Năm 2020 có một ý nghĩa khá đặc biệt vì là năm khởi đầu một thập niên mới, năm bản lề của thập niên thứ hai của thế kỷ 21. Vì thế, thiết nghĩ là con dân Chúa, chúng ta cần suy nghĩ kỹ hơn và xa hơn khi lên kế hoạch vì nó sẽ ảnh hưởng về lâu về dài đời sống, công việc, chức vụ và sự phục vụ Chúa của chúng ta. Cảm tạ Đức Chúa Trời đã tạo dựng thế giới, vũ trụ, vạn vật và loài người chúng ta, và Ngài cũng đã dựng nên thì tiết, ngày đêm, năm tháng, bốn mùa xuân, hạ, thu, đông để chúng ta tùy theo đó mà lên kế hoạch làm việc cho thích hợp (Sáng. 1:14; 8:22, Phục. 11:14) và Chúa cũng hứa chăm sóc, ban phước cho chúng ta từ đầu năm cho đến cuối năm nếu chúng ta tin cậy nơi Ngài (Phục. 11:12).
Bước vào năm mới 2020 này, chúng ta cần làm gì? Tôi được Chúa nhắc nhở qua lời Chúa trong A-ghê 1:5 “Vậy bây giờ Đức Giê-hô-va vạn quân phán như vầy: Các ngươi khá xem xét đường lối mình.” Thiết nghĩ một trong những cách tốt nhất để xem xét lại đường lối, đời sống, công việc, chức vụ của mình là tự đặt những câu hỏi kiểm tra và tự trả lời những câu hỏi đó trước mặt Chúa. Tôi nghĩ ít ra có bốn câu hỏi liên quan đến đời sống cá nhân, gia đình, Hội Thánh và kế hoạch cho năm mới, thập niên mới mà chúng ta cần đặt ra.
- TÔI CẦN LÀM ĐIỀU GÌ ĐỂ ĐẸP LÒNG CHÚA HƠN TRONG NĂM MỚI?
Lời Chúa qua thánh Phao-lô nhắc nhở chúng ta “Hãy xét điều chi vừa lòng Chúa…” (Ê-phê-sô 5:10). Điều chúng ta cần quan tâm hơn hết trong đời sống và cần xem xét là chúng ta có sống đẹp lòng, vừa lòng Chúa không? Và đời sống như thế nào là đẹp lòng Chúa?
- Đồng đi cùng Đức Chúa Trời
Nhắc đến đời sống đẹp lòng Chúa, người đầu tiên mà Kinh Thánh đề cập đến như một tấm gương cho chúng ta noi theo, đó là ông Hê-nóc. Kinh Thánh chép “Hê-nóc đồng đi cùng Đức Chúa Trời, rồi mất biệt, bởi vì Đức Chúa Trời tiếp người đi.” (Sáng. 5:24) và Thư Hê-bơ-rơ giải thích cho chúng ta biết lý do Hê-nóc được Chúa tiếp rước lên: “Bởi chưng trước khi được tiếp lên, người đã được chứng rằng mình ở vừa lòng Đức Chúa Trời rồi” (Hê-bơ-rơ 11:5b).
