của ông, chúng ta có thể thấy sự tiến bộ của ông trong sự vâng phục, và Đức Chúa Trời đáp ứng với điều đó. Khi Chúa lần đầu hiện ra cho Y-sác để bảo ông đừng đi đến Ai Cập, Chúa đã nhấn mạnh đến sự vâng lời của Áp-ra-ham (26:5). Câu kế tiếp thuật lại sự vâng lời của Y-sác. Đó không phải là tự động. Nên nhớ, có một cơn đói kém. Để vâng lời, Y-sác phải tin cậy Chúa và thay đổi kế hoạch. Nhưng ông đã làm điều đó. Khi những người hàng xóm tranh đấu với Y-sác, ông đã không chiến đấu giành quyền lợi của ông. Ông tìm kiếm sự hoà bình bằng cách nhường quyền lợi của mình và tiếp tục di chuyển.

Khi Y-sác cuối cùng trở về đến Bê-e-sê-ba, nơi Áp-ra-ham đã sinh sống, Chúa hiện ra cho Y-sác lần thứ hai, tái xác nhận ơn phước và sự bảo vệ của Ngài (26:24). Hiệp ước hoà bình với A-bi-mê-léc và tin tức về nước được tìm thấy là hai bằng chứng nữa cho thấy Y-sác ở đúng nơi Chúa muốn ông ở, nơi của sự vâng lời, nơi mà Áp-ra-ham đã vâng lời Chúa. Bê-e-sê-ba nghĩa là “Giếng của Giao Ước.” Nếu quí vị đã lang thang khỏi Chúa, hãy trở về nơi của sự vâng lời để Chúa sẽ ban phước cho quí vị và xác nhận những lời hứa của Ngài cho quí vị.

Có lẽ quí vị đang thắc mắc, “Tại sao Đức Chúa Trời ban phước cho Y-sác ngay sau khi Y-sác không vâng lời Đức Chúa Trời? (26:12-13). Có hai câu trả lời.

Thứ nhất, nó cho thấy rằng lời hứa giao ước của Đức Chúa Trời dựa trên ân điển, không phải trên việc làm. Đức Chúa Trời muốn chúng ta vâng lời Ngài, và Ngài ban phước cho những kẻ vâng lời. Nhưng đồng thời, Ngài muốn chúng ta nhớ rằng ý định cao cả của Ngài không tuỳ thuộc vào sự vâng lời của chúng ta, mà tuỳ thuộc vào ân điển cao cả của Ngài.

Thứ hai, lưu ý rằng trong khi Đức Chúa Trời ban phước cho Y-sác về vật chất thì chính ơn phước đó cũng là một nguồn sửa dạy, vì nó khiến người Phi-li-tin ghen tị với Y-sác và lấp các giếng nước của ông (26:14-15). Sự sửa dạy nầy là để đem Y-sác trở về Bê-e-sê-ba, nơi Đức Chúa Trời muốn ông ở. Vấn đề là cách Đức Chúa Trời hành động để hoàn thành ý định của Ngài qua con người tầm thường nầy, là Y-sác. Nếu để tuỳ vào Y-sác thì ông sẽ thoả lòng ở lại trong xứ của người Phi-li-tin. Nhưng Đức Chúa Trời đã nhơn từ dùng ơn phước làm sự sửa dạy để đem Y-sác vào giữa ý muốn của Ngài.

III. Đức Chúa Trời dùng những người tầm thường biết vâng lời Ngài để hoàn thành thánh ý

Ý định của Đức Chúa Trời là chủ đề của chương nầy. Ngài lặp lại nó cho Y-sác trong các câu 3 & 4: “…ta sẽ ở cùng ngươi và ban phước cho ngươi; …hết thảy dân thế gian đều sẽ nhờ dòng dõi ngươi mà được phước.” Ý định của Đức Chúa Trời là ban phước cho dân Ngài và dùng họ để ban phước cho các dân khác qua hậu tự của Áp-ra-ham, là Cứu Chúa Giê-xu. Các giếng nước đóng vai trò chủ chốt trong đời sống Y-sác là biểu tượng cho ơn phước của Đức Chúa Trời. A-bi-mê-léc, vị vua ngoại quốc, nhìn thấy bằng chứng về ơn phước của Đức Chúa Trời trong đời sống Y-sác, nên tìm sự hoà bình với ông để ông có thể chia sẻ những ơn phước ấy. Vì vậy chương nầy cho thấy Đức Chúa Trời hành động chậm chạp nhưng vững chắc phía sau hậu trường với con người tầm thường nầy, vốn là con của Áp-ra-ham, để thực hiện kế hoạch của Ngài nhằm ban phước cho các dân tộc.

Ngày nay, chúng ta cần thấy mình trong chiều chuyển động của những gì Đức Chúa Trời đang làm trong lịch sử. Ngài đã ban phước cho chúng ta, không phải chỉ để chúng ta được phước mà thôi, nhưng cũng để chúng ta có thể trở nên một ơn phước cho người khác. Ngài muốn chúng ta, dù là tầm thường, trở thành ống dẫn để đem sứ điệp của Cứu Chúa Giê-xu đến với mọi dân tộc. Điều đó nghe có vẻ đẹp đẽ, nhưng rất thường khi nó bao gồm nhiều rắc rối trần tục như việc đào giếng và tranh đấu với với những con người hay gây hấn. Đức Chúa Trời đã không ban xứ cho Áp-ra-ham, Y-sác và Gia-cốp bằng phép mầu của chiếc đũa thần của Ngài. Những người mà đang được Môi-se đề cập đều phải trải qua những chiến trận để chiếm lấy Ca-na-an từng chút một.

Còn chúng ta phải chiến đấu từng xăng-ti-mét một, từ rắc rối nầy qua rắc rối khác, để đem sứ điệp cứu rỗi của Đức Chúa Trời cho những người trong từng quận, trong cả thành phố, cho đến mọi miền của thế giới. Vậy xin hãy nhớ nhìn những rắc rối của cuộc đời quí vị trong ánh sáng của kế hoạch to lớn hơn của Đức Chúa Trời cho lịch sử. Nếu quí vị vâng lời Ngài, Ngài sẽ dùng những nan đề hằng ngày mà quí vị, đứa con tầm thường của Ngài, trải qua, để làm hoàn thành ý định của Ngài nhằm ban phước cho các dân tộc.

Kết luận

Xưa nay Đức Chúa Trời đã dùng hàng trăm ngàn những con người tầm thường để đem hàng triệu người trên cả thế giới, thuộc mọi thời đại, đến sự cứu rỗi trong Chúa Cứu Thế Giê-xu. Đức Chúa Trời cũng muốn dùng quí vị như thế. Nếu quí vị đang vật lộn với những thử thách, những sợ hãi, những tội lỗi, những phiền muộn, và những nan đề gia đình, quí vị có đủ tư cách, miễn là quí vị cũng lớn lên trong sự vâng lời. Như Chúa đã ban phước cho quí vị, hãy dâng chính mình để trở thành ống dẫn ơn phước của Ngài cho nhiều người khác.

Vĩnh Ân

Bài trướcHội Đồng Bầu Cử Ban Đại Diện Tin Lành Tỉnh Tiền Giang
Bài tiếp theoSự Tấn Công Nhanh và Mạnh – 21/9/2017