Bảy Thói Quen Có Thể Hủy Phá Hôn Nhân Của Bạn

4997

HTTLVN.ORG – Khi hai người cam kết tiến đến hôn nhân, họ hứa nguyện sẽ mãi mãi bên nhau. Nhưng rồi năm tháng trôi qua, hôn nhân dễ dàng đi vào lối mòn, những điều khó chịu nho nhỏ dần trở thành những thói quen xấu. Những thói quen này, nếu cứ tiếp tục hết năm này tháng nọ có thể từ từ bào mòn nền tảng vững chắc của hôn nhân. Dưới đây là bảy thói quen có thể huỷ phá hôn nhân của bạn.

  1. Không cầu nguyện với nhau

Câu nói “gia đình biết cầu nguyện với nhau, sẽ gắn kết với nhau” nghe có vẻ đúng, nhất là trong hôn nhân. Sa-tan không muốn gì khác hơn là phá huỷ hai Cơ Đốc nhân hiệp nhất với lòng khao khát tôn cao danh Chúa qua mối quan hệ của mình. Cách hay nhất để phá huỷ sự hiệp nhất đó là làm cho họ thiếu vắng sự cầu nguyện với nhau.

Chắc chắn, bỏ qua một ngày không cầu nguyện chung là chuyện rất dễ. Rồi một ngày sẽ thành hai ngày, ba ngày, và chẳng sớm thì muộn sẽ là nhiều tháng (hay nhiều năm) không cầu nguyện chung. Làm sao một cặp vợ chồng ở trong cây nho khi con đường kết nối họ với Đức Chúa Trời bị đứt lìa từ gốc?

  1. Bôi nhọ nhau

Cuộc hôn nhân nào cũng gặp xung đột. Nhưng bạn sẽ làm gì khi bạn (hoặc người phối ngẫu) “bôi nhọ nhau”? “Bôi nhọ nhau” nghĩa là có những lời nói huỷ hoại uy tín hay sỉ nhục người khác nhằm “thắng” cuộc tranh cãi. Bạn có thể thắng cuộc tranh cãi nhờ vài cú chơi xấu, nhưng cuộc chiến thì chỉ mới bắt đầu.

Nếu bạn không xin lỗi, thì những lời này sẽ chỉ chất chồng hết ngày này qua ngày khác. Giống như kem đánh răng trong ống kem, bạn không thể rút lại những lời đó. Hãy giữ cho những cuộc chiến được “trong sạch” bằng cách chỉ nói đến vấn đề trước mắt và những nỗi sợ hãi cũng như sự bất an ẩn bên dưới. Nhờ đó hôn nhân của bạn sẽ vượt qua mọi cơn bão xung đột.

  1. Bươi móc quá khứ

Khi tranh cãi với người phối ngẫu, bạn có bám vào vấn đề trước mắt không – hay lôi ra những lỗi lầm, thất bại và tội lỗi trong quá khứ? Đức Chúa Trời ban cho chúng ta trí nhớ để trân quý quá khứ. Nhưng chúng ta phải lựa chọn hoặc là để cho quá khứ tàn phá hiện tại, hoặc là dùng quá khứ như một phương cách giải thoát chính mình và người khác.

Nếu Chúa “tha thứ mọi tội lỗi chúng ta như phương đông xa cách phương tây” (Thi Thiên 103:12), thì tại sao chúng ta lại không thể tha thứ? Chúa Giê-xu nói rõ rằng nếu chúng ta không tha thứ cho người khác thì Ngài cũng sẽ không tha thứ cho chúng ta. Thật là một câu nói nghiêm túc! Điều này cho thấy Chúa Giê-xu mong ước Cơ Đốc nhân tự nguyện tha thứ nhau như Ngài đã tha thứ chúng ta trên thập tự giá. Tha thứ không hề dễ dàng, cũng như chịu đóng đinh không hề dễ dàng vậy, nhưng Ngài đã lựa chọn điều đó vì tình yêu lớn của Ngài đối với chúng ta. Vì thế, chúng ta cũng cần phải yêu nhau và tôn trọng nhau.

  1. Giữ mối liên hệ không lành mạnh với gia đình cha mẹ ruột

Đây là lý do tại sao trong Sáng Thế Ký Đức Chúa Trời ra lệnh người nam “phải lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình và cả hai sẽ trở nên một thịt” (TTHĐ). Cha mẹ, anh chị em ruột là nơi bạn nương dựa suốt thời thơ ấu. Nhưng một khi đã lập gia đình, bạn phải nghiêng về người phối ngẫu và xây dựng gia đình với người ấy. Điều đó có nghĩa là bạn và người phối ngẫu phải cùng nhau đi qua thử thách như một đơn vị gia đình độc lập, tách rời khỏi cha mẹ hay anh chị em của bạn.

Không có gì sai khi tìm lời khuyên của cha mẹ ruột, nhưng xem trọng ý kiến của họ hơn của người phối ngẫu chỉ tạo thêm phiền phức. Khi đưa ra những quyết định quan trọng trong cuộc sống, thì đó phải là quyết định của bạn và người bạn đời, chứ không phải của cha mẹ bạn.