“Đồng đi cùng Đức Chúa Trời” có nghĩa gì? Kinh Thánh dùng thành ngữ này để nói lên mối tương giao mật thiết với Chúa. Như vậy, một đời sống đẹp lòng Chúa trước hết đời sống có mối tương giao tốt đẹp với Chúa mỗi ngày. Không phải chúng ta dâng hiến nhiều, phục vụ Chúa nhiều mà Chúa vừa lòng đâu, bèn là tình yêu chúng ta dành cho Chúa thể hiện qua mối tương giao với Ngài mỗi ngày. Chúa đã trách Hội Thánh Ê-phê-sô “Nhưng điều ta trách ngươi, là ngươi đã bỏ lòng kính mến ban đầu.” (Khải. 2:4) Hãy xem xét lại đời sống tìm kiếm Chúa, cầu nguyện, suy ngẫm lời Chúa của chúng ta trong năm qua như thế nào? Hãy học theo gương Đa-vít, ông yêu mến Chúa, luôn khao khát Chúa, và có mối tương giao mật thiết với Chúa: “Hỡi Đức Chúa Trời, Chúa là Đức Chúa Trời tôi, vừa sáng tôi tìm cầu Chúa; Trong một đất khô khan, cực nhọc, chẳng nước, Linh hồn tôi khát khao Chúa, thân thể tôi mong mỏi về Chúa” (Thi Thiên 63:1)
- Ăn năn tội lỗi, sửa lại những sai trật trong đời sống
Một đời sống vừa lòng Chúa cũng phải là đời sống tránh xa tội lỗi, nếu lỡ phạm tội thì phải hết lòng ăn năn xin Chúa tha thứ. Đức Chúa Trời đầy lòng nhân từ, hay tha thứ nhưng Ngài không chấp nhận kẻ nào cứng lòng, không chịu ăn năn. Chúa sẽ buồn lòng biết bao khi con dân Chúa cứ miệt mài trong tội lỗi mà không chịu ăn năn, sửa lại những gì sai trật, không đẹp lòng Chúa trong đời sống. Vua Đa-vít được Chúa đẹp lòng không phải vì ông toàn hảo, không phạm tội mà vì ông có lòng mềm mại, ăn năn thật lòng dù đã lỡ phạm tội trọng và Chúa đã tha thứ cho ông. Ông viết “Của lễ đẹp lòng Đức Chúa Trời, ấy là tâm thần đau thương: Đức Chúa Trời ôi! Lòng đau thương thống hối Chúa không khinh dể đâu” (Thi Thiên 51:17).
- Tận dụng thì giờ, không lãng phí
Một đời sống khôn ngoan, đẹp lòng Chúa cũng là đời sống biết quản lý tốt những gì Chúa ban cho mình, nhất là thì giờ. Kinh Thánh dạy chúng ta phải mua chuộc (theo nguyên ngữ) thì giờ, tận dụng thì giờ Chúa cho, không được lãng phí “Hãy lợi dụng thì giờ, vì những ngày là xấu” (Ê-phê-sô 5:16). Môi-se là đầy tớ Chúa đầy ơn, đẹp lòng Chúa đã cầu nguyện rằng “Cầu xin Chúa dạy chúng tôi biết đếm các ngày chúng tôi, hầu cho chúng tôi được lòng khôn ngoan” (Thi Thiên 90:12).
Một vị thầy giáo mỗi khi vào lớp luôn luôn ghi ở góc bảng đen con số 25.550. Học trò thắc mắc không hiểu ý nghĩa là gì nhưng không em nào dám hỏi. Một hôm có một em mạnh dạn giơ tay hỏi thầy và thầy đã vui vẻ trả lời “Đó là số ngày mà tôi nghĩ tôi sẽ sống trên đất (70 năm x 365 ngày). Tôi ghi để nhắc nhở mình phải biết sử dụng tốt số thì giờ đó”. Đó là một người khôn ngoan! Hãy xem xét lại bạn đã sử dụng thì giờ trong năm qua như thế nào? Điều gì khiến bạn lãng phí thì giờ nhiều nhất trong năm qua mà xao lãng thì giờ cầu nguyện, đọc Lời Chúa? Có phải mạng xã hội, trò chơi điện tử, phim ảnh… Bạn sẽ tập trung thì giờ vào việc gì nhất trong năm nay?
- TÔI CẦN LÀM ĐIỀU GÌ ĐỂ CẢI THIỆN ĐỜI SỐNG HÔN NHÂN, GIA ĐÌNH CỦA TÔI?
