Bước Đi Cách Khôn Ngoan – 11/10/2017

3578

 

Ê-phê-sô 5:15-17

15 Vậy, hãy giữ cho khéo về sự ăn ở của anh em, chớ xử mình như người dại dột, nhưng như người khôn ngoan. 16 Hãy lợi dụng thì giờ, vì những ngày là xấu. 17 Vậy chớ nên như kẻ dại dột, nhưng phải hiểu rõ ý muốn của Chúa là thế nào.

Câu gốc: “Vậy, hãy giữ cho khéo về sự ăn ở của anh em, chớ xử mình như người dại dột, nhưng như người khôn ngoan” (câu 15).

Câu hỏi suy ngẫm: Thế nào là một đời sống khôn ngoan (xem thêm Ê-phê-sô 1:8-9, 17-19)? Điều gì quyết định một người là khôn hay dại (câu 15)? Một đời sống khôn ngoan được bày tỏ như thế nào? Chúng ta áp dụng những nguyên tắc sống khôn ngoan này vào đời sống mình như thế nào?

Nhiều người nghĩ rằng khôn ngoan do kiến thức mà có, nên họ miệt mài tìm kiếm kiến thức và hy vọng sẽ trở nên khôn ngoan. Nhưng thư Ê-phê-sô dạy cho chúng ta biết về khôn ngoan. Theo Ê-phê-sô 1:8-9, “khôn ngoan thông sáng” chính là “biết sự mầu nhiệm của ý muốn Ngài”. Bên cạnh đó, trong Ê-phê-sô 1:17-19, Sứ đồ Phao-lô cầu nguyện xin Đức Chúa Trời “ban thần trí của sự khôn sáng” để các tín hữu “nhận biết Ngài”“biết điều trông cậy”. Như vậy, khôn ngoan là nhận biết đầy đủ sự mầu nhiệm của Đức Chúa Trời và sống trong ánh sáng ấy. Nói cách khác, khôn ngoan là hiểu biết thật sự sự mầu nhiệm của chương trình cứu rỗi của Đức Chúa Trời, và cam kết sống phù hợp với chương trình đó.

Khôn ngoan Cơ Đốc là sự khôn ngoan thực hành vì qua đó dạy chúng ta biết phải sống như thế nào. Trong nguyên nghĩa từ “ăn ở” (câu 15) là “bước đi”. Không phải kiến thức hay hiểu biết, nhưng chính cách sống hằng ngày quyết định một người là khôn ngoan hay dại dột (Ma-thi-ơ 7:24-27). Vì vậy, chúng ta phải “giữ cho khéo” đời sống của mình. “Giữ cho khéo” trong nguyên nghĩa là “cẩn thận”, nghĩa là làm một cách thích hợp, chính xác, và tập trung chú ý. Đối với Cơ Đốc nhân, sống đạo vừa quan trọng vừa cấp thiết. Vì vậy, chúng ta phải xem trọng cách sống của mình như là một điều cần kíp.

Một đời sống khôn ngoan còn bày tỏ qua cách sử dụng thời gian (câu 16). Sứ đồ Phao-lô khuyên chúng ta phải biết “lợi dụng thì giờ” hay phải sử dụng thời gian hiệu quả để mang lại kết quả tốt nhất, vì “những ngày là xấu”. Chúng ta đang sống trong một thời đại bị đặt dưới sự kiểm soát của “các thần dữ ở các miền trên trời” (Ê-phê-sô 6:12b) là những thế lực chống đối Đức Chúa Trời và kế hoạch của Ngài. Nếu chúng ta không tận dụng thì giờ, cơ hội để làm theo ý muốn Chúa thì ma quỷ sẽ cướp lấy thì giờ của chúng ta. Bên cạnh đó, người khôn ngoan sẽ tìm biết ý muốn Chúa (câu 17). Chữ “hiểu rõ” có nghĩa là “hiểu cách cặn kẽ” hay “hiểu thấu bên trong một sự việc”. Nói cách khác, sự hiểu biết kế hoạch cứu rỗi bởi ân điển của Đức Chúa Trời phải dẫn đến một nếp sống đạo đức đúng. Trong thực tế, sống đạo cách đúng đắn và không chỗ trách được là yếu tố then chốt của ý muốn Đức Chúa Trời, vì đây chính là mục đích mà Đức Chúa Trời chọn lựa chúng ta (Ê-phê-sô 1:4).

Bạn có bước đi cách khôn ngoan giữa đời chưa?

Cầu nguyện: Lạy Chúa yêu thương, xin dạy con sống khôn ngoan giữa đời, biết đếm các ngày của con, cẩn trọng trong từng giây phút Chúa ban cho để làm theo ý muốn Ngài một cách trọn vẹn.

 

Đọc Kinh Thánh trong ba năm: Gióp 10.

Phòng Truyền Thông phối hợp UB. Cơ Đốc Giáo Dục thực hiện

Bài trướcHội Đồng Giáo Phẩm Thăm Viếng Tại Tỉnh Tiền Giang Và Bến Tre
Bài tiếp theoUB.CĐGD – Thông Báo Đăng Ký TKHN 2018