  1. Yêu thương hoặc tôn trọng có điều kiện

Khi hôn nhân trải qua thử thách nghiêm trọng như là phản bội hay có dấu hiệu không chung thuỷ nào khác, nạn nhân trong mối quan hệ có thể cảm thấy mình có quyền coi thường đối phương hoặc khước từ yêu thương vì sợ bị tổn thương lần nữa. Thế nhưng, công thức để có một hôn nhân hạnh phúc trong Kinh Thánh là: “Thế thì, mỗi người trong anh em phải yêu vợ mình như chính mình, còn vợ thì phải kính chồng” (Ê-phê-sô 5:33).

Là vợ, chúng ta phải tôn trọng chồng mình, cho dù họ có xứng đáng được tôn trọng hay không. Khi người vợ thể hiện lòng tôn trọng đối với chồng, tức là chúng ta tôn trọng chính mình, và do đó tôn trọng hôn nhân của chúng ta.

Tương tự, chồng phải yêu vợ cho dù họ có xứng đáng hay không. Yêu vợ có thể không phải lúc nào cũng nắm tay hay phải có những biểu hiện âu yếm khác nơi công cộng, mà yêu vợ nghĩa là lắng nghe nàng, nâng đỡ nàng khi gặp thử thách và quan tâm đến ý kiến của nàng trước khi đưa ra quyết định. Khi chồng yêu vợ, thì chàng cũng tôn trọng hôn nhân của mình.

  1. Ưu tiên giành phần đúng về mình hơn là giữ cho mối quan hệ tốt đẹp

Trong thế giới ngày nay, người ta biết đến Cơ Đốc nhân vì những điều họ phản đối hơn là những điều họ ủng hộ. Khi đó, tấm gương phản chiếu hình ảnh Đấng Christ trong họ bị lu mờ. Trong mối quan hệ hôn nhân cũng vậy. Khi một trong hai vợ chồng quan tâm đến việc giành phần đúng cho mình hơn là giữ cho mối quan hệ tốt đẹp, thì hôn nhân không còn phản chiếu hình ảnh cô dâu của Đấng Christ, mà giống như hai con người ích kỷ chỉ muốn nhận được điều gì đó từ mối quan hệ hôn nhân hơn là cho đi.

Vợ chồng phải cam kết hy sinh cho hôn nhân của mình thay vì cứ chứng tỏ người kia sai, nhất là khi có xung đột. Đừng cố chứng tỏ mình đúng và là người chiến thắng trong hôn nhân, mà hãy theo gương Đấng Christ, Đấng sẵn sàng phó mạng sống Ngài để chúng ta (và người phối ngẫu) có được cuộc sống sung mãn mà Cha đã hứa.

  1. Gián đoạn Đối thoại giữa hai vợ chồng

Một trong những điều tốt đẹp nhất của hôn nhân là khi hai người chia sẻ cho nhau sự thân mật cả trong phòng ngủ lẫn bên ngoài phòng ngủ. Điều này có nghĩa là cả hai bày tỏ cảm xúc và tình cảm của mình mà không sợ bị người kia lên án. Hôn nhân phải là một nơi an toàn mà người ta có thể hoàn toàn bộc lộ chính mình. Nhưng khi có tổn thương chưa được giải quyết hay oán giận chưa được xử lý, thì cả hai sẽ im lặng và chỉ trò chuyện cách hời hợt.

Mối quan hệ có thể trở nên xấu đến nỗi mức độ trò chuyện thân mật nhất của hai người chỉ xoay quanh “ngày hôm nay của em/ anh thế nào?” Không ai cảm thấy đủ an toàn để bày tỏ sự bất mãn của mình với cuộc sống hay với nhau.

Điều này làm cho mối quan hệ vợ chồng chỉ như mối quan hệ của bạn cùng phòng. Mối quan hệ của Đấng Christ với Hội thánh phải thân thiết hơn mối quan hệ của bạn cùng phòng. Đức Chúa Trời muốn có mối tương giao với chúng ta, thì người phối ngẫu của chúng ta cũng vậy. Hãy thử tưởng tượng nếu mối liên hệ của bạn với Chúa chỉ là danh sách những điều cầu xin, thì mối quan hệ đó có lành mạnh không? Hãy dành thời gian để giải quyết xung đột và chữa lành tổn thương, để hai bạn có thể trò chuyện với nhau cách thân mật.

Hôn nhân không hề dễ dàng, nhưng khi cả hai cam kết xây dựng hôn nhân trở nên mối quan hệ tốt đẹp nhất thì Đấng Christ được vinh hiển, và họ tận hưởng một cuộc sống dư dật tình yêu và tiếng cười mà Chúa ban cho. Nếu bạn đang có bảy thói quen kể trên trong hôn nhân, hãy cố gắng phá vỡ chúng đi. Có thể bạn phải bám chặt vào lời Chúa, tìm kiếm sự giúp đỡ từ Hội thánh hoặc bác sĩ chuyên khoa. Hãy cố gắng hết sức để trở thành người phối ngẫu mà vợ hay chồng của bạn đáng phải có.

Tác giả: Michelle S. Lazurek (www.crosswalk.com)
Người dịch: Khue Tran

Bài trướcKlei Brei Drei Akâo – 25/5/2021
Bài tiếp theoY-Salômôn Klă Sĭt Jing Mtao – 26/5/2021