Điều thứ hai chúng ta cần quan tâm, xem xét lại là mối quan hệ trong gia đình giữa vợ chồng, con cái. Chúng ta đang sống trong thời buổi mà hôn nhân gia đình bị khủng hoảng, đổ vỡ hơn bao giờ hết. Vì thế, Cơ Đốc nhân chúng ta phải quan tâm, cải thiện mối quan hệ gia đình để đời sống hôn nhân, gia đình luôn được hạnh phúc. Không ít gia đình con cái Chúa hiện nay đang có nguy cơ đổ vỡ, ly dị, con cái hư hỏng, nổi loạn. Thiết nghĩ cần nhắc lại lời Chúa dạy về bổn phận vợ chồng, cha mẹ, con cái:
“Hỡi người làm vợ, hãy phục chồng mình, hầu cho nếu có người chồng nào không vâng theo Đạo, dẫu chẳng lấy lời khuyên bảo, chỉ bởi cách ăn ở của vợ, cũng đủ hóa theo.”
“Hỡi người làm chồng, hãy tỏ điều khôn ngoan ra trong sự ăn ở với vợ mình, như là với giống yếu đuối hơn; vì họ sẽ cùng anh em hưởng phước sự sống, nên phải kính nể họ, hầu cho không điều gì làm rối loạn sự cầu nguyện của anh em.” (1 Phi-e-rơ 3:1,7)
“Hỡi các người làm cha, chớ chọc cho con cái mình giận dữ, hãy dùng sự sửa phạt khuyên bảo của Chúa mà nuôi nấng chúng nó.” (Ê-phê-sô 6:4)
“Hỡi kẻ làm con cái, hãy vâng phục cha mẹ mình trong Chúa, vì điều đó là phải lắm” (Ê-phê-sô 6:1)
- Bạn có ưu tiên cho gia đình không?
Để cải thiện mối quan hệ hôn nhân, gia đình, chúng ta phải xem xét về thứ tự ưu tiên trong đời sống. Thứ tiên ưu tiên trong đời sống Cơ Đốc nhân là: Trước hết là Chúa, thứ hai là gia đình và thứ ba là công việc hay chức vụ. Không ít con cái Chúa đã đảo lộn thứ tự ưu tiên này. Vì thế, cần tự hỏi “Tôi có dành ưu tiên cho gia đình tôi không? Tôi có quan tâm, dành thì giờ cho vợ (chồng) con cái trong gia đình không? Điều gì tôi cần sửa lại trong thói quen, hành vi cư xử không tốt với vợ (chồng), con cái trong gia đình?
- Đời sống tâm linh trong gia đình bạn như thế nào?
Hạnh phúc gia đình của con cái Chúa phần lớn phụ thuộc vào đời sống tâm linh trong gia đình. Vì thế cần thường xuyên xem xét lại đời sống tâm linh của mỗi cá nhân trong gia đình: mối tương giao với Chúa của vợ (chồng), con cái trong gia đình qua đời sống cầu nguyện, suy ngẫm lời Chúa, làm theo lời Chúa mỗi ngày. Cũng phải quan tâm xây dựng giờ gia đình lễ bái trong tuần, thì giờ đi nhóm thờ phượng Chúa với Hội Thánh, vấn đề dâng hiến phần mười…Thiết nghĩ mỗi gia đình Cơ Đốc cần có “Ngày cảm tạ Chúa hằng năm” của gia đình để dạy cho con cháu mình tinh thần biết ơn, cảm tạ Chúa. Nước Mỹ là nước duy nhất trên thế giới có ngày cảm tạ Chúa quốc gia hằng năm vào cuối tháng 11 và sở dĩ họ có truyền thống tốt đẹp đó là vì tổ phụ của họ, tức những người lập quốc ở Mỹ là những người Tin lành tin kính Chúa đã quyết định điều đó. Tôi nghĩ là con cái Chúa tin kính trên thế giới cần noi gương và gìn giữ truyền thống tốt đẹp đó trong gia đình, chắc chắn Chúa sẽ ban phước dư dật. Ngoài ra, chúng ta cũng cần có kỳ nghỉ hằng năm của gia đình để củng cố mối quan hệ cốt nhục trong gia đình.
- Củng cố mối quan hệ vợ chồng, con cái trong gia đình
Như đã nói ở trên, chúng ta cần dành ưu tiên cho gia đình, nhất là quan tâm củng cố, cải thiện mối quan hệ giữa vợ chồng, con cái trong gia đình. Ma quỷ luôn tìm cách tấn công gia đình Cơ Đốc, làm đổ vỡ, rạn nứt mối quan hệ gia đình, nhất là mối quan hệ vợ chồng. Kinh Thánh cảnh báo: “Hãy tiết độ và tỉnh thức: kẻ thù nghịch anh em là ma quỉ, như sư tử rống, đi rình mò chung quanh anh em, tìm kiếm người nào nó có thể nuốt được” (1 Phi-e-rơ 5:8). Phải lập tức giải quyết những mối xung đột, bất hòa giữa hai vợ chồng và chữa lành những tổn thương cho nhau nếu có và coi chừng ma quỉ lợi dụng tấn công: “Ví bằng anh em đương cơn giận, thì chớ phạm tội; chớ căm giận cho đến khi mặt trời lặn, và đừng cho ma quỉ nhân dịp” (Ê-phê-sô 4:26-27). Bước vào năm mới, chúng ta phải quan tâm xây dựng một gia đình hạnh phúc như được mô tả trong Thi Thiên 128.
- TÔI CẦN LÀM ĐIỀU GÌ ĐỂ GÓP PHẦN TÍCH CỰC XÂY DỰNG HỘI THÁNH CỦA TÔI?
- Trách nhiệm đối với Hội Thánh địa phương
Ngoài trách nhiệm đối với bản thân và gia đình, chúng ta còn có trách nhiệm với Hội Thánh nữa. Mỗi Cơ Đốc nhân đều phải có trách nhiệm góp phần xây dựng Nhà Chúa là Hội Thánh địa phương. Kinh Thánh nhắc nhở: “Dường ấy, anh em chẳng phải là người ngoại, cũng chẳng phải là kẻ ở trọ nữa, nhưng là người đồng quốc với các thánh đồ, và là người nhà của Đức Chúa Trời.” (Ê-phê-sô 2:19). Cơ Đốc nhân bên cạnh trách nhiệm với “nhà riêng” là gia đình mình, chúng ta còn có trách nhiệm với “nhà chung” là Hội Thánh của Chúa nữa. Cần lưu ý nhóm từ “người nhà của Đức Chúa Trời” ở đây. Người nhà không phải là khách qua đường, kẻ ở trọ, vì thế chúng ta phải ý thức trách nhiệm xây dựng gia đình của Đức Chúa Trời.
Bước qua năm mới, chúng ta cần xem xét, tự hỏi điều gì mình cần làm để góp phần xây dựng Hội Thánh tốt hơn.
- Chúa đánh giá chất lượng công tác của chúng ta và sẽ ban thưởng
Chúng ta có bổn phận phục vụ Chúa, góp phần xây dựng nhà Chúa, nhưng Chúa đánh giá chất lượng công tác và sẽ ban thưởng xứng đáng cho chúng ta. Kinh Thánh chép: “Nếu có kẻ lấy vàng, bạc, bửu thạch, gỗ, cỏ khô, rơm rạ mà xây trên nền ấy, 13 thì công việc của mỗi người sẽ bày tỏ ra. Ngày đến sẽ tỏ tường công việc đó; nó sẽ trình ra trong lửa, và công việc của mỗi người đáng giá nào, lửa sẽ chỉ ra. 14 Ví bằng công việc của ai xây trên nền được còn lại, thì thợ đó sẽ lãnh phần thưởng mình. 15 Nếu công việc họ bị thiêu hủy, thì mất phần thưởng. Còn về phần người đó, sẽ được cứu, song dường như qua lửa vậy.” (1 Cô-rinh-tô 3:12-15)
Chúa phân chia hai loại công tác mà chúng ta góp phần cho Hội Thánh: loại “gỗ, cỏ khô, rơm rạ” là những thứ có bề ngoài có vẻ to lớn nhưng lại vô giá trị và sẽ bị thiêu hủy trong lửa thử nghiệm của Chúa, vì đó là công việc của xác thịt với sự khoe khoang, kiêu ngạo; loại “vàng, bạc, bửu thạch” có hình thức nhỏ bé nhưng có giá trị lớn, sẽ tồn tại và được ban thưởng, vì đó là công việc xuất phát từ đức tin, lòng biết ơn Chúa, tình yêu thương và sự khiêm nhường.
Hãy xem xét sự phục vụ Chúa của bạn có phải bởi những động cơ trên đây không?
Bạn có tham gia công tác các ban ngành trong Hội Thánh không? Bạn có dâng hiến (phần mười), thăm viếng, cầu thay cho anh chị em trong Hội Thánh không? Bạn có làm chứng cho Chúa không?…
- KẾ HOẠCH CHO NĂM MỚI CỦA TÔI LÀ GÌ?
Cuối cùng, chúng ta cần xem xét và lên kế hoạch cho năm mới và cho thập niên mới. Đức Chúa Trời là Đấng làm việc có kế hoạch, cho nên chúng ta là con dân Chúa cũng phải làm việc có kế hoạch. Kinh Thánh dạy chúng ta phải lên kế hoạch, hoạch định đường lối cho đời sống mình “Lòng người toan định đường lối mình; Song Đức Giê-hô-va chỉ dẫn các bước của người” (Châm Ngôn 16:9). Chính Chúa Giê-xu cũng dạy chúng ta phải lập kế hoạch cho công tá, cho đời sống (Lu-ca 14:28-33).
Năm 2020 là năm khởi đầu một thập niên mới, vì thế cần lên kế hoạch lâu dài hơn. Sở dĩ chúng ta phải lên kế hoạch, tính toán thời gian vì thì giờ qua nhanh, cuộc đời ngắn ngủi đúng như Kinh Thánh đã nói. Tuy nhiên, khi còn trẻ dường như chúng ta không tin điều đó, nhưng khi lớn tuổi, lúc xế chiều của đời người chúng ta mới thấy quá đúng.
Nhớ lại biến cố 1975, khi ấy tôi chưa đầy 30 tuổi, nhưng rồi thấm thoát hơn 40 năm qua, nay tôi đã đến tuổi “thất thập cổ lai hy” rồi, nhanh quá! Vì thế tôi muốn nhắn gửi các bạn trẻ và các con tôi rằng “hãy lợi dụng thì giờ, đừng lãng phí.” Hãy cầu nguyện và lên kế hoạch học hành, làm việc, công tác, lập gia đình…cho thích hợp với từng giai đoạn cuộc sống.
Đối với tôi, có lẽ năm 2020 là năm đánh dấu thập niên cuối của chức vụ hầu việc Chúa. Vì thế chúng tôi cầu nguyện xin Chúa dẫn dắt để tôi biết việc gì quan trọng phải làm, phải hoàn tất, vì quỹ thời gian còn lại của tôi rất eo hẹp, để chúng tôi có thể làm xong công việc mà Chúa giao phó.
Tôi muốn kết thúc bài chia sẻ của tôi bằng lời cầu nguyện mà Chúa ban cho tôi như là niềm xác tín và ước nguyện cho năm mới: “Đức Giê-hô-va sẽ làm xong việc thuộc về tôi. Hỡi Đức Giê-hô-va, sự nhân từ Ngài còn đến đời đời; xin chớ bỏ công việc của tay Ngài” (Thi Thiên 138:8)
Trịnh Phan
(Những ngày đầu năm mới 2020)